Chợ Bến Thành nằm ở vị trí trung tâm của TP.HCM, tọa lạc tại giao điểm của nhiều con đường chính như Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Lê Lai và Phan Bội Châu. Chợ cách hai địa danh biểu tượng khác của thành phố là Dinh Độc Lập và Công viên 23 tháng 9 khoảng vài trăm mét. Chợ Bến Thành có nguồn gốc từ thế kỷ 19 và đã tồn tại hơn 100 năm, trở thành biểu tượng cho giao thương và du lịch tại TP.HCM. - Ảnh: Duy Anh
Chợ Bến Thành có diện tích 13.000 m2 với 1.500 sạp hàng kinh doanh, mỗi sạp khoảng 5 m2. Số lượng tiểu thương tại đây khoảng 6.000 người. Chợ được thiết kế xoay quanh bốn cổng Đông, Tây, Nam, Bắc với Nam là cổng chính. Chợ được chia theo các khu vực riêng biệt bao gồm thực phẩm (cửa Bắc), quần áo, vải vóc (cửa Nam), đồ điện tử, hoa, đồ thủ công, mỹ nghệ (cửa Tây) và bánh kẹo, mỹ phẩm (cửa Đông).
Theo những tiểu thương tại đây, giá thuê sạp càng gần trục trung tâm chợ Bến Thành càng đắt đỏ, hiện dao động từ 80 đến gần 130 triệu đồng/ tháng, có khi còn đắt hơn. Hầu hết tiểu thương sẽ không bỏ vị trí sạp của mình vì nếu trả sẽ có người khác thuê hoặc mua ngay lập tức dù giá có đắt đến đâu. Anh Phan Hùng, người đã “sống mái” với sạp bánh, mứt qua đại dịch COVID-19 cho biết khi ấy anh đã phải gồng lỗ hơn một trăm triệu mỗi tháng để giữ mặt bằng trung tâm.
Ông T. một tiểu thương đã buôn bán tại chợ Bến Thành hơn 20 năm chia sẻ ông đã từng nghe mọi người rỉ tai nhau mức giá từ 3 đến 15 tỷ đồng tùy vị trí, diện tích. Thậm chí, con số này đã lên tới 17 tỷ cho 5 m2 trong một thương vụ diễn ra cuối tháng 10-2023. Cũng theo ông T. thời điểm năm 2016-2017, vị trí tương tự chỉ có giá khoảng 10 tỷ đồng.
Giá thuê sạp tại những góc khuất hoặc không gần các cửa lớn thì thấp hơn, dao động từ 20-40 triệu đồng/tháng.
Điểm đáng chú ý là văn bản do UBND quận 1 ban hành từ năm 2015 quy định mức thuê kinh doanh tối đa chỉ có 180.000 đồng/m2, tương đương một ki ốt diện tích 5 m2 có giá thuê khoảng 900.000 đồng/tháng. Việc giá thuê, sang nhượng đi từ 900.000 đồng đến hàng chục triệu đồng được Trưởng Ban quản lý chợ Bến Thành - ông Ngô Văn Hà - lý giải: “Giá thuê mặt bằng cao là giao dịch diễn ra giữa các thương nhân với nhau chứ không phải Ban quản lý chợ cho thuê mức giá đó”.
Du khách nước ngoài chiếm khoảng 50-60% du khách đến chợ Bến Thành. Các đoàn khách này chủ yếu đến từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Châu u.
Cũng chính vì lẽ đó, các tiểu thương chợ Bến Thành đã thích nghi bằng cách học một số cách chào hỏi, đơn vị tiền tệ và nhiều câu sử dụng trong việc mua bán bằng tiếng Anh, Nhật, Hàn, Trung. Từ người bán trái cây gần 80 cho đến thanh niên 18 đều biết ít nhất 3 thứ tiếng. Nếu người Nhật xuất hiện, họ chào hỏi theo đúng phong tục “Irasshaimase” (Kính chào quý khách), khi người Mỹ hoặc Châu u xuất hiện, họ nói How can i help you sir/madam? (Tôi có thể giúp gì cho quý khách?) hoặc What are you looking for? (Quý khách đang cần tìm mặt hàng gì?)
Càng gần Tết, lượng du khách trong nước và quốc tế đến chợ Bến Thành càng đông. Gần đây, giới trẻ có thêm trào lưu mặc áo dài chụp ảnh xuân trước cổng Nam chợ Bến Thành. Vì vậy, tình hình càng trở nên náo nhiệt.
Mức giá đắt đỏ còn lan ra những mặt tiền đối diện chợ Bến Thành khi mà giá mặt bằng tại những con đường như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Lê Thánh Tôn có giá dao động từ 300 triệu đến hơn một tỷ đồng/m2.
Các tiểu thương cho rằng khu vực trong và xung quanh chợ sẽ còn liên tục tăng giá trong tương lai. Đặc biệt là dự dự án Metro kết nối trực tiếp với chợ Bến Thành đã sắp tới ngày hoàn thiện.
Tô Cường