Kiểm toán nhà nước chuyển 19 vụ việc cho cơ quan điều tra

Kiểm toán nhà nước đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua kiểm toán cho Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp để xem xét xử lý.

kiem-toan-nha-nuoc-chuyen-19-vu-viec-cho-co-quan-dieu-tra-antt-1717314705.png
Ảnh minh họa

Tại Báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, Kiểm toán Nhà nước cho biết, thời gian qua, đơn vị này đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong quản lý, điều hành, sử dụng tài chính, tài sản công của các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán.

Trong giai đoạn 5 năm gần đây (2019-2023), Kiểm toán nhà nước đã kiểm toán và phát hành 1.345 Báo cáo kiểm toán.

Qua đó, đơn vị này đã kiến nghị 331.367 tỷ đồng (gồm tăng thu ngân sách nhà nước 30.539 tỷ đồng; giảm chi ngân sách nhà nước 96.183 tỷ đồng; kiến nghị khác 204.644 tỷ đồng).

Trong đó, 663 báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan. Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua kiểm toán cho cơ quan cảnh sát điều tra các cấp để xem xét xử lý.

Riêng trong kiểm toán lĩnh vực đầu tư, KTNN đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, từ việc lập, phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư đến việc phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án; công tác thiết kế, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, quản lý tiến độ… 

Các sai sót điển hình trong lĩnh vực kiểm toán các dự án, kiểm toán doanh nghiệp từ đầu nhiệm kỳ (2021) đến nay là: thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư chậm, phê duyệt khi chưa có quy hoạch hoặc không phù hợp quy hoạch; phê duyệt tổng mức đầu tư vượt chủ trương đầu tư; Thiết kế cơ sở có hạng mục trùng lấn với dự án khác, thiết kế chưa phù hợp với tiêu chuẩn; hồ sơ thiết kế dự toán còn thiếu sót thông tin, tính sai khối lượng, áp dụng sai định mức, đơn giá xảy ra tại hầu hết các dự án được kiểm toán.

Một số dự án chậm tiến độ, kéo dài rất nhiều năm, giải ngân không đạt kế hoạch phải điều chỉnh nguồn vốn. Quyết toán dự án cũng chậm, thậm chí thanh toán khối lượng phát sinh chưa phù hợp; bù giá thiếu cơ sở, chưa đúng quy định.

Đối với doanh nghiệp có trên 50% vốn nhà nước, những bất cập chủ yếu được phát hiện gồm thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước chưa đầy đủ do hạch toán sai doanh thu, chi phí; quản lý chi phí, giá thành sản phẩm chưa chặt chẽ, định mức sản xuất kinh doanh chưa phù hợp thực tế; quản lý nợ còn bất cập, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn; đầu tư tài chính hiệu quả chưa cao, hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ...

“Tại một số tập đoàn, tổng công ty, cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định. Người đại diện phần vốn chưa báo cáo kịp thời và đầy đủ để có các giải pháp khắc phục đối với các công ty hoạt động kinh doanh thua lỗ”, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nhận định.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT