Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Kiếm tiền trên TikTok dễ, hệ quả khó lường?

Admin

Là một trong những nền tảng mạng xã hội với lượng người dùng nhiều nhất trên thế giới, TikTok đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhà sáng tạo nội dung kiếm thêm thu nhập.

tiktok-getty-1679724615.jpg
 

TikTok là nền tảng nhắm tới đối tượng thiếu niên và người dùng trẻ tuổi, cho phép người dùng tạo và chia sẻ những đoạn video có độ dài từ 15 giây đến 3 phút với các hiệu ứng xử lý video độc đáo và thú vị. Đây là sản phẩm của công ty ByteDance, có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc), do nhà sáng lập Trương Nhất Minh phát triển. Mặc dù tham gia vào thị trường các nền tảng giải trí/ mạng xã hội trong bối cảnh nhiều tên tuổi lớn như Facebook, Instargram, Youtube, Twitter… đã có chỗ đứng và tệp người dùng của riêng mình, nhưng chỉ trong vòng nửa thập kỷ, nền tảng “tân binh” này đã thay đổi cục diện cạnh tranh, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới khi tiên phong khai thác tiềm năng của thị trường sáng tạo và định dạng video ngắn.

Đáng chú ý, TikTok cung cấp các công cụ kiếm tiền tích hợp cho các influencer (người ảnh hưởng)/ TikToker như quỹ người sáng tạo, chương trình chia sẻ doanh thu quảng cáo, tính năng tặng quà cho các TikToker phát trực tiếp...

Tuy nhiên, TikTok yêu cầu người sáng tạo phải có một số lượng người theo dõi và lượt xem nhất định để truy cập các tính năng này. Để tham gia quỹ người sáng tạo, các TikToker phải từ 18 tuổi trở lên, có ít nhất 10.000 người theo dõi và đã đạt được ít nhất 100.000 lượt xem video trong 30 ngày gần nhất. Dưới đây là một số cách kiếm tiền phổ biến, tạo nguồn thu nhập khủng cho những người sáng tạo nội dung trên nền tảng mạng xã hội TikTok.

Quảng bá thương hiệu

Quảng bá sản phẩm và thương hiệu là một trong những cách kiếm tiền trên TikTok phổ biến và thu nhập cực cao hiện nay. Những người sáng tạo nội dung hay còn gọi là TikToker có nhiệm vụ quảng bá sản phẩm cho các nhãn hàng trên trang TikTok cá nhân của mình bằng cách giới thiệu, đánh giá, cảm nhận, lồng ghép vào tiểu phẩm… Với hình thức này, TikToker sẽ trở thành nhà trung gian giữa người bán và người mua, từ đó nhận được khoản chi phí hoa hồng từ nhà cung cấp sản phẩm. Theo lời chia sẻ của một TikToker có 1,1 triệu lượt theo dõi trên trang cá nhân, thu nhập trên nền tảng TikTok trong vòng 6 tháng có thể kiếm từ 17.000 – 32.000 USD/tháng đến từ việc hợp tác với các thương hiệu, nhãn hàng, trong đó có những tháng cao điểm lên tới 32.000 USD/ tháng tùy thuộc vào lượt tương tác.

Affiliate Marketing (Tiếp thị liên kết)

affiliate-marketing-la-gi-2-1024x788-1679725145.png
Ảnh minh họa

Affiliate TikTok được ví như một “mỏ vàng” tiềm năng mang đến nguồn thu nhập lớn cho các TikToker. Thông quá các video ngắn về đánh giá, quảng bá sản phẩm, mẹo/thủ thuật… nhiệm vụ chính của các TikToker là quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp, nhãn hàng bằng các liên kết (đường link liên kết tiếp thị) được chia sẻ trên trang cá nhân. Càng nhiều người theo dõi, tương tác và truy cập vào đường link liên kết tiếp thị, các TikToker sẽ nhận được số tiền hoa hồng tương ứng. Trung bình hàng tháng, nguồn thu của các TikToker từ hình thức Afilliate Marketing trên nền tảng TikTok rơi vào khoảng 13.000 USD.

Kinh doanh trên TikTok Shop

tiktok-shop-1679725238.jpg
Ảnh minh họa

TikTok Shop là tính năng mua sắm mới và tiên tiến, giúp người bán, các thương hiệu và nhà sáng tạo giới thiệu cũng như bán sản phẩm trực tiếp trên TikTok qua video, LIVE và tab giới thiệu sản phẩm. Đây là hình thức kết hợp giữa shopping (mua sắm) và entertainment (giải trí), được gọi là shopertainment, đưa giải trí vào trong thương mại. Các sản phẩm của người bán được giới thiệu cho người dùng Tiktok thông qua các video, livestream, link bio trong trang cá nhân của họ.
Mặc dù mới chính thức ra mắt vào năm 2022, nhưng TikTok Shop đã “vượt mặt” một số sàn thương mại điện tử và thay đổi bức tranh của ngành bán lẻ, nhanh chóng trở thành địa điểm lý tưởng cho doanh nghiệp và người kinh doanh trong việc thúc đẩy phát triển kinh doanh. Theo thống kê của nền tảng số liệu TMĐT Metric, chỉ tính riêng trong tháng 11/2022, doanh số trên TikTok Shop đã đạt mức 1.698 tỷ đồng, với 13 triệu sản phẩm được bán ra và 32.000 nhà bán phát sinh đơn hàng. Mức doanh số này đủ giúp TikTok Shop vượt qua Tiki (396 tỷ đồng), chỉ kém Lazada (2.603 tỷ đồng) và Shopee (8.761 tỷ đồng) trên bảng xếp hạng các sàn TMĐT có doanh số lớn nhất tháng tại Việt Nam. Trung bình mỗi ngày, TikTok Shop đạt doanh thu 56,6 tỷ đồng và 434.000 sản phẩm được bán ra, giá trị trung bình mỗi sản phẩm là 130.000 đồng. Phân khúc sản phẩm có giá trong khoảng 100.000 - 200.000 đồng đem lại mức doanh thu cao nhất cho các nhà bán hàng trên sàn TikTok Shop, chiếm 39% với 647 tỷ đồng trong một tháng.

DropShipping

20220310102850433-1679725354.png
Ảnh minh họa

Mô hình Dropshipping là phương pháp thực hiện bán lẻ mà một cửa hàng không lưu giữ sản phẩm được bán trong kho của mình. Phương thức này không yêu cầu người bán phải lưu kho hay dự trữ như cách bán hàng truyền thống mà vẫn bán được hàng. Trước tiên, người bán cần tìm cho mình một nguồn hàng có uy tín, chất lượng đảm bảo và giá thành hợp lí. Sau đó, họ sẽ tư vấn và chốt đơn với khách hàng thông qua việc thực hiện các video bán hàng và chốt đơn hàng; còn đóng hàng và vận chuyển sẽ do bên nhà sản xuất. Bằng cách này người bán sẽ thu lại một khoản tiền từ mức giá chênh lệch của hai bên mà không cần phải sử hữu bất kì một sản phẩm nào.

Kiếm tiền trên TikTok: Dễ nhưng hệ quả khó lường?

Dễ nhận thấy, TikTok tạo cơ hội việc làm và nguồn thu nhập lớn cho những người sáng tạo nội dung, đặc biệt là những người trẻ. Quy mô người dùng lớn, vượt qua Facebook, Instargram về lượt tải, TikTok là mảnh đất đầy tiềm năng dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể khai thác với những chính sách ưu đãi, hấp dẫn người bán và người mua.

Tuy nhiên, do lợi ích hấp dẫn từ các kênh bán hàng mới TikTok cùng với chính sách ưu đãi phụ phí hiện nay dành cho tiểu thương, TikTok đang trở thành địa điểm tập trung của nhiều loại hàng kém chất lượng, giá rẻ. Phần lớn các quần áo, phụ kiện từ các cửa hàng trên trang thương mại TikTok Shop là các loại hàng giả, không có hóa đơn, chứng từ, nhái logo, mẫu mã của các thương hiệu nổi tiếng. Các sản phẩm này thường được nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, số còn lại nhập trực tiếp tại các xưởng sản xuất tại Việt Nam. Mặc dù, TikTok có những chính sách nghiêm ngặt để bảo vệ thương hiệu, quyền lợi của người tiêu dùng nhưng người bán hàng luôn có chiêu trò để qua mặt được sự kiểm duyệt của nền tảng TikTok bằng những thủ thuật đơn giản: che logo nhận diện thương hiệu hoặc bao bì và vỏ hộp; cắt tem mác…

Chính vì tình trạng hàng giả, hàng nhái lộng hành sẽ dẫn đến xói mòn thuế, gây khó khăn trong việc kiểm soát hàng hóa trên nền tảng và vi phạm bản quyền, thương hiệu. Đồng thời, điều này phần nào cũng cản trở quá trình phát triển của nền kinh tế không có tiền mặt khi người dùng có tâm lý e ngại nhận hàng kém chất lượng và mong muốn thanh toán COD (nhận hàng trả tiền) thay vì hoàn tất giao dịch trên nền tảng. Nghiêm trọng hơn, việc bán các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.

Trong năm 2022, trang Facebook chính thức của hai thương hiệu mỹ phẩm Estee Lauder Vietnam và MAC Cosmetics lần lượt đăng bài cảnh báo khách hàng về việc sản phẩm giả, không rõ nguồn gốc tràn lan trên TikTok Shop. Đặc biệt, hai trang này đều sử dụng hình ảnh của T.N.D. - TikToker có 2,6 triệu người theo dõi, chuyên bán các loại mỹ phẩm: son, kem, serum… của các thương hiệu làm đẹp nổi tiếng trên TikTok Shop với giá rẻ. Một trang còn nhấn mạnh rằng đã mua sản phẩm của một KOL nổi tiếng để đối chiếu và khẳng định đó là hàng giả.

Ngoài ra, chính mức thu nhập cao đi kèm sự nổi tiếng dễ dàng, không ít những nhà sáng tạo nội dung đã lựa chọn hướng đi sai lệch, trở thành những KOC, KOL "tự phong" với những sản phẩm sáng tạo không mang được giá trị tích cực cho xã hội. Điển hình, TikToker có tài khoản @tuanbrice, hay còn được nhiều người biết đến với tên gọi "Nờ Ô Nô" nhận được nhiều sự chú ý từ các nhãn hàng đang chạy các chiến dịch truyền thông quảng cáo thông qua lượt tương tác lớn trên nền tảng mạng TikTok. TikToker này nhanh chóng bị người xem tẩy chay do nội dung sáng tạo phản cảm, đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức xã hội, sẵn sàng lấy giá trị nội dung để đổi lấy sự nổi tiếng.

Phạm Ngọc