Lần đầu tiên TTCK Việt Nam ghi nhận một cổ phiếu khớp lệnh trên 200 triệu đơn vị/phiên
Cổ phiếu SHB khớp lệnh đột biến 222,7 triệu đơn vị trong phiên 22/4.
Cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội trong phiên giao dịch ngày 22/4 có biến động rất mạnh. Cổ phiếu này có thời điểm lao dốc cùng thị trường chung và giảm sàn (-6,8%) xuống 12.300 đồng/cp. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy mạnh nhập cuộc đã giúp SHB hồi phục về đứng ở mức giá tham chiếu 13.200 đồng/cp vào thời điểm kết thúc phiên. Đáng chú ý, SHB phiên hôm nay khớp lệnh kỷ lục 222,7 triệu đơn vị, đây cũng là cổ phiếu đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam đạt được mức khớp lệnh trên 200 triệu đơn vị/phiên.
Trong phiên giao dịch ngày 22/4, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. VN-Index có lúc giảm đến gần 70 điểm nhưng sau đó hồi phục trở lại. Hàng loạt các cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản, khu công nghiệp… bị bán xuống mức giá sàn. Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/4, VN-Index đứng ở mức 1.197,13 điểm, tương ứng giảm 9,94 điểm (-0,82%) xuống 1.197,13 điểm. HNX-Index giảm 3,76 điểm (-1,78%) xuống 207,71 điểm. UPCoM-Index giảm 1,23 điểm (-1,35%) xuống 89,67 điểm. Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 1,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt là 34.119 tỷ đồng, tăng 83% so với phiên trước.

Diễn biến giao dịch mạnh của cổ phiếu SHB nằm trong bối cảnh ngân hàng này tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 vào phiên nay 22/4/2025. Năm nay, SHB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 25% trong năm 2025, lên mức 14.500 tỷ đồng. Song song, tổng tài sản dự kiến đạt 832.221 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2024. Vốn điều lệ được điều chỉnh lên 45.942 tỷ đồng, tăng 13%, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức vào cuối tháng 12/2024.
Tổng dư nợ cấp tín dụng năm 2025 đặt kế hoạch ở mức 617.624 tỷ đồng, tăng 16% so với mức thực hiện năm 2024. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 14.500 tỷ đồng, tăng 25% – mức tăng trưởng cao nhất trong các chỉ tiêu tài chính. SHB cũng đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 31 xuống dưới 2%, thấp hơn mức 2,4% ghi nhận cuối năm 2024.
Ngân hàng dự kiến chia cổ tức ở mức 18%, bao gồm 5% cổ tức bằng tiền mặt và 13% bằng cổ phiếu. Nếu hoàn thành kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 13%, vốn điều lệ của SHB dự kiến sẽ lên gần 45.942 tỷ đồng, tăng thêm 5.285 tỷ đồng. Kế hoạch trên dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm 2025.
Tại đại hội, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cho biết, SHB đặt mục tiêu đến 2028, trở thành ngân hàng số 1 về hiệu quả, ngân hàng tương lai, ngân hàng công nghệ hàng đầu của Việt Nam và xa hơn là trong khu vực.Chúng tôi triển khai chiến lược "bán lẻ trong bán buôn", tức là tập trung vào các khách hàng lớn có hệ sinh thái và chuỗi cung ứng. Trong chiến lược đó, SHB ưu tiên nguồn lực vào những lĩnh vực động lực phát triển. Nhưng phát triển phải đi đôi với an toàn – SHB luôn chú trọng quản trị rủi ro và kiểm soát nợ xấu một cách chặt chẽ.
Tuấn Hào