Lãi suất tiết kiệm tăng đồng loạt, dòng tiền sẽ sớm quay lại ngân hàng?

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm từ đầu tháng 5, trong đó có nơi điều chỉnh mạnh 0,5-0,9%. Đáng chú ý, không ít ngân hàng lớn điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm liên tiếp nhiều lần. Với mức tăng như hiện nay, liệu dòng tiền có sớm quay trở lại kênh tiền gửi.

 Theo khảo sát, từ đầu tháng 5 đến nay, đã có 20 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm. Trong khi đó chỉ có một nhà băng giảm lãi suất tiết kiệm là VietBank với mức giảm trung bình 0,1-0,2 điểm phần trăm tại một số kỳ hạn. 

Đáng chú ý, không ít ông lớn ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất nhiều lần trong tháng. Đơn cử như mới đây, ngân hàng VIB chính thức điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm. Và đây là lần thứ 3 ngân hàng này tăng lãi suất tiết kiệm kể từ đầu tháng 5 trở lại đây. Theo biểu lãi suất tiết kiệm trực tuyến, lãi suất cao nhất nhà băng này áp dụng cho kỳ hạn 24-36 tháng, ở mức 5,1%/năm.

Lãi suất tiết kiệm tăng đồng loạt, dòng tiền sẽ sớm quay lại ngân hàng?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Ngân hàng Techcombank cũng từng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm 2 lần liên tiếp trong ngày 8/5 và 9/5. Hiện lãi suất suất tiết kiệm cao nhất tại nhà băng này áp dụng cho kỳ hạn 12-36 tháng với mức 4,7%/năm.

Trên thị trường, một số nhà băng ghi nhận tăng mạnh lãi suất với mức tăng lên tới 0,9%/năm như CB và OceanBank. 

Sau đợt điều chỉnh vừa qua, mặt bằng lãi suất tiết kiệm cao nhất đã quay trở lại mốc trên 6%/năm. Cụ thể, gần đây nhất, HDBank điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm và trở thành ngân hàng thứ ba trên thị trường duy trì mức lãi suất từ 6%/năm cho khách hàng gửi tiền, với lãi suất kỳ hạn 15 và 18 tháng lần lượt là 6,1% và 6,2%/năm. 

Trước đó, Oceanbank cũng tăng lãi suất và duy trì lãi suất 6% và 6,1%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 24 và 36 tháng. Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 36 tháng tại OCB  hiện là 6%/năm.

Làn sóng tăng mạnh lãi suất trở lại trong bối cảnh môi trường lãi suất thấp kéo dài, tiền gửi dân cư cũng ghi nhận dấu hiệu dịch chuyển bớt khỏi kênh ngân hàng. Số liệu Tổng cục Thống kê (GSO) công bố cho thấy, tính đến 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023. Báo cáo tài chính quý I cũng cho thấy, tăng trưởng huy động tiền gửi của các ngân hàng ở mức rất thấp, thậm chí nhiều nhà băng lớn ghi nhận tiền gửi khách hàng sụt giảm trong 3 tháng đầu năm như Vietcombank, MB, SHB, VIB, TPBank.

Trước thực trạng tiền gửi dân cư chảy vào hệ thống chững lại trong khi dư nợ tín dụng tại một số nhà băng dần sôi động trở lại, lãi suất tiết kiệm được dự báo tăng nhẹ trong thời gian tới. Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định rằng mặt bằng lãi suất huy động có thể dâng cao hơn từ 0,5 đến 1 điểm %, tuy nhiên, đà tăng lãi suất huy động sẽ khó tạo ra một cuộc chạy đua lãi suất huy động toàn thị trường.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặt bằng lãi suất tiết kiệm vẫn còn thấp khi ở kỳ hạn dài 24-36 tháng, mức lãi suất chỉ nhỉnh 6%/năm. Nếu so với biến động của vàng với tốc độ tăng lên tới 20% kể từ đầu năm tới nay, kênh đầu tư tiền gửi vẫn chưa thực sự hấp dẫn. Trong khi đó, kênh đầu tư bất động sản đang xuất hiện tín hiệu tích cực. Lãi suất cho vay thấp chỉ dao động từ 5-6%/năm trong năm đầu tiên khiến các nhà đầu tư định hướng chuyển dòng tiền vào nơi tích sản có biên độ lợi nhuận tốt. 

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Bất động sản thuộc Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trước đó ghi nhận, trong 2 năm trở lại đây, dù đối diện với nhiều thách thức nhưng bất động sản vẫn là kênh đầu tư có hiệu quả cao nhất với lợi suất lên đến 14%, cao hơn nhiều so với các kênh đầu tư truyền thống như vàng (7,36%) và gửi tiết kiệm (6%).

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, lượng tiền quay trở lại kênh tiền gửi sẽ nhỏ giọt bởi tâm lý của nhiều người dân Việt là đầu cơ. Trong khi đó, vàng đang là kênh có biên độ tăng giảm lớn, hấp dẫn nhà đầu tư lướt sóng. Bất động sản đang hút dòng tiền sớm quay trở lại khi sự phục hồi ngày càng rõ nét. Kênh đầu tư chứng khoán cũng đang khởi sắc. Thế nên, dòng tiền có xu hướng tìm đến kênh vàng, bất động sản, chứng khoán hơn là gửi tiết kiệm.

Tùng Lâm

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT