Lần đầu tiên trong lịch sử, bầu Đức đổi tên CLB HAGL và chấp nhận đứng sau thương hiệu khác: Tương lai sẽ 'bán mình' cho ông Thuỵ?

Với sự hợp tác toàn diện cùng LPBank (tiền thân là LienVietPostBank), CLB bóng đá Hoàng Anh Gia Lai sẽ đổi tên thành LPBank – Hoàng Anh Gia Lai. Chia sẻ trong sự kiện 'hợp thể', Bầu Đức cho rằng: "Nếu tôi nghỉ hưu, ông Thụy chính là người thừa kế lý tưởng nhất", thì không loại trừ việc ông sẽ bán CLB HAGL cho ông Thụy trong tương lai khi muốn nghỉ hưu.

Bầu Đức đang chuẩn bị cho quá trình nghỉ hưu?

Có vẻ, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức – còn biết đến với biệt danh Bầu Đức bắt đầu lên kế hoạch nghỉ hưu khi bắt đầu bước qua tuổi 60.

Theo đó, ông đã sang tay được cho THACO công ty lớn nhất của mình – HAGL Agrico để có tiền trả một đống nợ đã đeo đẳng bản thân bấy lâu.

Tại hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư vào tháng 8 vừa qua, Bầu Đức xác nhận đang nợ ngân hàng khoảng 7.600 tỷ đồng đều có tài sản đảm bảo và gần 3.000 tỉ đồng lỗ lũy kế. Năm 2008, HAGL nợ 29.000 tỷ đồng, sau đó tăng lên 36.000 tỷ đồng; nhờ chăm chỉ trả nợ, HAGL đã giảm xuống còn 10.000 tỷ đồng năm 2022 và còn 7.600 tỷ đồng như đã nói ở trên.

Hiện tại, HAGL đang làm mọi cách để xóa số nợ còn lại. Đầu tiên là đợi nguồn tiền bán HAGL Agrico còn lại từ THACO – nếu THACO không trả 'tiền tươi' thì có thể nhận bớt nợ từ ngân hàng cho HAGL. Ngoài ra, công ty cũng đã bán bất động sản giá trị còn lại duy nhất của mình là khách sạn HAGL với giá 180 tỷ đồng để góp phần trả nợ.

Tháng 4/2023, HAGL đã không thành công trong đợt phát hành riêng lẻ (dự thu 1.700 tỷ đồng) thông qua hồi năm 2022, nguyên nhân do diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường không phù hợp với giá chào bán nên các nhà đầu tư đã từ chối mua. Trong thời buổi chứng khoáng liên tục đỏ sàn như hiện nay, dùng kênh này để huy động vốn có vẻ không khả thi.

Chủ tịch HAGL cho biết là mình sẽ cố trả hết nợ vào năm 2026 và sẽ không vay vốn tiếp để đầu tư. Nguồn tiền trả nợ từ việc thu hồi nợ, bán tài sản đã khấu hao xong không còn sinh lợi và tiền lãi hằng năm.

Lần đầu tiên trong lịch sử, bầu Đức đổi tên CLB HAGL và chấp nhận đứng sau thương hiệu khác: Tương lai sẽ 'bán mình' cho ông Thuỵ?- Ảnh 1.

Sầu riêng đang được giá giúp HAGL có nguồn thu đáng kể trong năm 2023.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, HAGL có 5.034 tỷ đồng doanh thu, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 709 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Vì giá của sầu riêng, chuối và heo đều cao; nên năm 2023 có thể là một năm làm ăn tốt nữa của HAGL.

Trong năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu đạt 5.081,29 tỷ đồng, tăng 142,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 1.180,57 tỷ đồng, tăng 825,1% so với cùng kỳ.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của HAGL tại ngày 30/9 đạt 21.496 tỷ đồng, tăng 8,5% so với mức 19.798 tỷ đồng tại ngày cuối năm 2022.

Một trong những nỗi bận tâm khác của ông chính là CLB Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Dù đây là 'đứa con' chỉ biết tiêu tiền chứ không biết kiếm tiền lắm, nhưng ông vẫn hết mực yêu quý. Theo như lời của Bầu Đức, ông đã tiêu gần 2.000 tỷ cho Học viện bóng đá lẫn đội 1 trong suốt 20 năm qua.

Dù trước đây HAGL không có gì để quảng bá – vì họ gần như không tham gia bán lẻ B2C, nhưng tiền ông tiêu không hề uổng phí. Những thành tích nổi bật nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam như á quân Giải vô địch U23 châu Á, vô địch Sea Games 2019 và 2021 với dấu ấn đậm nét của HLV Park Hang Seo và lứa cầu thủ vàng của Học viện bóng đá HAGL, đã khiến danh tiếng của Bầu Đức vang dội khắp Việt Nam lẫn khu vực.

Tích cực tìm nhà tài trợ áo đấu dù dã có thương hiệu heo BAPI

Giải pháp mà Bầu Đức đưa ra cho CLB Hoàng Anh Gia Lai cũng khá giống với HAGL Agrico, kêu gọi hợp tác và đầu tư từ bên ngoài.

Đầu tiên, bây giờ ông không nhiều tiền như trước đây nữa, nên cần tiền ở bên ngoài để đầu tư cho CLB. Thời CLB HAGL đánh đâu thắng đó là trước năm 2006, khi công ty chưa rơi vào vũng lầy nợ nần, khi mà Bầu Đức muốn mua ai thì sẽ mua được người đó, ứng với cái câu 'cái gì không mua được bằng tiền sẽ mua được bằng nhiều tiền'.

Lần đầu tiên trong lịch sử, bầu Đức đổi tên CLB HAGL và chấp nhận đứng sau thương hiệu khác: Tương lai sẽ 'bán mình' cho ông Thuỵ?- Ảnh 2.

Mối lương duyên giữa Kiatisuk và Bầu Đức bắt đầu từ năm 2002, khi ông bầu này không có gì ngoài tiền và thích chơi ngông.

Năm 2002, dù CLB HAGL đang thi đấu ở giải hạng nhất, nhưng như lời Bầu Đức kể 'bằng mặt dày và chịu chơi – khi trong 2 tiếng đã chuyển đủ khoản tiền lót tay khổng lồ vào tài khoản của Kiatisuk Senamuang (ngôi sao sáng nhất của bóng đá Thái Lan và Đông Nam Á thời điểm đó)', CLB HAGL đã 'bắt sống' được 'Zico Thái'.

Trước đây, vì không có bất cứ thương hiệu nào cần PR, HAGL mới hợp tác với các nhãn hàng khác như TOA Paint, VPBank, GrowPlus+ (NutiFood), THACO, Red Bull…; nhưng nay dù đã có thịt heo BAPI, CLB HAGL vẫn nhận hợp đồng quảng cáo với Carabao trên áo đấu.

Và để "deal" hợp tác này trở thành hiện thực, Bầu Đức từng dọa 'trở mặt' với Liên đoàn bóng đá Việt Nam – bỏ V-League, vì Liên đoàn không đồng ý cái bắt tay này do trước đó họ đã ký kết với 1 đối tác nước tăng lực khác. Trong quá khứ, chưa từng thấy CLB HAGL tích cực với một đối tác quảng bá trên áo đấu của mình như vậy. Năm 2017, gói tài trợ của VPMilk cho CLB HAGL trị giá 50 tỷ đồng, với thời hạn 2 năm.

Lần đầu tiên trong lịch sử, bầu Đức đổi tên CLB HAGL và chấp nhận đứng sau thương hiệu khác: Tương lai sẽ 'bán mình' cho ông Thuỵ?- Ảnh 3.

Hợp đồng giữa CLB HAGL với Carabao được công bố đầu năm 2023.

"Trong thời gian vừa qua, chỉ có một vụ lùm xùm nho nhỏ mà cả nước đều biết tới Carabao, cho nên việc bán hàng tại Việt Nam sẽ cực kỳ thuận lợi. Đó là bước đi thành công đầu tiên của Carabao, và HAGL sẽ có trách nhiệm giúp Carabao quảng bá thương hiệu trên khắp các nẻo đường Việt Nam. Như vậy, thành công của Carabao chính là thành công của HAGL", Bầu Đức chia sẻ trong buổi ký kết hợp tác với Carabao đầu năm 2023.

Bầu Đức 'hợp thể' với ông Nguyễn Đức Thụy và sẽ tiến tới 'bán mình'?

Ngoài đội 1, thì ông cũng phải lo cho Học viện bóng đá HAGL. Kể từ khi được nhận quyền đào tạo trẻ từ Arsenal và khánh thành Học viện bóng đá HAGL – Arsenal JMG vào 2007, HAGL tự mày mò học tập đào tạo cầu thủ trẻ một mình chứ không nhờ cậy ai.

Năm 2015, HAGL đã mời chào thành công Nutifood tham gia đầu tư vào Học viện; sau đó NutiFood tách ra để phát triển đào tạo trẻ riêng. Năm 2017, hợp tác giữa CLB HAGL và Arsenal cũng chấm dứt. Năm 2021, hợp đồng giữa CLB HAGL và JMG cũng kết thúc, nhưng JMG vẫn tiếp tục hợp tác với Học viện bóng đá Nutifood. Tức là hiện tại CLB HAGL phải tự mình đào tạo cầu thủ trẻ và cần rất nhiều nguồn lực trong khi không còn giàu nữa.

Thứ hai, ông cũng không còn trẻ nữa nên muốn có người kế nhiệm mình trong tương lai. Vậy nên, lần tìm đối tác này, yêu cầu của ông không chỉ phải giàu mà còn phải trẻ và cực kỳ nhiệt huyết với bóng đá như ông. Và ông sẵn sàng đánh đổi để thu hút người mà ông chọn – ông Nguyễn Đức Thụy.

Lần đầu tiên trong lịch sử, bầu Đức đổi tên CLB HAGL và chấp nhận đứng sau thương hiệu khác: Tương lai sẽ 'bán mình' cho ông Thuỵ?- Ảnh 4.

Lần đầu tiên trong lịch sử hơn 20 năm, Bầu Đức chấp nhận gắn thêm 1 cái tên khác cùng HAGL và còn đứng phía trước – thành Học viện bóng đá và CLB bóng đá LPBank – HAGL. Ngay đối tác chiến lược 1 thời là Nutifood cũng không nhận được đãi ngộ tương tự.

Chia sẻ về hợp tác này, Bầu Đức hồ hởi: "Tôi làm bóng đá bằng mọi giá và mong muốn Học viện Bóng đá và CLB Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai tồn tại mãi mãi, cũng như ngày càng lớn mạnh. Nhưng, tôi năm nay đã 62 tuổi, 10 năm tới thì 72 tuổi. Mà không có ông già 72 tuổi nào đủ sức điều hành một đội bóng đá.

Tôi đã trăn trở, suy nghĩ rất nhiều và may mắn gặp được anh Thụy. Vì để Học viện Bóng đá và CLB Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai tồn tại phải có người trẻ làm, người đó vừa phải đam mê vừa phải có tiền. Anh Thụy là người em cũng là người bạn chí cốt và anh Thụy cũng còn rất trẻ. Nếu phải tìm người kế thừa tôi trong bóng đá, thì đó chắc chắn là anh Thụy".

Lần đầu tiên trong lịch sử, bầu Đức đổi tên CLB HAGL và chấp nhận đứng sau thương hiệu khác: Tương lai sẽ 'bán mình' cho ông Thuỵ?- Ảnh 5.

Bầu Thụy trong những ngày ăn ngủ cùng bóng đá với CLB Sài Gòn - Xuân Thành. Ảnh: I.T

Cách đây hơn 10 năm, ông Thụy cũng từng là ông bầu 'chọc trời khuấy nước' ở bóng đá Việt, khi không tiếc tay vung tiền tỷ tiền tấn để mang về những cầu thủ tốt nhất cho CLB Sài Gòn – Xuân Thành. Những năm đầu mới tiếp nhận đội bóng, ông Thụy đã mạnh tay chi cho cầu thủ Lê Phước Tứ 11 tỷ đồng, Bùi Tấn Trường 10 tỷ đồng để đứng trong đội hình của mình. Năm 2012, vì nhiều lý do khác nhau, ông đã lui về toàn tâm làm doanh nhân không liên quan đến bóng đá nữa.

Tuy nhiên, niềm đam mê thì thật khó từ bỏ, bây giờ doanh nhân sinh 1976 này lại quyết định quay lại với bóng đá, nhưng với tư cách là Chủ tịch của LPBank (tiền thân là LienVietPostBank) chứ không phải đại diện của DN gia đình ThaiGroup (tiền thân là Xuân Thành).

"Chỉ có mỗi Bầu Đức thôi thì mọi người ai cũng sợ HAGL, nay có thêm ông Thụy nữa thì nỗi sợ sẽ tăng gấp đôi. Năm nay thì không nói, chứ năm sau thì HAGL phải lên ngôi vô địch lần nữa phải không HLV Kiatisuk?", Bầu Đức hứa hẹn.

Lần đầu tiên trong lịch sử, bầu Đức đổi tên CLB HAGL và chấp nhận đứng sau thương hiệu khác: Tương lai sẽ 'bán mình' cho ông Thuỵ?- Ảnh 6.

Bầu Thụy được bầu vào chức vụ Chủ tịch LPBank năm 2022.

Ông Nguyễn Đức Thụy tham gia đầu tư vào LPBank trong vài năm gần đây và được bầu vào vị trí Chủ tịch năm 2022. Trong quý III/2023, lợi nhuận trước thuế của LPBank đạt 1.241 tỷ đồng, tăng 41%. Lũy kế trong 3 quý đầu năm 2023 của LPBank đạt 3.678 tỷ đồng, tuy giảm 24% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn hoàn thành 61,45% kế hoạch lợi nhuận năm.

Lũy kế cả năm 2022, tổng thu nhập hoạt động của LienVietPostBank đạt gần 14.170 tỷ đồng, đạt 5.690 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn gấp rưỡi so với cùng kỳ. Khấu trừ đi các loại thuế, phí, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng ghi nhận 4.510 tỷ đồng, tăng 57%. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của ngân hàng này.

Vậy nên, không loại trừ khả năng, HAGL và LPBank hợp tác toàn diện trong giai đoạn đầu, còn khi mà Bầu Đức muốn nghỉ hưu, thì sẽ bán đứt CLB HAGL cho ông Nguyễn Đức Thụy. Ban đầu, HAGL và THACO cũng muốn làm chung, nhưng cuối cùng họ cũng bán hết HAGL Agrico cho đối tác.

Quỳnh Như

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT