Làm thế nào kiểm tra nợ xấu và mất bao lâu để xóa?

Nợ xấu là một vấn đề nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến khả năng vay vốn trong tương lai. Việc kiểm tra nợ xấu định kỳ giúp bạn kiểm soát tài chính cá nhân tốt hơn, tránh rơi vào tình trạng mất khả năng tiếp cận tín dụng.

Nhiều người bất ngờ nhận được thông báo về nợ xấu hoặc bị từ chối vay vốn mà không biết lý do. Vậy nợ xấu là gì? Làm thế nào để kiểm tra mình có nợ xấu hay không? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ về nợ xấu, cách kiểm tra và hướng dẫn xử lý khi gặp phải nợ xấu.

Nợ xấu là gì?

Nợ xấu (Non-Performing Loan - NPL) là khoản nợ quá hạn thanh toán trên 90 ngày, tính từ ngày đến hạn đầu tiên chưa thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Theo quy định, nợ được chia thành 5 nhóm, trong đó nợ xấu thuộc các nhóm 3, 4 và 5.

Tại Việt Nam, các ngân hàng và tổ chức tín dụng thường xuyên phân loại nợ và báo cáo lên Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia (CIC). Bạn có thể kiểm tra thông tin nợ xấu của mình thông qua hệ thống này.

Phân loại nhóm nợ theo CIC

Theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN, CIC phân loại nợ thành 5 nhóm:

Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn):

- Nợ trong hạn và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi đúng hạn.

- Các khoản nợ quá hạn dưới 10 ngày.

Nhóm 2 (Nợ cần chú ý):

- Khoản nợ quá hạn từ đến 90 ngày.

- Các khoản nợ được điều chỉnh lại kỳ hạn thanh toán

Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn):

- Khoản nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày (Trừ khoản nợ được phân loại vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn).

- Khoản nợ gia hạn nợ lần đầu còn trong hạn.

- Khoản nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi (Trừ khoản nợ được phân loại vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn)

Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ):

- Khoản nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày.

- Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu nhưng quá hạn đến 90 ngày theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu

- Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai còn trong hạn.

Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn):

- Khoản nợ quá hạn trên 360 ngày.

- Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 91 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu.

- Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai.

- Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên.

Nhóm 3, 4, 5 được xem là nợ xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vay vốn trong tương lai.

Nguyên nhân gây ra nợ xấu

Nợ xấu có thể phát sinh do nhiều lý do, chủ yếu là do quản lý tài chính cá nhân hoặc doanh nghiệp chưa hiệu quả. Một số nguyên nhân phổ biến như: Không thanh toán đúng hạn thẻ tín dụng hoặc khoản vay; Không đóng đủ số tiền tối thiểu hàng tháng theo yêu cầu; Bị phạt phí chậm trả và không thanh toán phí đó; Khả năng tài chính giảm sút, mất việc làm, kinh doanh thua lỗ; Liên quan đến các vấn đề pháp lý khiến không thể trả nợ đúng hạn.

Tại sao cần kiểm tra nợ xấu?

Dù là nguyên nhân nào, nợ xấu đều gây ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận tín dụng trong tương lai. Kiểm tra nợ xấu giúp bạn nắm rõ tình trạng tín dụng cá nhân. Từ đó, bạn có kế hoạch xử lý nợ xấu kịp thời, tránh ảnh hưởng đến khả năng vay vốn.

Thông tin về nợ xấu cũng giúp bạn tự chủ động đánh giá khả năng được duyệt vay nếu có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn. Hiện nay, các ngân hàng thường kiểm tra CIC trước khi xét duyệt hồ sơ vay vốn. Nếu có nợ xấu, bạn sẽ khó được phê duyệt khoản vay mới.

Cách kiểm tra nợ xấu nhanh chóng

Bạn có thể kiểm tra nợ xấu bằng một trong các cách sau:

Kiểm tra qua website CIC

Bước 1: Truy cập trang web của CIC tại https://cic.gov.vn và đăng ký tài khoản.

Bước 2: Điền đầy đủ thông tin cá nhân: Họ tên, ngày sinh, số điện thoại, email, số CMND/CCCD, ảnh CMND/CCCD (mặt trước, mặt sau), ảnh chân dung, địa chỉ.

Bước 3: Nhập mã OTP gửi về điện thoại để xác thực.

Bước 4: Nhân viên CIC sẽ gọi điện xác nhận thông tin.

Bước 5: Sau khi tài khoản được duyệt, đăng nhập và kiểm tra lịch sử tín dụng tại mục "Thông tin cá nhân".

Kiểm tra qua ứng dụng CIC trên điện thoại

Bước 1: Tải ứng dụng CIC Credit Connect trên App Store hoặc Google Play.

Bước 2: Đăng ký tài khoản và chờ xét duyệt (thường từ 1 - 3 ngày).

Bước 3: Đăng nhập và sử dụng tính năng tra cứu lịch sử tín dụng.

Kiểm tra nợ xấu trực tiếp tại ngân hàng

Bạn có thể đến trực tiếp ngân hàng để yêu cầu kiểm tra tình trạng tín dụng của mình. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ cung cấp thông tin nếu bạn đang có khoản vay tại đó.

Nợ xấu có xóa được không?

Đây là câu hỏi mà nhiều người thắc mắc khi dính phải nợ xấu. Thực tế, nợ xấu không thể xóa ngay lập tức dù bạn đã tất toán khoản nợ mà cần thời gian để khôi phục điểm tín dụng. 

Về thời gian lưu trữ thông tin lịch sử nợ xấu. Theo mẫu cáo cáo cập nhật gần đây của CIC, thông tin lịch sử nợ cần chú ý sẽ xuất hiện trong vòng 12 tháng. Lịch sử nợ xấu về dư nợ cho vay trong vòng 5 năm gần nhất. Với riêng nợ xấu thẻ tín dụng, sẽ hiện trong 3 năm gần nhất.

Để cải thiện tình trạng nợ xấu, bạn nên thanh toán đầy đủ khoản nợ quá hạn. Trả hết nợ xấu giúp hồ sơ tín dụng dần trở lại trạng thái tốt. Đồng thời, bạn cũng phải duy trì lịch sử tín dụng tốt, thanh toán đúng hạn các khoản vay sau này để cải thiện điểm tín dụng. 

Người dùng cũng chú ý, không có cơ chế nào về việc xóa nợ tại CIC, cũng như không có bất kỳ tổ chức, cá nhân nào có thể thực hiện được việc xoá nợ trước thời hạn đã quy định.

Lan Anh


An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT