Lãi khủng mỗi ngày, Aeon Mall Việt Nam vẫn mất 183 tỷ đồng vì hủy dự án ở Hà Nội

Từ tháng 3 tới tháng 8/2024, dù báo lãi tới 2,2 tỷ đồng mỗi ngày nhưng Aeon Mall Việt Nam vẫn mất khoảng 183 tỷ đồng do hủy dự án tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.

Trong báo cáo tài chính nửa đầu niên độ 2024-2025 (từ tháng 3 đến tháng 8/2024), Aeon Mall Việt Nam mang về gần 8,2 tỷ yen (khoảng hơn 1.364 tỷ đồng) doanh thu, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận hoạt động đạt hơn 2,4 tỷ yen (410 tỷ đồng), tăng 21%. Như vậy, trung bình mỗi ngày, "ông lớn" bán lẻ Nhật Bản thu về hơn 2,2 tỷ đồng lợi nhuận từ thị trường Việt Nam.

Trong các thị trường nước ngoài, Việt Nam và Indonesia là 2 thị trường ghi nhận tăng trưởng dương. Trong đó, Indonesia đã cải thiện từ mức lỗ 142 triệu yen sang lãi 187 triệu yen. Còn Aeon Mall Trung Quốc giảm hơn 15%, còn Campuchia chuyển từ lãi sang lỗ 11 triệu yen.

Aeon Mall cho biết kết quả kinh doanh khả quan tại Việt Nam bắt nguồn từ hiệu suất mạnh mẽ của các cửa hàng chuyên doanh tại 6 trung tâm thương mại (chưa tính Aeon Mall Huế khai trương hồi tháng 9). Doanh số bán hàng của nhóm này đã tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Các khách thuê dẫn đầu đà phục hồi là nhóm bán lẻ hàng hóa, dịch vụ ăn uống và rạp chiếu phim.

Lãi khủng mỗi ngày, Aeon Mall Việt Nam vẫn mất 183 tỷ đồng vì hủy dự án ở Hà Nội- Ảnh 1.

Aeon Mall Huế khai trương hồi tháng 9/2024

Đáng chú ý, theo báo cáo tài chính bán niên của Aeon Mall, doanh nghiệp này đã mất 1,104 tỷ yen (khoảng 183 tỷ đồng) do hủy dự án Aeon Mall tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.

Trước đó, năm 2019, UBND TP Hà Nội đã nhận được đề xuất triển khai xây dựng Aeon Mall Hoàng Mai của công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam, Công ty TNHH Cơ khí Chế tạo - Dịch vụ tổng hợp 27/7 và Công ty Cổ phần Xuân Nam Việt.

Đến đầu năm 2023, UBND TP Hà Nội đã chính thức phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 dự án này. Theo bản đồ quy hoạch, dự án có diện tích quy hoạch khoảng 8,03ha, trong đó diện tích đất đường giao thông thành phố là 1,97ha; còn lại diện tích đất nghiên cứu dự án là 6,06ha.

Tổng vốn đầu tư khoảng 280 triệu USD, đây dự kiến là trung tâm thương mại thứ 3 tại Hà Nội của tập đoàn này sau Long Biên và Hà Đông.

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Cơ khí Chế tạo - Dịch vụ tổng hợp 27/7 hoạt động năm 2012, có vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng. Đến tháng 7/2020, doanh nghiệp này tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Văn Quỳnh góp 437,5 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 87,5%.

Từ tháng 8/2023, cơ cấu cổ đông hay đổi khi Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ quốc tế Thiso (Thiso) - thành viên chuyên phát triển các trung tâm thương mại của Thaco Group - đã nhận chuyển nhượng phần vốn góp tương đương 99,98% vốn điều lệ Công ty TNHH Cơ khí Chế tạo - Dịch vụ tổng hợp 27/7.

Chỉ sau một tháng sau thay đổi cổ đông, vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện doanh nghiệp đổi sang ông Trần Anh Vũ (SN 1973) đảm nhiệm. Cùng thời điểm đó, ông Vũ cũng được bổ nhiệm vị trí tương tự tại Công ty cổ phần Xuân Nam Việt.

Công ty cổ phần Xuân Nam Việt thành lập năm 2008 với vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng do ông Nguyễn Xuân Vũ (SN 1981) góp 60% vốn, 4 cá nhân còn lại mỗi người góp 10%. Đến tháng 4/2017, doanh nghiệp tăng vốn lên 300 tỷ đồng, tỷ lệ góp vốn vẫn giữ nguyên. Đến tháng 6/2020 vốn điều lệ doanh nghiệp này thay đổi lên 1.500 tỷ đồng. Tính đến tháng 10/2024, công ty có 30 lao động.

Hoàng Lam (t/h)

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT