Kỳ tích Singapore: Sắp trở thành nước dẫn đầu cơ sở hạ tầng xe điện ĐNÁ, cứ 5 xe lại có 1 trạm tiếp năng lượng, năm 2030 sẽ có 60.000 điểm sạc

Để so sánh, ở Trung Quốc, cứ 7 xe điện mới có 1 trạm sạc.

Đối với Koh Jie Ming, quyết định chuyển sang sử dụng xe điện cách đây 5 năm thật dễ dàng. Không có bộ sạc công cộng nào trong bãi đậu xe chung, chàng trai này đã phải tự ứng biến.

“Có một số trạm sạc nhanh gần nhà tôi, vì vậy tôi sẽ sạc ô tô trong lúc đi ăn hoặc đi mua sắm”, Koh, 33 tuổi, tài xế của một công ty cung cấp dịch vụ gọi xe, nói.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi xe của những tài xế như Koh, đồng thời thuyết phục hơn nửa triệu chủ sở hữu ô tô trên cả nước chuyển sang sử dụng xe điện, Singapore có kế hoạch lắp đặt 60.000 điểm sạc vào năm 2030, trong đó 40.000 điểm ở các bãi đỗ xe công cộng.

Cứ 5 xe điện thì có 1 bộ sạc tương ứng. Điều này giúp Singapore trở thành quốc gia dẫn đầu về cơ sở hạ tầng sạc Đông Nam Á. Để so sánh, ở Trung Quốc, cứ 7 xe điện mới có 1 trạm sạc.

Singapore tuyên bố cắt giảm lượng khí thải giao thông đường bộ để đạt mục tiêu phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Chính phủ cũng sẽ chấm dứt bán ô tô mới là xe động cơ đốt trong từ năm 2030, đồng thời loại bỏ chúng hoàn toàn vào năm 2040. Việc có đủ bộ sạc - bên cạnh chính sách giảm giá xe điện - là điều rất quan trọng. Muhammad Rafey Khan, nhà phân tích tại công ty tư vấn Power Technology Research, nói với Rest: “Trạm sạc xe điện không đủ là một vấn đề lớn, đặc biệt ở Singapore, nơi khoảng 80% dân số sống trong nhà ở công cộng với bãi đỗ xe nhiều tầng. Điều này tương đối phức tạp khi so sánh với các quốc gia có nhiều chỗ đậu xe riêng và các gia đình có thể tự lắp đặt bộ sạc”.

Theo Cơ quan Giao thông Đường bộ (LTA), khoảng 6.200 bộ sạc đã được lắp đặt. Hơn một nửa trong số đó được đặt công khai tại các địa điểm như bãi đỗ xe, trạm xăng và trung tâm mua sắm. Để mở rộng khả năng tiếp cận, các nhà chức trách kỳ vọng cứ 1 trong số hơn 2.000 bãi đỗ xe thuộc Ban Phát triển Nhà ở HDB phải có bộ sạc xe điện vào năm 2025.

Không phải tất cả các bộ sạc lắp đặt tại Singapore đều chậm. Sạc chậm qua đêm có thể sẽ tiếp tục là chiến lược sạc chủ yếu cho hầu hết các phương tiện, song nước này cũng cần có những bộ sạc nhanh công suất cao để đáp ứng nhu cầu của đội xe thương mại.

Bộ sạc nhanh, có công suất lên tới 120 kilowatt, chỉ mất khoảng 1 giờ để sạc đầy xe. Khoảng 120 bộ sẽ được triển khai tại 60 khu nhà ở công cộng và khu công nghiệp trên cả nước vào năm 2025. Theo LTA, các bộ sạc nhanh hiện có phần lớn được đặt tại các trung tâm thương mại và khu phức hợp văn phòng.

Theo thỏa thuận được ký vào tháng trước với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei, LTA cũng sẽ lắp đặt một số bộ sạc cực nhanh có hiệu suất gấp 10 lần so với hầu hết các bộ sạc nhanh hiện tại. Chúng được quảng cáo có thể sạc đầy phương tiện chỉ trong 30 phút và để so sánh, bộ sạc thông thường có thể mất từ 6-8 tiếng để sạc đầy.

Kỳ tích Singapore: Sắp trở thành nước dẫn đầu cơ sở hạ tầng EV ĐNÁ, cứ 5 xe lại có 1 trạm tiếp năng lượng, năm 2030 sẽ có 60.000 điểm sạc  - Ảnh 1.

Singapore: Sắp trở thành nước dẫn đầu cơ sở hạ tầng EV tại ĐNÁ

Derek Tan, giám đốc điều hành của EVe, một đơn vị của LTA đang thiết lập cơ sở hạ tầng sạc công cộng, nói với Rest of World rằng bộ sạc cực nhanh được làm mát hoàn toàn bằng chất lỏng. Đây sẽ là “nhân tố thay đổi cuộc chơi tiềm năng”. “Đặc biệt đối với người lái xe taxi, xe cho thuê tư nhân và xe chở hàng nhẹ, chúng tôi có thể giúp họ tiết kiệm nhiều thời gian hơn nữa”, Tan nói.

Tuy nhiên, những bộ sạc cực nhanh có thể không đủ. Chính phủ kêu gọi các chủ sở hữu ô tô chuyển sang sử dụng xe điện, song sáng kiến này lại đi ngược với các chính sách lâu đời vốn nhằm ngăn người dân mua thêm phương tiện cá nhân.

“Họ đang bán sự bền vững nhưng thực tế thì sự bền vững còn đắt hơn”, một chuyên gia nói.

COE là một trong các chính sách công được quốc đảo sư sử áp dụng từ năm 1990 để hạn chế số lượng các phương tiện cá nhân tại Singapore. Mỗi COE sẽ có giá trị trong vòng 10 năm. Qua 10 năm, các chủ sở hữu phải gia hạn COE mới có thể tiếp tục lưu hành.

Để hạn chế gia tăng lượng xe thực tế lăn bánh, số COE cấp mới mỗi năm sau khi đấu giá sẽ chỉ bằng hoặc cao hơn một chút so với số phương tiện bị tước quyền sử dụng do hết hạn COE hoặc vi phạm tiêu chuẩn khí thải. COE càng cao tức là số lượng xe mới cần đăng ký càng cao, hoặc xe bị loại bỏ trong năm đó càng thấp.

Được biết vào năm 2022, người dân Singapore phải chi tới 73.000 USD để quyền mua xe. Giá một COE loại "mở" (Open) vốn có thể sử dụng để mua bất kỳ loại xe nào trong năm đó đã lên tới 99.999 đô la Singapore, tương đương 73.500 USD. Đây là chi phí phát sinh trước khi người dân mua xe.

Ngoài ra, theo các tài xế ở Singapore, chi phí bảo trì xe điện vẫn cao hơn các loại xe thông thường. Thuế đường bộ và phí bảo hiểm cũng vậy.

Được biết, xe hybrid và xe điện chiếm gần ⅔ tổng số ô tô được đăng ký tại Singapore vào năm ngoái. Xe điện nói riêng chỉ chiếm chưa đến 1/5 tổng số.

Singapore đang đặt mục tiêu sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho 75% số lượt đi lại vào giờ cao điểm năm 2030. Theo LTA, một nửa số xe buýt trên cả nước dự kiến sẽ được điện khí hóa vào thời điểm đó. Điều này khiến nhiều chủ sở hữu mong chờ nhận được nhiều ưu đãi hơn từ chính phủ thất vọng.

“Chúng tôi cam kết xây dựng một mạng lưới sạc toàn diện và dễ tiếp cận song vẫn cam kết đẩy mạnh sử dụng các phương tiện công cộng như một cách di chuyển bền vững”, một phát ngôn viên của LTA nói với Rest of World .

Đối với Wong, người đã có một chiếc ô tô hybrid, nhu cầu sử dụng xe là rất nhiều bởi anh thường xuyên phải chở cha mẹ già và bà ngoại đi khắp nơi. Tuy nhiên, Wong vẫn chưa chuyển sang sử dụng xe điện. “Về mặt tiền bạc, bây giờ nó chẳng còn ý nghĩa gì nữa”, anh nói.

Theo: Rest of World, Reuters

Vũ Anh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT