Lãi ròng Tổng công ty Thăng Long tăng 186 triệu so với cùng kỳ, cắt đứt chuỗi lỗ liên tiếp
Dù chỉ tăng nhẹ 186 triệu so với cùng kỳ, đạt 6,3 tỷ đồng nhưng đây vẫn là điểm sáng của công ty khi cắt đứt chuỗi thua lỗ 2 quý liên tiếp trước đó.
Tổng công ty Thăng Long - CTCP (MCK: TTL, HNX) mới đây đã công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023. Trong báo cáo ghi nhận doanh thu thuần tăng 43% so với cùng kỳ, đạt mức 297 tỷ đồng.
Giá vốn hàng bán quý vừa rồi tăng từ 181,8 tỷ lên tới 263,7 tỷ đồng. Tuy vậy do doanh thu tăng đáng kể so với cùng kỳ đã khiến cho lợi nhuận gộp ghi nhận mức tăng hơn 8 tỷ đồng so với quý I/2022, lên mức 33,6 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt mức 11,3%.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng 83% so với thực hiện quý I/2022 lên 3,3 tỷ đồng. Chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đều có xu hướng tăng, lần lượt tăng 67% và 14% so với cùng kỳ, ở mức 16,8 tỷ và 13,5 tỷ đồng.
Kết quả sau khi trừ các loại chi phí, lãi ròng tăng nhẹ 186 triệu, tương đương tăng 3% so với cùng kỳ, đạt mức 6,3 tỷ đồng. Với kết quả này, TTL đã cắt đứt được chuỗi 2 quý liên tiếp thua lỗ (quý III/2022 lỗ sau thuế 136 triệu đồng, quý IV/2022 lỗ sau thuế 1,6 tỷ đồng). Đồng thời, đây được cho là quý có lãi ròng lớn nhất của TTL kể từ sau quý II/2021.
Kết thúc kỳ kế toán quý I/2023, tổng tài sản của TTL tăng 1,8% so với đầu năm lên 2.317 tỷ đồng. Đáng chú ý, tiền và tương đương tiền giảm tới 89%, chỉ còn 18 tỷ đồng; trong khi tiền gửi có kỳ hạn tăng 39%, đạt mức 57 tỷ đồng.
Các khoản phải thu trong quý I tăng thêm 6%, lên 1.165 tỷ đồng, chiếm 50% tổng tài sản. Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi đạt 163 tỷ đồng; hàng tồn kho đạt 534 tỷ đồng, tăng 30% và chiếm 23% tổng tài sản.
Nợ phải trả tại ngày 31/3/2023 của TTL đạt 1.704 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay chiếm 45%, đạt 767 tỷ đồng, tăng 14%.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh quý I/2023 của công ty âm 237 tỷ đồng, chủ yếu do tăng hàng tồn kho (123 tỷ đồng), tăng các khoản phải thu (75 tỷ đồng), giảm các khoản phải trả (61 tỷ đồng). Dòng tiền từ hoạt động đầu tư cũng âm hơn 1,7 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khoản công ty dùng để cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác.
Do không có lợi nhuận từ dòng tiền đầu tư, Tổng công ty Thăng Long đã mở rộng quy mô của dòng tiền thu từ đi vay lên 365 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên công ty phải chi hơn 270 tỷ đồng để trả nợ gốc thuê tài chính; đến cuối kỳ lưu chuyển tiền thuần của quý I vẫn âm 144 tỷ đồng.