Làn sóng trả mặt bằng và hướng đi mới cho các tiểu thương

Đứng trước sự thay đổi của công nghệ và thói quen, tư duy của người tiêu dùng, nhiều tiểu thương đã chủ động thay đổi mô hình kinh doanh để không bị thụt lùi, giữ vững doanh thu.

Nghỉ bán trực tiếp, tập trung trực tuyến

Những ngày gần đây, cư dân mạng liên tục chia sẻ hình ảnh về những mặt bằng, dãy nhà trống tọa lạc ở những khu đất vàng tại TP.HCM bị dán chi chít bảng, biển với nội dung cho thuê nhà. 

Trong các hội nhóm trên mạng xã hội, không ít chủ hàng quán, chủ cửa hàng đăng bài sang nhượng mặt bằng giá rẻ. Các tiểu thương tại chợ truyền thống thậm chí còn đóng sạp, ngưng hoạt động vì hàng tháng trời không có khách. 

lan-song-tra-mat-bang-va-huong-di-moi-cho-cac-tieu-thuong-antt-1-1700299567.JPG
Nhiều mặt bằng tại khu trung tâm TP bị bỏ trống.

Là một chủ hãng quần áo nam tại khu vực quận 1, TP.HCM, anh Lê Công Tuấn cho biết, năm nay, anh phải cắt giảm rất nhiều chi phí mới có thể duy trì được hoạt động kinh doanh và lợi nhuận của tiệm. 

Cụ thể, chủ tiệm quần áo này đã chuyển từ mặt bằng 30 triệu đồng mỗi tháng xuống chỉ còn 7 triệu đồng. Cửa hàng quần áo của anh giờ đơn giản chỉ là kho chứa đồ và có một phần không gian được sắp xếp hợp lý cho khách đến thử. 

“Khoảng 2 năm nay, tôi đã chuyển dịch dần sang bán hàng online, livestream trên Facebook, TikTok, Shopee. 90% doanh thu của cửa hàng đều đến từ các kênh trực tuyến đó. Chính vì thế, mặt bằng trung tâm, giá cao là lãng phí không cần thiết. Mặc dù năm nay doanh thu của shop sụt giảm nhưng vì cắt được nhiều chi phí nên mọi thứ vẫn rất ổn. Gần như không ảnh hưởng nhiều”, anh Tuấn nói thêm. 

Anh Bùi Hữu Nghĩa (chủ tiệm bánh tráng trộn online) cũng cho biết, căn phòng trọ 4 triệu đồng trên lầu cùng chiếc điện thoại đã giúp anh có nguồn thu nhập ổn định. Tuy vậy, việc thay đổi hình thức kinh doanh cũng khiến anh gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.

Cụ thể, thay vì làm việc giờ hành chính thì các streamer thường phải làm vào các khung giờ nghỉ trưa hoặc đêm muộn. “Tầm đó mới có người xem chứ bán hàng online mà làm giờ hành chính thì không ai xem cả”, anh Nghĩa chia sẻ. 

Thu nhỏ mô hình, kinh doanh lưu động

Với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ như cà phê, đồ ăn tại chỗ, các chủ doanh nghiệp cũng có những thay đổi tương tự. Thay vì bán trực tiếp với mặt bằng lớn thì nhiều nhà hàng, quán ăn đẩy mạnh bán trực tuyến trên các ứng dụng giao hàng. 

Ngoài ra, các mô hình kinh doanh với vốn đầu tư ít, quay vòng vốn nhanh cũng phát triển nở rộ. 

Có thể thấy khoảng 6 tháng gần đây, trào lưu cà phê muối, trà mãng cầu, bánh đồng xu, trà chanh giã tay đã phủ sóng mọi con phố từ Hà Nội đến TP.HCM. Vốn đầu tư chỉ là chiếc xe đẩy nhỏ cùng một số dụng cụ.

lan-song-tra-mat-bang-va-huong-di-moi-cho-cac-tieu-thuong-antt-2-1700299652.JPG
Thay vì mở mô hình xe đầy, nhiều chủ doanh nghiệp chọn mô hình kinh doanh lưu động để tiết kiệm chi phí duy trì.

Để không phụ thuộc vào mặt bằng thuê, nhiều chủ doanh nghiệp còn tận dụng ưu điểm của xe điện, lắp thêm thùng hàng, bán đồ ăn, đồ uống lưu động. 

Anh Mai Nguyễn Hoàng Anh - một chủ tiệm ăn nhỏ tại quận Phú Nhuận, TP.HCM cho biết, sắp hết năm 2023, chủ nhà sẽ tăng giá mặt bằng mà với tình hình kinh doanh như hiện tại thì doanh thu không chủ để bù chi phí. Chính vì thế anh đang nghiên cứu phát triển mô hình kinh doanh đồ ăn lưu động để không bị phụ thuộc vào chủ nhà. 

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT