Khối ngoại 'sang tay' 145 triệu cổ phiếu ACB trị giá hơn 4.000 tỷ đồng trong phiên sáng 22/3
Phiên giao dịch sáng 22/3, cổ phiếu ACB ghi nhận 145 triệu đơn vị được giao dịch thỏa thuận giữa các nhà đầu tư nước ngoài. Giá trị giao dịch trị giá hơn 4.000 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày 22/3 ghi nhận loạt giao dịch thoả thuận trên cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu với tổng khối lượng lên đến 145 triệu đơn vị, tương đương 3,7% tổng lượng cổ phiếu lưu hành.
Giá thoả thuận 27.650 đồng/cổ phiếu (thấp hơn so với giá khớp lệnh), tương ứng tổng giá trị các giao dịch lên đến hơn 4.000 tỷ đồng. Giao dịch được thực hiện giữa các nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên danh tính cụ thể của nhà đầu tư chưa được tiết lộ.
Cũng trong sáng nay, cổ phiếu ACB khớp lệnh 6,8 triệu đơn vị. Đóng cửa phiên giao dịch buổi sáng, cổ phiếu ACB tăng 2,5% so với tham chiếu, lên mức 28.750 đồng/cổ phiếu.
Trong một diễn biến khác, ACB mới đây đã công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 dự kiến diễn ra vào ngày 4/4 tới. ACB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 ở mức 22.000 tỷ đồng, tăng 10% so với kết quả 2023. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm 2024 tăng 12%, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 11% đạt 593.779 tỷ đồng. Tăng trưởng cho vay khách hàng là 14% đạt 555.866 tỷ đồng.
Ngân hàng ACB cũng lên kế hoạch chia cổ tức năm 2023 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2023 và còn lại từ các năm trước chưa chia là 19.886 tỷ đồng. Theo đó, HĐQT ACB dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, tương ứng với mức sử dụng lợi nhuận giữ lại là 9.710 tỷ đồng.
Về phương án tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức, ACB dự kiến phát hành thêm hơn 582,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 15% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 15 cổ phiếu). Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng từ 38.840 tỷ đồng lên 44.666 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh năm 2023, thu nhập lãi thuần của ACB đạt 24.959 tỷ đồng, tăng 6%. Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng mạnh nhất từ hơn 20 tỷ đồng lên trên 2.647 tỷ đồng. Qua đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cả năm tăng 27% lên mức 21.872 tỷ đồng.
Dù tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng từ gần 71 tỷ đồng lên 1.804 tỷ đồng, ACB vẫn báo lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 20.068 tỷ đồng, tăng 17% so với thực hiện năm 2022.
Trong cơ cấu nguồn vốn, tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác tăng 32% đạt 89.506,6 tỷ đồng; tiền gửi của khách hàng ghi nhận 482.703 tỷ đồng, tăng 16%.
Dù lợi nhuận tăng trưởng nhưng chất lượng tài sản của ngân hàng này lại kém khả quan. Tổng nợ xấu của ACB ghi nhận 5.887 tỷ đồng, tăng 93% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 2,1 lần, nợ nghi ngờ tăng 2,3 lần và nợ có khả năng mất vốn cũng tăng 1,8 lần và chiếm tới 66% tổng nợ xấu. Qua đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay bị đẩy từ 0,74% lên 1,22% vào cuối năm 2023.