Không thể mất tiền khi mua vàng: Niềm tin khiến giới trẻ Trung Quốc phát cuồng với vàng, sinh viên cũng cố tiết kiệm đầu tư từng 'hạt đậu vàng' nặng vài gram

Sự thiếu niềm tin vào các khoản đầu tư truyền thống đã thúc đẩy cơn sốt vàng mới ở Trung Quốc.

Với tình trạng giảm phát của Trung Quốc ở mức tồi tệ nhất trong 15 năm, thị trường chứng khoán biến động và lãi suất ngân hàng quá thấp, cô gái Trung Quốc có tên Tina Hong, 18 tuổi, đang đặt cược sự đảm bảo tài chính của mình vào những "hạt đậu vàng".

Chỉ nặng 1 gram, những hạt đậu vàng và các dạng trang sức bằng vàng khác ngày càng được coi là khoản đầu tư an toàn nhất đối với giới trẻ Trung Quốc trong thời đại kinh tế bất ổn. Đó là một phần trong xu hướng tiêu dùng lớn hơn đối với tất cả mọi thứ bằng vàng – từ vàng miếng đến hạt đậu vàng và vòng tay.

Hong hiện đang là sinh viên năm nhất đại học ngành khoa học máy tính ở tỉnh Phúc Kiến, cô bắt đầu mua hạt đậu vàng vào tháng 1 vì giá tương đối thấp, khoảng 600 nhân dân tệ (83 USD) mỗi gram. Hong nói: "Về cơ bản, không thể mất tiền khi mua vàng". Cô cho biết cô có hơn 2 gram đậu vàng và sẽ tiếp tục mua miễn là giá thấp hơn giá vàng quốc tế.

Không thể mất tiền khi mua vàng: Niềm tin khiến giới trẻ Trung Quốc phát cuồng với vàng, sinh viên cũng cố tiết kiệm đầu tư từng 'hạt đậu vàng' nặng vài gram - Ảnh 1.

Được coi là điểm đầu tư dành cho người tiêu dùng trẻ tuổi, những hạt đậu vàng được đựng trong lọ thủy tinh là mặt hàng bán chạy mới nhất trong các cửa hàng trang sức Trung Quốc. 

Theo Báo cáo xu hướng tiêu dùng trang sức Trung Quốc năm 2023 của Chow Tai Fook Jewellery Group Ltd, người tiêu dùng thế hệ Z - bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ thất nghiệp cao và tình trạng giảm phát của đất nước - hiện nằm trong số những người tiêu dùng phụ kiện bằng vàng hàng đầu tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Sức hấp dẫn của vàng xuất hiện khi người dân quay trở lại mua sắm giữa bối cảnh tăng trưởng đáng thất vọng trong nhiều tháng qua.

Cơn sốt vàng tại Trung Quốc

Sự thiếu niềm tin vào các khoản đầu tư truyền thống đã thúc đẩy cơn sốt vàng mới ở Trung Quốc.

Thị trường chứng khoán quốc gia đã chứng kiến sự sụt giảm sau khi mở cửa trở lại sau đại dịch, một trong những chỉ số chính trên thị trường giảm xuống mức được thấy lần cuối vào năm 2018. Tầng lớp trung lưu của đất nước đang phải gánh chịu hậu quả của sự suy thoái bất động sản – trong khi ngân hàng trung ương đã hạ lãi suất cơ bản bốn lần kể từ tháng 12/2021, ăn vào lợi nhuận của các sản phẩm quản lý tài sản.

Nikos Kavalis, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Metals Focus Ltd có trụ sở tại London cho biết giới trẻ đang bỏ qua "tiêu dùng để thỏa mãn sự thích thú" mà thay vào đó mua "đồ trang sức kiểu tài sản" như hạt đậu vàng vừa có thể là vật trang trí, vừa là để đầu tư.

Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng sẽ không có ý nghĩa gì khi đầu tư vào hạt đậu vàng – hoặc các mặt hàng vàng khác – vì giá của chúng thường cao hơn giá hàng hóa giao ngay từ 10% đến 30%. Ông nói rằng các nhà đầu tư sẽ được phục vụ tốt hơn bằng cách gửi tiền vào các quỹ ETF vàng.

Không thể mất tiền khi mua vàng: Niềm tin khiến giới trẻ Trung Quốc phát cuồng với vàng, sinh viên cũng cố tiết kiệm đầu tư từng 'hạt đậu vàng' nặng vài gram - Ảnh 2.

Tuy nhiên, niềm đam mê với vàng vẫn đang lan rộng trên mạng xã hội Trung Quốc. Trên Weibo, hashtag "Tại sao người trẻ lại mua vàng" đã thu được 91 triệu lượt truy cập. Một cuộc thảo luận sôi nổi về giá trị lâu dài của vàng đang thống trị trang mạng xã hội, trong đó có một bài đăng phổ biến nói rằng "mua vàng sẽ tránh xa rắc rối".

Theo báo cáo năm 2021 của Hội đồng Vàng Thế giới, 3/4 người tiêu dùng vàng hiện nay ước tính ở độ tuổi từ 25 đến 35 và nhiều người tin rằng đầu tư vào vàng có rủi ro thấp. Niềm tin đó càng được củng cố khi giá vàng đạt nhiều mức cao lịch sử kể từ tháng 12. Vàng thỏi lần đầu tiên vượt ngưỡng 2.100 USD/ounce trong tháng này.

Theo dữ liệu của chính phủ, doanh số bán vàng, bạc và đồ trang sức đạt mức cao nhất trong 6 năm vào tháng 12, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim loại quý này hiện đại diện cho một trong những thị trường tiêu dùng phát triển nhanh nhất ở Trung Quốc.

Người phát ngôn của hãng kim hoàn Trung Quốc Luk Fook Holdings International Ltd cho biết, việc mua hạt đậu vàng để làm quà tặng và đầu tư cũng đạt đỉnh điểm trong dịp Tết Nguyên đán ở Trung Quốc.

Thậm chí, các ngân hàng cũng tham chiến, cạnh tranh cùng các nhà bán lẻ vàng truyền thống để bán hạt đậu vàng. Ví dụ: China Merchants Bank đã giới thiệu dòng sản phẩm hạt đậu vàng vào tháng 7/2023.

Cindy Yeung, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Emperor Watch & Jewellery cho biết: "Bất chấp việc gần đây giá vàng ở Trung Quốc tăng vọt, người tiêu dùng vẫn thể hiện sự ưa chuộng vàng mạnh mẽ".

Dẫu vậy, các chuyên gia cảnh báo về những nguy hiểm tiềm ẩn đối với người tiêu dùng hạt đậu vàng và các đồ vật bằng vàng khác nếu không hiểu biết về sự khác biệt giữa vàng thật và vàng giả.

Lily Chen, một nhân viên văn phòng 26 tuổi ở Thượng Hải phát hiện ra hầu hết số hạt đậu vàng cô mua đều bị trộn lẫn với sắt, kẽm và đồng khi định đổi chúng lấy một chiếc vòng tay bằng vàng. "Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ tiết kiệm bằng cách mua vàng với giá cực rẻ. Tôi luôn đảm bảo mua vàng từ các cửa hàng trực tuyến được xếp hạng sao. Nhưng điều này vẫn có thể xảy ra", Chen nói.

Tuy nhiên, cơn sốt vàng vẫn tiếp tục diễn ra trên mạng xã hội. Các sinh viên đại học đang đăng những bài viết giống như nhật ký về việc mua vàng, các cặp đôi chia sẻ cách họ hàn gắn mối quan hệ căng thẳng bằng những món quà bằng vàng - còn những người bán lại và sưu tập kim loại quý thì đưa ra lời khuyên đầu tư vàng.

Theo: Bloomberg

Phương Linh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT