Kỷ nguyên mới của ngành hàng không: Máy bay điện ‘xâm chiếm’ bầu trời, hút dòng vốn cực lớn từ Amazon, Toyota

Máy bay điện mở đường cho một thị trường 40 tỷ USD

Chris Caputo đứng trên đường băng tại sân bay quốc tế Burlington, trong lòng bồi hồi đến lạ dù đã có nhiều năm gắn bó với loạt máy bay quân sự. Chuyến bay sắp tới đây đặc biệt hơn bình thường - chuyến bay trên một chiếc máy bay điện.

Trong 16 ngày tiếp theo, Chris Caputo và các đồng nghiệp sẽ lái chiếc máy bay CX300 do công ty Beta Technologies chế tạo, dừng chân tại 20 điểm nạp lại năng lượng, bay qua Boston, New York, Washington và nhiều các thành phố khác. Chuyến đi mang đến tầm nhìn mới về một ngành công nghiệp xanh - nơi bầu trời tràn ngập những chiếc máy bay không phát thải.

“Chúng tôi đang thực hiện điều thực sự có ý nghĩa cho tiểu bang, đất nước của chúng tôi và hành tinh này”, ông Caputo nói.

Nhờ tiến bộ công nghệ và hàng tỷ USD đầu tư, việc di chuyển bằng máy bay điện trong phạm vi ngắn đã trở nên khả thi. Những người ủng hộ sáng kiến này hy vọng chúng sẽ khả thi về mặt thương mại.

Theo The New York Times, Beta đã huy động được hơn 800 triệu USD từ các nhà đầu tư như Fidelity, Quỹ Cam kết Khí hậu của Amazon và công ty cổ phần tư nhân TPG Capital. Công ty có khoảng 600 nhân sự, chủ yếu ở Vermont và mới đây vừa xây dựng xong một nhà máy sản xuất máy bay ở Burlington. Tuy nhiên, loại phương tiện này đến nay vẫn chưa được Cục Hàng không Liên bang chứng nhận.

Beta là một trong nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực hàng không xanh. Tại California, Joby Aviation và Archer Aviation cũng đang phát triển loại máy bay chạy pin có khả năng bay thẳng đứng song chỉ đi được quãng đường ngắn. Toyota, Stellantis, United Airlines, Delta Air Lines và một số các công ty đầu tư lớn khác rất ủng hộ ý tưởng này.

Hiện các nhà sản xuất lâu đời như Airbus, Boeing và Embraer cũng đang nghiên cứu máy bay chạy điện. FAA đặt mục tiêu hỗ trợ loại phương tiện mới trên quy mô lớn vào năm 2028.

Kỷ nguyên mới của ngành hàng không: Máy bay điện ‘xâm chiếm’ bầu trời, hút dòng vốn cực lớn từ Amazon, Toyota - Ảnh 1.

CX300 của Beta không lớn như những chiếc máy bay phản lực thông thường

CX300 của Beta không lớn như những chiếc máy bay phản lực ông Caputo từng lái. Bù lại, nó bay cực êm, phản ứng nhanh và thiết kế vô cùng đẹp mắt.

“Bạn gần như hòa làm một với chiếc máy bay. Có thể nghe và cảm nhận không khí. Chúng tôi đội mũ bảo hiểm vì an toàn là điều tối quan trọng, tuy nhiên, bạn vẫn có thể cởi bỏ chúng khi bay và nói chuyện với nhau”, ông Caputo nói.

Được biết, máy bay của Beta bay được quãng đường hơn 600km trên một lần sạc, song phía công ty hy vọng khách hàng của mình sẽ sử dụng chúng để thực hiện các chuyến đi khoảng 200km. Ngoài việc không tạo ra khí thải, máy bay điện được thiết kế để vận hành và bảo trì đơn giản hơn so với trực thăng và máy bay thông thường nhưng không thể chở quá nhiều hành khách.

Trong bối cảnh giá xăng tăng và lượng khí thải carbon từ việc di chuyển bằng đường hàng không được giám sát chặt chẽ hơn, phân khúc máy bay điện ngày càng được quan tâm. Bên cạnh ưu điểm không xả thải CO2, loại phương tiện này khá yên tĩnh.

Âm thanh phát ra khi máy bay hoạt động chỉ rơi ở khoảng 60 decibel, tương đương một cuộc trò chuyện bình thường của con người.

Theo Johan Norberg, trưởng bộ phận huấn luyện bay tại học viện Green Flight, ước tính một chuyến bay kéo dài 40 phút của hãng Velis Electro chỉ sử dụng hết 2-3 USD điện tái tạo. Trong khi đó, máy bay huấn luyện một động cơ truyền thống tốn khoảng 45 USD tiền nhiên liệu.

Bất chấp sự hoài nghi sâu sắc từ ngành công nghiệp hàng không truyền thống, các nhà đầu tư ngày càng hướng sự quan tâm về máy bay điện, đặc biệt là những loại cất và hạ cánh thẳng đứng. Hàng tỷ USD đã được đầu tư.

Kỷ nguyên mới của ngành hàng không: Máy bay điện ‘xâm chiếm’ bầu trời, hút dòng vốn cực lớn từ Amazon, Toyota - Ảnh 2.

Máy bay của Beta bay được quãng đường hơn 600km trên một lần sạc

Theo công ty nghiên cứu thị trường Precedence Research, thị trường máy bay điện toàn cầu dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2030 và ước tính giá trị có thể đạt gần 40 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.

Theo FT, các nhà đầu tư đã rót 7 tỷ USD vào thế hệ máy bay điện cất cánh thẳng đứng. Volocopter của Đức và Ehang của Trung Quốc hiện đang chế tạo máy bay trực thăng điện, trong khi Vertical Aerospace của Anh và Joby Aviation của Mỹ nằm trong số những công ty đang phát triển máy bay lai có cánh quạt và cánh. Tất cả đều chạy bằng pin lithium-ion, giống ô tô điện và không tạo ra khí CO2.

“Một kỷ nguyên hoàn toàn mới của ngành hàng không sắp bắt đầu”, Billy Nolan, Giám đốc Cục Hàng không Liên bang Mỹ nói. Với ông, những gì từng diễn ra trong các bộ phim viễn tưởng đang thực sự xảy ra.

Tuy nhiên, lạm phát và rủi ro suy thoái kinh tế đang khiến việc huy động vốn trở nên khó khăn hơn. Thời kỳ các công ty khởi nghiệp chạy đua tăng trưởng một cách bất cần đã qua, trong khi giới đầu tư không mấy sẵn sàng đổ vốn như trước. Kittyhawk, một liên doanh được hỗ trợ bởi nhà đồng sáng lập Google Larry Page đã buộc phải đóng cửa vào tháng 9.

“Đối với nhiều người, ngọn lửa hy vọng sẽ sớm vụt tắt”, Brian Foley, chuyên gia phân tích hàng không, nhận định.

Theo: The New York Times, FT

Vũ Anh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT