Không phải ông Nguyễn Cao Trí, “ông chủ” ban đầu của siêu Dự án Sài Gòn Đại Ninh khiến Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng bị khởi tố lại là một đại gia đến từ Hải Dương

Siêu dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2010 cho Công ty Cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh.

Ngày 2/1/2024, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an vừa ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ, liên quan đến dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh.

Về siêu dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (Dự án Sài Gòn - Đại Ninh) được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2010 cho Công ty Cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh (Công ty Sài Gòn Đại Ninh). Vốn điều lệ của công ty khi đó là 300 tỷ đồng, gồm 7 cổ đông sáng lập, trong đó có Công ty TNHH thương mại Phương Nam sở hữu 273.000 cổ phần, chiếm 91% và 6 cổ đông khác, chiếm 9%.

Tới thời điểm tháng 8/2016, Sài Gòn Đại Ninh tăng vốn điều lệ lên 600 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH thương mại Phương Nam tiếp tục nắm giữ tới 85%. Như vậy, suốt nhiều năm kể từ khi được phê duyệt Phương Nam vẫn là "ông chủ" đứng sau siêu dự án Sài Gòn Đại Ninh.

Về Công ty TNHH thương mại Phương Nam, doanh nghiệp được thành lập vào tháng 11/2007 tại Hải Dương. Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là ông Hoàng Văn Thành. Tại thời điểm tháng 10/2022, doanh nghiệp có vốn điều lệ là 9,5 tỷ đồng, trong đó ông Hoàng Văn Thành nắm giữ 45%, còn lại 55% do bà Nguyễn Thị Thinh nắm giữ.

Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh bao gồm khu đô thị trung tâm (biệt thự Davos), khu biệt thự đa năng, đảo xanh và khu ven hồ. Đất công trình công cộng gồm công trình trung tâm, dịch vụ công cộng, văn hóa giáo dục, thương mại - dịch vụ - tài chính, khu nghỉ dưỡng khách sạn…Ngoài ra, dự án này còn có công viên là rừng nguyên sinh, vườn hoa thế giới, khu bảo tồn thiên nhiên…trên diện tích lên tới 3.595 ha.

Tổng nguồn vốn đầu tư cho siêu dự án này được giới thiệu lên tới 25.243 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật là bà Phan Thị Hoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty Sài Gòn Đại Ninh. Theo tiến độ đầu tư, Khu đô thị Sài Gòn Đại Ninh được triển khai thực hiện từ năm 2010, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2018.

Dự án chậm tiến độ so với chứng nhận đầu tư nhiều năm. Công ty chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước... Chính vì vậy, tại Kết luận thanh tra 929/KL/TTCP ngày 12/6/2020, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án Khu đô thị của Công ty Sài Gòn Đại Ninh.

Thực hiện đề nghị của Thanh tra Chính phủ, Sở KH&ĐT tỉnh Lâm Đồng đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng tiến hành các thủ tục để thu hồi dự án này. Tuy nhiên, tháng 10/2020, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã có nhiều đơn xin cứu xét tới các cơ quan chức năng, trong đó có Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh Lâm Đồng.

Ngày 1/3/2021, Thanh tra Chính phủ đã ra quyết định lập tổ công tác để xác minh nội dung kiến nghị của Công ty Sài Gòn Đại Ninh. Trên cơ sở kết quả làm việc của đoàn công tác Thanh tra Chính phủ với Công ty Sài Gòn Đại Ninh và các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, ngày 30/6/2021, Thanh tra Chính phủ đã ra Kết luận 1033/KL/TTCP về việc sửa đổi một số nội dung tại Kết luận Thanh tra 929/KL-TTCP ngày 12/6/2020 của Thanh tra Chính phủ về việc quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Cũng trong khoảng thời gian này, Công ty Sài Gòn Đại Ninh có thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, công ty đề nghị thay đổi người đại diện theo pháp luật từ bà Phan Thị Hoa - Chủ tịch Hội đồng quản trị sang ông Nguyễn Cao Trí -Tổng giám đốc. Tới thời điểm này, cổ đông chi phối Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã chuyển sang ông Nguyễn Cao Đức (chiếm 51% cổ phần). Ông Nguyễn Cao Đức và ông Nguyễn Cao Trí là hai anh em ruột.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính và các cơ quan chức năng tiếp tục cho thực hiện dự án, Công ty Sài Gòn Đại Ninh được UBND tỉnh Lâm Đồng cho giãn tiến độ 24 tháng. Cụ thể, từ quý I đến quý IV/2022: đầu tư hạ tầng giai đoạn 1 và xây dựng một số hạng mục chính của Khu A (Levender Bay) và Khu D (Davos Hill), thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, tổng vốn triển khai 1.000 tỷ đồng. Quý I/2023 đến năm 2024: đầu tư hoàn thiện Khu A (Levender Bay) và Khu D (Davos Hill) và một số hạng mục khác.

Tâm Nguyên

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT