Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Lãi ròng bán niên 2023 của VISSAI Ninh Bình giảm hơn 87% so với cùng kỳ năm trước

Nguyễn Thị Thúy

Trong khi vốn chủ sở hữu của VISSAI Ninh Bình tăng thêm 17,8% thì lãi ròng bán niên 2023 lại giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, từ hơn 173,3 tỷ đồng xuống còn hơn 22,4 tỷ đồng.

lai-rong-ban-nien-2023-cua-vissai-ninh-binh-giam-hon-87-so-voi-cung-ky-nam-truoc-antt-1-1693978632.jpg

Vissai Ninh Bình công bố các chỉ tiêu kinh tế nửa đầu năm 2023. Nguồn: HNX

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã đăng tải văn bản số 08.08.2023/CBTTTC-VS của Công ty CP VISSAI Ninh Bình công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính trong giai đoạn từ 1/1/2023 đến 30/6/2023.

Theo văn bản này, vốn chủ sở hữu của VISSAI Ninh Bình tính đến ngày 30/6/2023 tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước, từ hơn 3.892,7 tỷ đồng lên tới hơn 4.584,3 tỷ đồng.

Nhờ đó, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của VISSAI Ninh Bình bán niên 2023 so với cùng kỳ năm trước cũng giảm từ 1,81 lần xuống còn 1,51 lần; tương đương với số nợ phải trả là hơn 6.922,2 tỷ đồng.

Mặc dù vốn chủ sở hữu tăng nhưng lợi nhuận sau thuế của VISSAI Ninh Bình tính đến hết quý II/2023 so với cùng kỳ năm trước lại giảm hơn 87%, từ hơn 173,3 tỷ đồng xuống còn hơn 22,4 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu dừng ở con số 0,5%; trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 4,5%.

Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu của VISSAI Ninh Bình tính đến kỳ báo cáo 6 tháng năm 2023 cũng giảm còn 0,07 lần, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 0,16 lần; tương đương với dư nợ trái phiếu mà VISSAI Ninh Bình phải trả là hơn 320,9 tỷ đồng.

Cũng theo thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, CTCP Vissai Ninh Bình vừa công bố thông tin kết quả mua lại trái phiếu trước hạn. Cụ thể, từ ngày 1/7/2022 đến 15/8/2023, Vissai Ninh Bình đã 7 lần thực hiện mua lại trước hạn lô trái phiếu VISSAINB-BOND2017 với tổng giá trị mua lại là 420 tỷ đồng.

Lô trái phiếu này phát hành ngày 18/8/2017, kỳ hạn 62 tháng, đáo hạn ngày 18/8/2023, tổng giá trị phát hành là 1.500 tỷ đồng. Sau khi mua lại trước hạn, giá trị còn lại của lô trái phiếu hiện là 200 tỷ đồng.

Trước đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, Vissai Ninh Bình đã thanh toán đủ tiền của lô trái phiếu này.

Được biết, Vissai Ninh Bình tiền thân là Công ty TNHH Xi măng Vinakanssai trực thuộc Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Thương mại Sản xuất Hoàng Phát, được thành lập năm 2004. Công ty có trụ sở chính tại Lô C7, Khu công nghiệp Gián Khẩu, xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Năm 2009, công ty đổi tên thành Tập đoàn Xi măng Vissai với ngành kinh doanh chính là sản xuất xi măng và clinker. Năm 2017, công ty được đổi tên thành Công ty CP Vissai Ninh Bình.

Theo đăng ký thay đổi ngày 30/5/2018, Vissai Ninh Bình có vốn điều lệ là 1.504,45 tỷ đồng; trong đó, ông Hoàng Mạnh Trường nắm giữ cổ phần chi phối lên đến 77,854%, hai cổ đông còn lại là Nguyễn Ngọc Oánh (0,007%), Đỗ Thị Phượng (22,14%).

Đến ngày 27/12/2022, vốn điều lệ của Công ty Cổ phần VISSAI Ninh Bình tăng từ hơn 3.339 tỷ đồng lên tới hơn 4.426 tỷ đồng, thành phần cổ đông không được công bố.

VISSAI Ninh Bình gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Hoàng Mạnh Trường (bầu Trường) cùng "hệ sinh thái" Vissai Group. Dưới sự chèo lái của "bầu" Trường, Vissai Group trở thành "ông lớn" trong ngành xi măng và liên tục mở rộng quy mô sang các mảng thủy điện, vận tải, bất động sản,...

Tư Viễn