Không cần lo bán bia, một doanh nghiệp Việt Nam đã nhận về cả tỷ USD từ Heineken trong nhiều năm qua, số dư tiền gửi luôn trên 10.000 tỷ đồng

Hàng năm Heineken đều chia vài nghìn tỷ đồng lợi nhuận cho Satra.

Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2023 ghi nhận doanh thu 9.791 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Do giá vốn tăng mạnh hơn doanh thu, lợi nhuận gộp của công ty giảm gần 25% còn 1.069 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Satra lại thu về 2.430 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm gần 53% so với năm 2022. Sở dĩ công ty có lãi lớn hơn lợi nhuận gộp sau khi đã trừ chi phí là phần lãi trong công ty liên doanh liên kết, đạt 2.733 tỷ đồng. Dù vậy khoản mục này của Satra cũng giảm 47%.

Không cần lo bán bia, một doanh nghiệp Việt Nam đã nhận về cả tỷ USD từ Heineken trong nhiều năm qua, số dư tiền gửi luôn trên 10.000 tỷ đồng- Ảnh 1.

Được biết đến là một trong những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực phân phối - bán lẻ hàng tiêu dùng nhưng lợi nhuận chủ yếu của Satra lại đến từ lợi nhuận được chia từ 2 liên doanh với tập đoàn bia Heineken.

Theo đó, Satra hiện đang sở hữu 40% vốn của công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam và 40% vốn của công ty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam (Heineken Trading). Phần vốn còn lại do các công ty con của tập đoàn Heineken tại Singapore và Australia nắm giữ.

Theo thống kê của chúng tôi, thu nhập chính của công ty mẹ Satra đến từ doanh thu hoạt động tài chính, ở mức 2.000 - 4.000 tỷ mỗi năm. Khoản mục này của công ty mẹ Satra đến từ hai nguồn chính là lãi tiền gửi và cổ tức - cũng đa phần là do Heineken trả. 

Tại thời điểm 31/12/2023, công ty mẹ Satra đang có khoảng 13.700 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Trong nhiều năm qua, doanh nghiệp này vẫn có khoảng trên dưới 10.000 tỷ đồng tiền gửi. Số tiền này mang về cho Satra khoảng 500-700 tỷ đồng tiền lãi. Tuy nhiên, số tiền gửi này của doanh nghiệp này tăng dần qua từng năm cũng chủ yếu đến từ các khoản cổ tức do Heineken trả. 

Như vậy, theo tính toán của chúng tôi kể từ năm 2013 đến nay, Heineken đã giúp công ty mẹ Satra kiếm được tổng cộng khoảng 39.000 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD). Hiện Satra không công bố thuyết minh báo cáo tài chính như phần lớn các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khác.

Không cần lo bán bia, một doanh nghiệp Việt Nam đã nhận về cả tỷ USD từ Heineken trong nhiều năm qua, số dư tiền gửi luôn trên 10.000 tỷ đồng- Ảnh 2.

Số cổ tức của Heineken trả cho Satra năm 2019 và 2020 được hạch toán vào lợi nhuận khác thay vì doanh thu tài chính.

Heineken Việt Nam – tên cũ là công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam (VBL) - là đầu mối sản xuất bia các sản phẩm Heineken, Tiger, Larue tại Việt Nam. Còn Heineken Trading là công ty phụ trách hoạt động phân phối các sản phẩm bia do Heineken Việt Nam sản xuất.

Heineken hiện đang dẫn thị phần ngành bia tại Việt Nam. Với việc lợi nhuận của Satra giảm sâu trong năm vừa qua thì nguyên nhân chính đến từ sự đi xuống của Heineken trong năm qua.

Với việc mang về cho Satra 4.000-5.000 tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm, ước tính lợi nhuận sau thuế của hệ thống Heineken Việt Nam rơi vào khoảng 10.000-12.000 tỷ đồng. Với việc lợi nhuận từ liên doanh liên kết của Satra năm 2023 chỉ còn 2.700 tỷ đồng thấp nhất nhiều năm thì ước tính lợi nhuận của hãng bia này chỉ còn 6.000-7.000 tỷ đồng, tức phần lợi nhuận sụt giảm năm ngoái còn nhiều hơn cả lợi nhuận của Sabeco và Habeco cộng lại.

Ngày 25/6, đại diện Heineken Việt Nam xác nhận công ty đang tiến hành các thủ tục để tạm ngừng hoạt động dự án Nhà máy bia Heineken chi nhánh Quảng Nam vào tháng 6/2024. Lý do là từ sau giai đoạn dịch COVID-19, nền kinh tế nói chung, bao gồm ngành bia, đã đối mặt rất nhiều thách thức, dẫn đến sự sụt giảm niềm tin và nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc triển khai Nghị định 100/2019 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng dẫn đến những thay đổi trong hành vi và hình thành thói quen tiêu dùng mới của người tiêu dùng.

Thị trường bia Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm 2 con số trong năm 2023 và tiếp tục sụt giảm 1 con số tính đến nay. "Để có thể thích ứng với tình hình hiện tại, tiếp tục phát triển với thị trường đang và sẽ có nhiều thay đổi trong tương lai, chúng tôi đã quyết định tối ưu hóa hoạt động sản xuất và kinh doanh của mình" – đại diện Heineken cho biết.

Nhà máy bia Quảng Nam có công suất nhỏ nhất trong số 6 nhà máy của Heineken tại Việt Nam. Việc dừng hoạt động nhà máy này là nhằm tiếp tục đầu tư và phát triển tại thị trường Việt Nam, qua đó hỗ trợ lực lượng lao động hiện hữu và duy trì hoạt động kinh doanh cùng chuỗi giá trị công ty này đang tạo ra.

Trọng Hiếu

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT