Kiểm toán có ý kiến ngoại trừ 3 năm liên tiếp, cổ phiếu PEC vào diện cảnh báo từ hôm nay (18/5)

Cổ phiếu PEC của Cơ khí Điện lực bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 18/5 do kiểm toán có ý kiến ngoại trừ 3 năm liên tiếp trở lên.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 16/5 quyết định đưa cổ phiếu CTCP Cơ khí Điện lực (mã PEC, sàn: UPCoM) vào diện cảnh báo từ ngày 18/5 do kiểm toán có ý kiến ngoại trừ 3 năm liên tiếp trở lên. 

co-phieu-pec-vao-dien-canh-bao-do-kiem-toan-co-y-kien-ngoai-tru-3-nam-lien-tiep-1684312266.jpg
Cơ khí Điện lực đã lỗ 3 năm liên tiếp. Ảnh minh họa

Cụ thể, qua xem xét báo cáo tài chính năm 2022, kiểm toán có ý kiến ngoại trừ rằng chưa thu thập được đầy đủ thư xác nhận các khoản nợ phải thu, phải trả của Công ty tại thời điểm 31/12/2022 bao gồm: phải thu ngắn hạn khách hàng 15.8 tỷ đồng, trả trước người bán ngắn hạn 8 tỷ đồng, phải trả người bán ngắn hạn 18.3 tỷ đồng, người mua trả tiền trước ngắn hạn 4.1 tỷ đồng, phải trả người bán dài hạn 4.5 tỷ đồng, người mua trả tiền trước dài hạn 2.2 tỷ đồng. 

"Bằng các thủ tục kiểm toán thay thế, chúng tôi không thể khẳng định được tính hiện hữu, đầy đủ của các khoản công nợ phải thu, phải trả chưa được xác nhận nêu trên. Do đó, chúng tôi không thể đánh giá được ảnh hưởng (nếu có) đối với BCTC của Công ty năm 2022", trích ý kiến của đơn vị kiểm toán.

Giải trình về ý kiến trên, PEC cho biết từ năm 2021 đến nay, công ty gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện tại, Công ty chỉ hoạt động cầm chừng, bố trí lao động nghỉ việc không lương dài ngày, cho người lao động chấm dứt hợp đồng lao động theo nguyện vọng. Công ty tập trung thu hồi công nợ, thanh quyết toán các khoản nợ quá hạn.

Bên cạnh đó, nhân sự làm việc đã nghỉ việc, nghỉ không lương dài ngày, một số nhân sự đã tìm công việc mới nên Công ty không có người làm việc chuyên môn, đặc biệt bộ phận kế toán đã nghỉ hết chỉ còn 1 người kiêm nhiệm chuyên môn nghiệp vụ kế toán còn rất nhiều hạn chế không đáp ứng được yêu cầu của công việc, vì vậy không thu thập được đầy đủ các hồ sơ chứng từ phục vụ công tác kiểm toán của Công ty.

PEC sẽ rút kinh nghiệm, năm tới bổ sung nhân sự có năng lực và nghiệp vụ kế toán để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công việc kế toán trong Công ty để công bố thông tin đảm bảo thời gian, chất lượng báo cáo theo quy định.

Tính đến năm 2022, PEC đã có năm lỗ thứ 3 liên tiếp. Năm 2022, PEC lỗ ròng 48 tỷ đồng, các năm 2021 và 2020 lỗ lần lượt gần 6 tỷ đồng và 247 triệu đồng.

Cũng theo báo cáo tài chính năm 2022, PEC ghi nhận doanh thu thuần 6,9 tỷ đồng, giảm tới 74% so với 2021. Dù vậy, giá vốn bán hàng vẫn ở mức cao 27,7 tỷ đồng, tăng khoản 3 tỷ đồng so năm trước. Đáng nói, lợi nhuận gộp năm 2022 âm 20,7 tỷ đồng trong khi năm 2021 vẫn ghi nhận lãi xấp xỉ 2,6 tỷ đồng. 

Doanh thu cỏn con nhưng bị "đè nặng" bởi các loại chi phí. Đặc biệt, chi phí tài chính tăng gấp gần 7 lần lên mức 20,4 tỷ đồng. Chi phí bán hàng ở mức 18 triệu đồng trong khi năm trước không ghi nhận; chi phí quản lý doanh nghiệp 10,5 tỷ đồng cao gấp 2,8 lần năm 2021.

Bên cạnh đó, kiểm toán cũng lưu ý về khoản lỗ lũy kế 47 tỷ đồng tại thuyết minh số VII.5 ngày 31/12/2022, vượt quá vốn góp chủ sở hữu. Vấn đề này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT