Khối tài sản hàng trăm tỷ đồng của ông chủ Việt Á Phan Quốc Việt được xử lý như thế nào?

Bị cáo Phan Quốc Việt có 3 tài khoản ngân hàng, 55 sổ tiết kiệm đứng tên mình với tổng số tiền hơn 321 tỷ đồng bị phong tỏa. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng phong tỏa 52 sổ tiết kiệm đứng tên mẹ bị cáo Việt (tổng số tiền 142 tỷ đồng) và 2 sổ tiết kiệm đứng tên con bị cáo (trị giá 20 tỷ đồng).

Chiều 12/1, TAND TP Hà Nội xét xử 38 bị cáo trong vụ Việt Á. Ngoài phần án hình sự dành cho các bị cáo, HĐXX cũng đưa ra phán quyết về phần dân sự. 

Theo đó, với các khoản tiền hưởng lợi của Việt Á từ việc nâng khống giá thành vượt quá nhiều lần, gây thiệt hại hơn 1.235 tỷ đồng, HĐXX buộc công ty này nộp toàn bộ số tiền trên sau khi khấu trừ các khoản đã đưa hối lộ và những khoản liên quan. 

Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Phan Quốc Việt xác nhận có 3 tài khoản ngân hàng, 55 sổ tiết kiệm đứng tên mình với tổng số tiền hơn 321 tỷ đồng bị phong toả.

Cơ quan chức năng cũng phong toả 52 sổ tiết kiệm đứng tên mẹ bị cáo Việt (tổng số tiền 142 tỷ đồng) và 2 sổ tiết kiệm đứng tên con bị cáo (trị giá 20 tỷ đồng).

khoi-tai-san-hang-tram-ty-dong-cua-ong-chu-viet-a-phan-quoc-viet-duoc-xu-ly-nhu-the-nao-1705117398.jpg
Bị cáo Phan Quốc Việt

Tại tòa, bị cáo Việt trình bày về 52 sổ tiết kiệm đứng tên mẹ mình và cho hay, đây là số tiền mà bị cáo trả nợ cho mẹ. 

Trước câu hỏi của HĐXX về cơ sở nào để xác định số tiền 142 tỷ đồng trong các sổ tiết kiệm là của mẹ bị cáo, ông chủ Việt Á khẳng định, quá trình làm ăn nhiều lần phải vay tiền gia đình. Số tiền mẹ bị cáo có được có thể do vay bạn bè và các nguồn khác. HĐXX đã triệu tập mẹ của bị cáo Việt nhưng người này không có mặt tại tòa.

Ở phần tuyên án, liên quan đến số tiền trong tài khoản tiết kiệm của mẹ và con bị cáo Phan Quốc Việt, HĐXX cho rằng, đây là tiền liên quan đến tiền bán kit test nên yêu cầu bị cáo Việt nộp lại để sung công quỹ nhà nước. 

Trong số các tài sản mà CQĐT kê biên của bị cáo Phan Quốc Việt còn có 16 bất động sản ở số 9 Mạc Đĩnh Chi, phường Bến Nghé, TP HCM.

Trình bày về các bất động sản trên, Chủ tịch Việt Á cho rằng, đây là tài sản của ông H.N.L (bạn thân của bị cáo) trước đó vì rắc rối trong việc hợp tác làm ăn đã phải đem thế chấp cho một ngân hàng. 

Vì muốn giúp bạn "đảo nợ", bị cáo Việt đồng ý đứng tên mua lại 16 bất động sản rồi sau đó lại mang thế chấp ngân hàng để vay tiền giúp bạn. Tại tòa, ông H.N.L. thừa nhận việc này. Tính đến tháng 12/2023, khoản nợ cả gốc và lãi lên tới hơn 850 tỷ đồng.

Có mặt tại tòa, đại diện ngân hàng đề nghị được xử lý tài sản trên, cụ thể là phát mại 16 bất động sản để thu nợ gốc và lãi. Trong khi đó, ông H.N.L. chấp nhận phương án để các bên ngồi lại với nhau tự giải quyết.

Về việc này, HĐXX đưa ra phán quyết yêu cầu xem xét kết quả và cam kết 3 bên để giải quyết.

HĐXX cũng đề nghị buộc các cá nhân, tổ chức mua test xét nghiệm của Công ty Việt Á còn nợ tiền của Việt Á chưa thanh toán phải thanh toán cho công ty. Nếu tranh chấp không thoả thuận được thì có thể đưa ra xét xử ở vụ án dân sự khác.

Đối với vi phạm xảy ra tại tỉnh Bình Dương, liên quan đến Công ty VNDAT, HĐXX yêu cầu ông Nguyễn Trường Giang (cựu Tổng Giám đốc Công ty VNDAT) phải liên đới bồi thường cùng Việt Á trong vụ án này cho CDC Bình Dương là 29 tỷ đồng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT