Lần đầu tiên trong lịch sử 17 năm, Nhật Bản gây chấn động nền kinh tế toàn cầu bằng một chỉ số
Đồng Yên đang đứng trước thời khắc lịch sử khi dòng vốn nước ngoài đang dịch chuyển mạnh từ Trung Quốc và Phương Tây vào Nhật Bản.
Theo thông tin cập nhật mới nhất, Nhật Bản đã chính thức chấm dứt lãi suất âm, nâng chỉ số này từ (-0,1%) lên trong khoảng 0-0,1%.
Tờ Nikkei Asian Review cho hay Nhật Bản sẽ có động thái tăng lãi suất lần đầu tiên trong lịch sử 17 năm qua, đồng thời gây tác động mạnh lên nền kinh tế toàn cầu khi quốc gia có GDP lớn thứ 4 thế giới này chấm dứt nới lỏng tiền tệ.
Trong cuộc họp diễn ra ngày 19/3/2024, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ tháng 2/2007, tạo nên bước ngoặt cho chính sách nới lỏng tiền tệ đã kéo dài 17 năm qua.
Theo Nikkei, lạm phát tại Nhật Bản được duy trì cao hơn 2% cùng với việc nhiều tập đoàn lớn tăng lương đáng kể cho người dân từ đầu năm đến nay đã thúc đẩy BOJ đi đến khả năng thay đổi chính sách.
Lãi suất âm tại Nhật Bản đã được áp dụng từ tháng 2/2016 và BOJ có thể sẽ triển khai nâng từ từ. Mức lãi suất (-0,1%) hiện nay có thể sẽ được nâng lên trong khoảng 0-0,1%
Hiện BOJ là ngân hàng trung ương duy nhất còn lại trên thế giới dùng lãi suất âm, được cho là biểu tượng của chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn.
Dù biện pháp này được cho là để kích thích kinh tế, chống giảm phát nhưng cũng khiến đồng Yên mất giá, ảnh hưởng đến nhập khẩu và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thống đốc Kazuo Ueda của BOJ cho hay kết quả những cuộc đàm phán tăng lương được cho là một trong những yếu tố khiến cơ quan này cân nhắc nâng lãi suất.
Mới đây, Công đoàn Nhật Bản đã thành công đàm phán tăng lương trung bình 5,28%, mức cao nhất 33 năm qua. Tỷ lệ này là 4,42% ở các doanh nghiệp nhỏ.
Trong khi đó, BOJ cho rằng mức tăng lương cơ bản bình quân 3,7% là cũng đủ để duy trì lạm phát xoay quanh ngưỡng 2% trong nền kinh tế.
Kể từ tháng 2/2022 đến nay, hàng loạt ngân hàng trung ương, từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho đến Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) đã nhanh chóng nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, Nhật Bản lại mắc kẹt với nguy cơ giảm phát, thậm chí đã có lần suy thoái kỹ thuật, qua đó buộc phải giữ chính sách nới lỏng tiền tệ suốt từ năm 2007 đến nay.
Bởi vậy việc nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới thay đổi chính sách tiền tệ được cho là sẽ có tác động lớn đến kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến dòng vốn nước ngoài đang dịch chuyển mạnh từ Trung Quốc và Mỹ sang Nhật Bản.
*Nguồn: Nikkei