Không bỏ lỡ "cuộc chiến vỉa hè", các ông lớn Highlands, Trung Nguyên, King Coffee,... cũng xuống đường bán cà phê

Các ông lớn trong ngành F&B không hề bỏ qua miếng bánh thị phần từ vỉa hè. Nhưng, có lẽ sự chỉn chu về thương hiệu khiến mô hình này của họ không thể mọc lên “như nấm sau mưa”?

Những chiếc xe đẩy bán cà phê take away (mang đi) đã có mặt ở các thành phố lớn từ lâu. Đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid - 19, nhiều đơn vị đã chọn cách đóng cửa, không ngần ngại “xuống đường bán rong”. Sau này, trào lưu xe đẩy cà phê càng rộ lên mạnh mẽ sau khi những món theo trend và khá dễ pha như cà phê muối ra đời. Có giai đoạn, những xe đẩy bán cà phê mọc lên như nấm sau mưa.

Trên thực tế thì không chỉ có các đơn vị không tên tuổi tham gia mà nhiều ông lớn trong ngành F&B cũng gia nhập cuộc chiến giành thị phần từ"vỉa hè".

Năm 2020, sau một số thử nghiệm tại TP Hồ Chí Minh, Highlands đã gia nhập gánh cà phê đường phố ở bãi đỗ xe ngay trước tòa nhà Handico (Phạm Hùng, Hà Nội) bằng một xe ô tô lưu động.

Cũng bán cà phê trên xe đẩy di động, các ông lớn Highland, Trung Nguyên, King Coffee,... không hề bỏ qua "cuộc chiến vỉa hè" - Ảnh 1.

Xe bán cà phê di động của Highlands năm 2020. Ảnh: Tổ quốc

Theo ghi nhận tại thời điểm đó, menu trên chiếc xe này tương đối tinh gọn hơn so với trong cửa hàng nhưng vẫn có những món đặc trưng của hãng. Điểm khiến mô hình này thực sự có khả năng cạnh tranh với những đội quân đường phố khác là giá của các đồ uống đều rẻ hơn so với mua tại quán mà chất lượng gần như tương tự. 

Trên xe lưu động, cà phê phin truyền thống của Highlands được giảm giá 10.000 đồng/ly. Trong khi đó, trà hay phindi lại rẻ hơn từ 14.000 - 16.000 đồng so với giá gốc. Để thưởng thức một ly trà sen vàng cỡ L, nếu bình thường phải mất 55.000 đồng (vào năm 2020) thì khi mua tại điểm bán này, khách hàng chỉ cần trả 39.000 đồng.

Tương tự như vậy, một khách hàng khi mua cà phê take away từ xe đẩy của Trung Nguyên đặt trước chuỗi E-Coffee sẽ có giá chỉ hơn nửa so với việc ngồi lại nhâm nhi một ly cà phê trong cửa hàng. Những chiếc xe bán cà phê take away ra đời trong năm 2020 được cho là giải pháp cộng lực dành cho các cửa hàng và mang đến giải pháp kinh doanh tối đa lợi ích.

Trung Nguyên Legend cho rằng, cùng với cửa hàng Trung Nguyên E-Coffee được thiết kế chuyên nghiệp, xe take away sẽ góp phần thu hút những người yêu và đam mê cà phê.

Cũng bán cà phê trên xe đẩy di động, các ông lớn Highland, Trung Nguyên, King Coffee,... không hề bỏ qua "cuộc chiến vỉa hè" - Ảnh 2.

Mô hình xe đẩy bán cà phê của Trung Nguyên

Cùng chiến lược với ông Đặng Lê Nguyên Vũ, King Coffee của bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng tung ra mô hình nhượng quyền WEHome Café trong năm 2020.

Trong những ngày đầu năm 2021, trên các tuyến phố tại Tp. Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều hơn các xe WEHome Café trước các cửa hàng FPT Shop. Mô hình WEHome Café bao gồm quầy pha chế cà phê, standee, menu, dù sắt và 2 bộ bàn ghế với màu đỏ thiết kế bắt mắt, mang thương hiệu King Coffee. 

Điều đặc biệt, chuỗi cà phê King Coffee đã chọn cách bắt tay cùng các cửa hàng FPT Shop để mở thêm điểm bán mới, dưới mô hình quầy WEHome Café. Đây có thể nói là một chiến lược hợp lý giúp WEHome Café có một chỗ bán chính thống cố định, vị thế của thương hiệu nhờ đó cũng được nâng cao hơn.

Hơn nữa, mặt bằng FPT Shop thường được đặt tại các vị trí trung tâm, đông lượng người qua lại và gần các khu dân cư, từ đó mở ra cơ hội tiếp cận lượng khách hàng lớn cho Kings Coffee.

Cũng bán cà phê trên xe đẩy di động, các ông lớn Highland, Trung Nguyên, King Coffee,... không hề bỏ qua "cuộc chiến vỉa hè" - Ảnh 3.

Mô hình xe đẩy bán cà phê di động WEHome Café của King Coffee

Một chuỗi cà phê khác là Cà phê Ông bầu, ra đời từ sự kết hợp của bộ 3 bầu Đức, bầu Thắng và bầu Hải cũng nhanh nhạy triển khai nhượng quyền với mô hình xe đẩy cà phê và hiện đang tích cực mở ra hình thức nhượng quyền mô hình này.

Cũng bán cà phê trên xe đẩy di động, các ông lớn Highland, Trung Nguyên, King Coffee,... không hề bỏ qua "cuộc chiến vỉa hè" - Ảnh 4.

Mô hình xe đẩy bán cà phê của Ông bầu

Nhìn chung, các mô hình xe đẩy bán cà phê take away do các ông lớn nhượng quyền tham gia vào cuộc chiến vỉa hè có lợi thế hơn ở chỗ: thiết kế giao diện bắt mắt, nhận diện thương hiệu tốt, công thức pha chế đã được chuẩn hóa và thay đổi theo menu của thương hiệu, nguồn đầu vào có nguồn gốc,... 

Mặt trái của mô hình này là do sự hạn chế về thiết bị, cơ sở hạ tầng, việc đảm bảo mùi vị đồ uống giống hệt trong cửa hàng là rất khó. Chính vì vậy việc chọn nhân viên tại các điểm bán hay bảo quản nguyên liệu cần được chú trọng và quan tâm. Nếu không, những mô hình take away sẽ mất điểm trong mắt khách hàng, ảnh hưởng đến cả thương hiệu nhãn hàng. 

Vì những rủi ro đó, chất lượng sản phẩm phải luôn được quan tâm hàng đầu tại mô hình này và đó cũng là cản trở khiến các ông lớn không thể "lao ra đường" một cách bất chấp.



Trọng Nghĩa

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT