Không phải ô tô, chính xe máy điện mới đang tạo nên cuộc cách mạng xanh cho Châu Á

Những chiếc xe máy điện đang được ví là "thiên thần 2 bánh" cho công cuộc bảo vệ môi trường khi chiếm đến 60% lượng giảm nhu cầu sử dụng xăng dầu toàn cầu, vượt mặt cả ô tô điện.

Không phải ô tô, chính xe máy điện mới đang tạo nên cuộc cách mạng xanh cho Châu Á - Ảnh 1.

Tờ New York Times (NYT) nhận định những chiếc xe máy điện chở hàng tỷ người mỗi ngày ở Châu Á và Châu Phi đã giúp hạ nhu cầu sử dụng dầu khoảng 1 tỷ thùng mỗi năm, qua đó tạo nên cuộc cách mạng xanh thực sự.

Tại rất nhiều nước trên thế giới, các startup đua nhau phát triển xe máy điện thay vì ô tô điện để tham gia vào cuộc đua cách mạng xanh của thế giới. Ví dụ như ở Ấn Độ, hơn một nửa số xe 2-3 bánh được bán mới và đăng ký trong năm qua là xe điện.

Từ Indonesia, Thái Lan cho đến Kenya, Rwanda đều đang khuyến khích việc điện hóa xe máy, vốn dễ dàng và thuận tiện sử dụng cho người dân hơn ô tô.

Số liệu của BloombergNEF cho thấy việc điện hóa phương tiện giao thông sẽ giúp nhu cầu sử dụng xăng dầu trên toàn cầu giảm 1,8 tỷ thùng mỗi ngày, trong đó xe máy 2-3 bánh chiếm 60%, tương đương 1,08 tỷ thùng/ngày.

Điều này đồng nghĩa ô tô điện chỉ chiếm 40% suy giảm nhu cầu dùng xăng dầu trong năm qua, thế nhưng công cuộc điện hóa loại phương tiện này vẫn rất quan trọng khi chúng chiếm đến 20% lượng khí thải nhà kính trong giao thông ra toàn cầu.

Rõ ràng, công cuộc chống biến đổi khí hậu thế giới và bảo vệ môi trường ở mảng giao thông hiện nay lại nằm trên vai xe máy chứ chẳng phải ô tô.

Không phải ô tô, chính xe máy điện mới đang tạo nên cuộc cách mạng xanh cho Châu Á - Ảnh 2.

Những ‘thiên thần’ 2 bánh

Theo NYT, từ Nairobi cho đến thủ đô Hà Nội, mảng xe máy điện đang bùng nổ mạnh trên thị trường xe ôm. Trong khi đó tại Mumbai, những chiếc xe máy điện có thể chở cả 1 gia đình 4 người đi bất kỳ đâu một cách nhanh chóng và thuận tiện. Tại Trung Quốc, hàng triệu người dân dùng xe máy điện làm phương tiện giao thông chính của mình.

"Xe máy điện dù thầm lặng nhưng lại góp phần bảo vệ môi trường hiệu quả hơn so với các phương tiện khác hiện nay", nhà sáng lập Jesse Forrester của mazi Mobility hiện đang sở hữu 60 chiếc xe máy điện cho dịch vụ xe ôm nói thẳng.

Thậm chí công ty của ông Forrester chỉ là một trong rất nhiều doanh nghiệp hoạt động phục vụ chuỗi cung ứng xe máy điện, từ lắp ráp, nhập khẩu, buôn bán cho đến mua trả góp loại phương tiện này.

Tại Ấn Độ, hãng Hero MotoCorp đã cho ra mắt dòng xe điện có giá chưa đến 1.800 USD và ứng dụng gọi xe Ola ngay lập tức đã ký hợp đồng mua sản phẩm của công ty này. Trong khi đó Honda của Nhật Bản cũng tuyên bố đầu tư 3,4 tỷ USD để sản xuất 4 triệu xe máy điện vào năm 2030.

Ở Nairobi-Kenya, vô số tài xế xe ôm đang chuyển sang dùng xe điện vì chi phí rẻ, đỡ tốn tiền xăng lại không cần bảo dưỡng nhiều do không dùng động cơ đốt trong. Chỉ với một lần sạc là những tài xế xe ôm này có thể chạy ít nhất 90km.

Mặc dù quốc gia này mới chỉ có 1.500 trạm sạc điện trong tổng số 1,3 triệu trạm xăng nhưng tình hình đang thay đổi khá nhanh chóng. Nguyên nhân chính là do giá xăng tăng cao vì các biến động địa chính trị khiến chính phủ Kenya đã buộc phải từ bỏ trợ giá xăng dầu kể từ tháng 9/2022, khiến người dân tự gánh áp lực chi phí này.

Chính vì vậy dù đắt hơn 5% so với xe xăng nhưng xe máy điện lại có chi phí vận hành rẻ hơn rất nhiều và được ngày càng nhiều người dân ưa chuộng. Thậm chí các nhà bán xe như Mazi hay ARC đã hợp tác với những tổ chức tài chính để tung ra chương trình vay nợ mua trả góp những "thiên thần 2 bánh" này.

Tổng thống William Ruto của Kenya đã đặt mục tiêu có 200.000 chiếc xe máy điện từ nay đến trước năm 2025.

"Đây là phương tiện giao thông tương lai của Kenya", giám đốc Felix Saro Wiwa của ARC Ride nhận định.

Không phải ô tô, chính xe máy điện mới đang tạo nên cuộc cách mạng xanh cho Châu Á - Ảnh 3.

Bùng nổ

Anh Shankar Rai là một tài xế lái xe 3 bánh điện (Electric Ricksaw) tại Darbhanga với thu nhập khoảng 1.000 Rupee mỗi ngày, tương đương 12 USD. Do là hộ gia đình nghèo nên những chiếc xe 3 bánh điện này là lựa chọn tối ưu cho anh Rai.

Bình quân giá mỗi chiếc xe 3 bánh điện vào khoảng 175.000 Rupee, tương đương 2.100 USD, chỉ rẻ bằng một nửa so với xe chạy xăng dầu thông thường. Chi phí sạc điện chỉ tốn khoảng 20 Rupee (0,25 USD), chỉ bằng ¼ so với chi phí mua xăng dầu.

Chính vì sự tiện lợi này mà ngày càng nhiều hãng giao đồ ăn nhanh hay công ty vận chuyển đang đổi sang dùng xe điện.

Hãng Sun Mobility chuyên cung ứng mạng lưới sạc điện cho biết tình hình kinh doanh đang bùng nổ ở Ấn Độ. Giá ắc quy giảm mạnh khiến chi phí xe máy điện cũng xuống theo và hấp dẫn rất nhiều người dân.

"Khi mức giá xuống ngưỡng kỳ vọng thì thị trường bùng nổ cực kỳ nhanh chóng nhờ lợi thế về chi phí của xe máy điện", giám đốc Chaten Maini của Sun Mobility thừa nhận.

Đồng quan điểm, hãng bán xe Balaji Motor cho hay bình quân họ bán được 200 xe 3 bánh điện ở riêng Darbahanga mỗi tháng. Với đà phát triển này thì chỉ trong 2 năm, xe 3 bánh điện sẽ tràn ngập đường phố nơi đây.

*Nguồn: NYT

Băng Băng

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT