Kinh tế tư nhân miền núi: Sẽ còn mắc kẹt nếu không có cơ chế đặc thù, doanh nghiệp đầu tàu và chính quyền tiên phong
Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam - Vòng đối thoại địa phương: Cụm miền núi Đông Bắc Bộ sáng 13/7, đã có nhiều đề xuất để cải thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Hội Doanh nhân trẻ Cao Bằng: Cần chính sách thu hút doanh nghiệp "đầu tàu"
Hội cho biết Cao Bằng là tỉnh vùng cao biên giới, địa hình chia cắt, kinh tế chậm phát triển, phần lớn doanh nghiệp tại đây là nhỏ và siêu nhỏ, nguồn lực hạn chế cả về vốn, nhân lực lẫn công nghệ. Đây là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp không thể trụ vững trên thị trường, càng khó khăn hơn khi tiếp cận các nguồn lực ưu đãi như tín dụng hay đất đai.
Điểm nghẽn lớn nhất được Hội chỉ ra là: thiếu doanh nghiệp lớn dẫn dắt. Việc không có "đầu tàu" kéo hệ sinh thái đã khiến các doanh nghiệp nhỏ không thể bám vào chuỗi giá trị, cũng như khó tiếp cận đầu tư quy mô. Mặt khác, hạ tầng logistics và hạ tầng số tại cửa khẩu còn nhiều bất cập, làm tăng chi phí vận hành và giảm năng lực cạnh tranh.

Ông Đàm Văn Tiến, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Cao Bằng
Thay vì chạy theo mô hình công nghiệp hóa đại trà, Cao Bằng xác định hướng đi khác biệt: phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại biên mậu, dịch vụ logistics và du lịch bền vững. Các sản phẩm bản địa như hạt dẻ Trùng Khánh, quýt Trà Lĩnh, dược liệu có tiềm năng vươn ra thị trường lớn nếu được chế biến sâu và xây dựng thương hiệu phù hợp.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chính sách hỗ trợ tại chỗ còn lúng túng, thiếu tính đặc thù. Việc triển khai các chương trình số hóa, chuyển đổi công nghệ còn mang tính hình thức, chưa "chạm" tới nhu cầu thực của doanh nghiệp. Tình trạng này đặt ra yêu cầu bức thiết phải xây dựng chính sách riêng biệt cho doanh nghiệp miền núi – không thể áp dụng công thức chung cho mọi vùng.
Hội Doanh nhân trẻ Cao Bằng đề xuất chính sách pháp lý cần minh bạch, nhất quán; ưu tiên đầu tư hạ tầng số và logistics đồng bộ để giảm chi phí vận chuyển, tăng tính kết nối vùng; gói tài chính đặc thù cho doanh nghiệp nhỏ tại đây và đào tạo nhân lực phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, Hội dề xuất cần có ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tàu: Áp dụng chính sách vượt trội về đất đai, thuế và thủ tục cho các tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực chiến lược tại Cao Bằng. Đồng thời, khuyến khích họ bao tiêu sản phẩm hoặc chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ.
Hội Doanh nhân trẻ Tuyên Quang: Cần Quy hoạch quỹ đất riêng cho doanh nghiệp tư nhân tại các khu – cụm công nghiệp quy mô nhỏ (5–10 ha)

Ông Nguyễn Vũ Linh, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Tuyên Quang
Hội cho rằng việc khơi thông dòng chảy chính sách từ Trung ương xuống cơ sở cần thông qua 4 "trạm bơm": thể chế – tài chính – hạ tầng – nhân lực. Trong đó, chính quyền địa phương đóng vai trò đầu tiên và tiên phong.
Hội đề xuất giải pháp như tiếp tục rút gọn thủ tục hành chính, có gói tín dụng tài chính riêng cho doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh; hỗ trợ chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực.
Đáng chú ý, Hội đề xuất quy hoạch quỹ đất riêng cho doanh nghiệp tư nhân tại các khu – cụm công nghiệp quy mô nhỏ (5–10 ha), ưu tiên tại các vùng có sản phẩm OCOP. Đồng thời đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật số, logistics, sàn giao dịch điện tử tỉnh. Thành lập Vườn ươm doanh nghiệp cấp tỉnh, kết nối chuyên gia và quỹ đầu tư.
Một điểm đặc biệt được Hội nhấn mạnh là yêu cầu nâng cao đạo đức và trách nhiệm của doanh nhân tư nhân. Thực tế ghi nhận nhiều trường hợp thành lập doanh nghiệp "ma" để rửa tiền, buôn lậu, trốn thuế, lừa đảo tài chính…
Đáng lo ngại hơn, một số doanh nghiệp núp bóng tư nhân để sản xuất hàng giả, hàng nhái, phân phối chất cấm, thậm chí trục lợi từ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này không chỉ làm tổn hại đến uy tín của khu vực tư nhân, mà còn gây cạnh tranh không lành mạnh, làm mất niềm tin của thị trường và người tiêu dùng.
Hội Doanh nhân trẻ Bắc Kạn: Nghị quyết 68 cần nhanh chóng cụ thể hóa bằng hành động tại địa phương

Ông Nguyễn Văn Nam, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bắc Kạn
Hội cho biết trong "bộ tứ" nghị quyết, Nghị quyết 68 được coi là "trái tim", là trụ cột đưa kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất. Hội Doanh nhân trẻ Bắc Kạn nhìn nhận rõ rào cản lớn nhất của kinh tế tư nhân miền núi là sự bất bình đẳng trong tiếp cận chính sách – vốn – đất đai – công nghệ.
Nghị quyết 68 với những cam kết rõ ràng từ Trung ương đã mở ra kỳ vọng mới về một sân chơi công bằng và minh bạch. Tuy nhiên, Hội cho rằng nếu không nhanh chóng cụ thể hóa bằng hành động tại địa phương, những kỳ vọng đó rất dễ bị "chôn vùi" dưới lớp thủ tục, cơ chế cũ kỹ và tâm lý e dè trong đội ngũ thực thi.
Để các nghị quyết đi vào thực tiễn, Hội Doanh nhân trẻ Bắc Kạn đề xuất 5 nhóm giải pháp cụ thể:
Đào tạo chuyển đổi số tận cơ sở: Phổ cập kỹ năng công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch.
Tăng cường hợp tác quốc tế cấp địa phương: Tổ chức các hội chợ quốc tế, hội thảo trực tuyến giúp doanh nghiệp miền núi tiếp xúc với nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể hóa chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68: Ban hành kế hoạch hành động cấp tỉnh, phân bổ nguồn lực để thực hiện chính sách ưu đãi minh bạch.
Cải cách hành chính triệt để: Rà soát, đơn giản hóa thủ tục cấp phép, đầu tư, thuế… Đảm bảo thông tin pháp lý được công bố công khai, dễ tiếp cận.
Phát huy vai trò cầu nối của Hội: Tổ chức đối thoại định kỳ giữa doanh nghiệp và chính quyền, đóng vai trò "kênh dẫn" truyền tải và phản hồi chính sách.
Phan Trang