Không phải sầu riêng, một loại 'siêu trái cây' đang gặp khó tại Trung Quốc: Giá bất ngờ lao dốc 1 nửa, Việt Nam trồng nhiều nhất thế giới
Đây là loại cây mà Trung Quốc đang liên tục mở rộng diện tích trồng, tuy nhiên nhu cầu nội địa yếu và nguồn cung tăng mạnh đã khiến giá loại trái cây này giảm mạnh.

Ảnh minh họa
Giá thanh long ruột đỏ tại thị trường nội địa Trung Quốc gần đây đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng 3 nhân dân tệ (0,42 USD)/kg – bằng một nửa so với mức giá thông thường khoảng 6 nhân dân tệ (0,84 USD)/kg. Theo các nhà vườn, phần lớn số thanh long giá rẻ này là loại được trồng bằng công nghệ chiếu sáng nhân tạo từ tháng 3 và thu hoạch sớm hơn khoảng 20 ngày so với thanh long trồng tự nhiên.
Nguyên nhân chính khiến giá giảm sâu là nhu cầu tiêu thụ nội địa yếu trong bối cảnh nguồn cung tăng mạnh. Những năm gần đây, diện tích trồng thanh long ở Trung Quốc liên tục mở rộng, trong khi lợi nhuận vẫn ở mức thấp. Dù thanh long chiếu sáng nhân tạo từng được kỳ vọng có giá cao vào mùa đông và đầu xuân, nhưng chi phí đầu tư lớn cùng thị trường ngày càng bão hòa đã bào mòn biên lợi nhuận của người trồng.
Tại chợ bán buôn trái cây ở Tế Nam (tỉnh Sơn Đông), giá thanh long ruột đỏ loại nhỏ tại vườn hiện chỉ dao động từ dưới 1 đến 2 nhân dân tệ/kg (0,14–0,28 USD), tùy kích cỡ. Một thùng thanh long 16,5 kg hiện được bán với giá khoảng 50 nhân dân tệ (6,98 USD), thấp hơn đáng kể so với mức cao nhất từng ghi nhận là 180 nhân dân tệ (25,12 USD) vào mùa đông năm ngoái.
Xu hướng giảm giá kéo dài nhiều năm qua phần lớn đến từ sự bùng nổ sản lượng. Tổng diện tích trồng thanh long ở Trung Quốc hiện vượt 53.000 ha, với sản lượng hằng năm hơn 1,6 triệu tấn – vượt cả Việt Nam khi nước ta vốn là một trong những nhà cung cấp thanh long lớn nhất thế giới. Tại các trang trại nhà kính, năng suất có thể đạt 45.000–60.000 kg/ha, thậm chí một số nơi lên tới hơn 75.000 kg/ha.
Cây thanh long có chu kỳ sinh trưởng ngắn, chỉ sau 12–14 tháng đã có thể ra hoa và kết trái. Trong điều kiện khí hậu thuận lợi từ tháng 4 đến tháng 11, cây có thể ra trái liên tục, mỗi chu kỳ từ khi ra hoa đến thu hoạch chỉ mất khoảng 40 ngày. Việc áp dụng đèn chiếu sáng bổ sung còn giúp cây phát triển suốt ngày đêm, góp phần tăng sản lượng nhưng cũng khiến thị trường dư cung.
Trung Quốc đang hình thành mô hình sản xuất theo vùng. Quảng Đông và Quảng Tây là hai địa phương sản xuất chính theo mùa, nhờ quy mô đồn điền lớn và hạ tầng logistics phát triển. Tỉnh Vân Nam – với điều kiện ngày đêm chênh lệch nhiệt độ – cho ra trái to, màu sắc đẹp, thu hút người tiêu dùng. Trong khi đó, Hải Nam chủ yếu tập trung sản xuất trái mùa phục vụ mùa đông, nhờ khí hậu thuận lợi quanh năm, song phải đối mặt với chi phí vận chuyển và đầu vào nông nghiệp cao hơn đất liền khoảng 30%, làm giảm sức cạnh tranh vào mùa chính.
Sự kết hợp giữa công nghệ, khí hậu thuận lợi và diện tích canh tác lớn đang giúp Trung Quốc vươn lên dẫn đầu về sản lượng thanh long. Tuy nhiên, bài toán cung cầu chưa cân bằng đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành này trong việc đảm bảo lợi nhuận bền vững.
Như Quỳnh