Lãi suất huy động và cho vay sẽ diễn biến thế nào trong năm 2024?
Theo VCBS, lãi suất huy động đã giảm sâu về mốc trước địch COVID-19 và còn ít dư địa để giảm thêm. Trong khi đó, lãi suất cho vay vẫn có thể hạ từ 1 đến 1,5 điểm % trong năm 2024.
Lãi suất huy động khó giảm thêm
Trong báo cáo chiến lược mới phát hành, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, so với cuối năm 2022, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn trung bình toàn hệ thống giảm từ 2 điểm % đến 2,9 điểm %, tùy từng kỳ hạn. Tuy nhiên, mức giảm này chưa được phản ánh hoàn toàn khi chi phí huy động tiền gửi mới chỉ hạ 0,1 điểm % từ đỉnh.
Theo đánh giá của VCBS, hiện mặt bằng lãi suất huy động đã giảm sâu về mốc trước địch COVID-19 và còn ít dư địa để giảm thêm. Tuy nhiên, trong giai đoạn nền kinh tế đang phục hồi, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ được ưu tiên. Đồng thời, việc duy trì lãi suất huy động thấp trong thời gian đủ lâu cũng là điều kiện cần để kéo mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống.
Bên cạnh đó, quá trình xử lý trái phiếu doanh nghiệp cần nhiều nguồn lực, với điều kiện tiên quyết để quá trình này diễn ra nhanh hơn là lãi suât duy trì ở mức thấp.
Lãi suất cho vay sẽ có thể giảm thêm 1 - 1,5 điểm %
Theo VCBS, đến cuối quý III/2023, lãi suất cho vay trung bình ghi nhận trên báo cáo tài chính của các ngân hàng niêm yết đã giảm khoảng 0,6% so với mức đỉnh vào quý I/2023. Tuy nhiên, lãi suất cho vay vẫn đang cao hơn khoảng 1,6% so với đáy ghi nhận hồi quý IV/2021.
Cụ thể, sau khi Ngân hàng Nhà nước 4 lần hạ lãi suất điều hành, lãi suất huy động đã giảm nhanh. Lãi suất cho vay thực tế cũng đã đi xuống khoảng 2 - 2,5 điểm % với những khoản vay phát sinh mới. Tuy nhiên, lãi suất áp dụng cho các khoản vay hiện hữu vẫn ở ngưỡng cao, khoảng trên 10%/năm do có độ trễ từ 3 đến 6 tháng so với lãi suất huy động và có sự phân hóa về mức độ giảm giữa các ngành nghề.
VCBS kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm thêm khoảng 1 - 1,5 điểm % trong năm 2024. Trong đó, các ngân hàng sẽ cân nhắc hạ lãi suất cho một số nhóm doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt để tái cấu trúc nợ, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, việc biên lãi thuần (NIM) đang trong đà giảm và nợ xấu có xu hướng tăng được dự báo sẽ khiến các nhà băng có xu hướng thận trọng hơn trong việc cho vay. Do vậy, VCBS cho rằng sẽ có sự phân hóa trong mức giảm lãi suất cho vay.
Ngoài ra, nhóm ngân hàng thương mại tư nhân ghi nhận lãi suất cho vay giảm mạnh hơn nhóm ngân hàng quốc doanh do các khoản vay chậm trả tăng nhanh hơn, cũng như các nhà băng này tự giảm lãi suất để hút khách hàng.
VCBS dự kiến lãi suất cho vay của nhóm ngân hàng tư nhân sẽ cải thiện trong thời gian tới khi khách hàng quay lại trả nợ.