Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa họp bàn tháo gỡ vướng mắc cho dự án có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ của Hóa chất Đức Giang (DGC)

Dự án số 1 - Tổ hợp hóa chất Đức Giang Nghi Sơn có diện tích 30ha, vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng với cônng suất dự kiến là 151.000 tấn hóa chất/năm.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa họp bàn tháo gỡ vướng mắc cho dự án có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ của Hóa chất Đức Giang (DGC)- Ảnh 1.

Chiều ngày 3/6, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của dự án số 1 (giai đoạn 1) - Tổ hợp hóa chất Đức Giang Nghi Sơn tại Khu Kinh tế Nghi Sơn.

Dự án này nằm tại xã Tân Trường và xã Tùng Lâm, thị xã Nghi Sơn do Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn - công ty con của Hóa chất Đức Giang (mã chứng khoán: DGC) làm chủ đầu tư. Dự án số 1 có diện tích 30ha, vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng với cônng suất dự kiến là 151.000 tấn hóa chất/năm. 

Tiến độ dự án theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là khởi công tháng 6/2021, hoàn thành tháng 12/2022. Tổ hợp nhà máy này cũng được UBND tỉnh Thanh Hóa gia hạn thời gian hoàn thành hồ sơ cho thuê đất đến ngày 25/7/2024. 

Đến nay, Hóa chất Đức Giang đã phối hợp với UBND thị xã Nghi Sơn hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng toàn bộ 30 ha của dự án. Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp cho thuê đất đợt 1 với diện tích 17,8ha. Chủ đầu tư đã san lấp được 22,3ha và triển khai khoan thăm dò địa chất phục vụ công tác lập hồ sơ thiết kế nhà máy. Đồng thời thực hiện ký quỹ bảo đảm đầu tư dự án và đang hoàn thiện hồ sơ phòng cháy chữa cháy, thiết kế cơ sở trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Tuy nhiên, đến nay dự án còn một số vướng mắc trong việc hoàn tất hồ sơ phòng cháy, chữa cháy. Dự án thuộc phân khu công nghiệp số 15 nhưng hiện nay khu công nghiệp số 15 chưa được phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 nên chưa có vị trí đấu nối giao thông, cấp thoát nước sát với ranh giới dự án. Do đó, chưa đủ cơ sở để Bộ Công Thương thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. 

Ngoài ra, dự án di dân, sắp xếp dân cư, tái định cư một số hộ dân thôn Lâm Quảng, xã Tân Trường (thị xã Nghi Sơn) chưa hoàn thành nên ảnh hưởng đến việc triển khai thi công một số hạng mục công trình.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa họp bàn tháo gỡ vướng mắc cho dự án có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ của Hóa chất Đức Giang (DGC)- Ảnh 2.

Lãnh đạo Hóa chất Đức Giang và lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa trong buổi gặp mặt. Ảnh: Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Thanh Hóa.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa - ông Nguyễn Văn Thi yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến tại hội nghị để trình UBND tỉnh có thông báo giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác phối hợp hoàn thiện hồ sơ, trình tự thủ tục của dự án.

Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tiếp nhận hồ sơ của Hóa chất Đức Giang để thực hiện giao đất theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo các bộ phận liên quan tham mưu trình tự thủ tục cho thuê đất trong 5 ngày kể từ ngày tiếp nhận. Sau đó 5 ngày, Sở Tài nguyên và Môi trường phải trình UBND tỉnh xem xét thẩm định phê duyệt để giao cho Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp quyết định cho thuê đất. Cơ quan này cần tiếp tục nghiên cứu các quy định của pháp luật liên quan đến hồ sơ điều chỉnh đầu tư. Cùng với đó, Hóa chất Đức Giang cần hoàn thiện thủ tục trong trường hợp phải điều chỉnh.

Đồng thời, các cơ quan chức năng khác tiếp tục quan tâm, hỗ trợ công ty hoàn thiện các thủ tục đầu tư, cũng như các mặt pháp lý có liên quan. Thị xã Nghi Sơn đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng.

Hóa chất Đức Giang phải hoàn thiện thủ tục liên quan đến vấn đề phòng cháy, chữa cháy trên cơ sở trình các bộ, ngành Trung ương, và cố gắng hoàn thành trong quý 3/2024.

Tổng thể dự án Tổ hợp hóa chất Đức Giang Nghi Sơn được chia làm 3 giai đoạn với tổng vốn đầu khoảng 12.000 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 1 đầu tư 2.400 tỷ đồng theo giấy phép chấp thuận chủ trương ban đầu. Diện tích đất sử dụng khoảng 30ha, có công suất 151.000 tấn hóa chất/năm. Sản phẩm chính của dự án này gồm xút (NaOH), nhựa PVC, axit HCL, chất xử lý nước PAC…

Dự án số 2 sản xuất Xút rắn 100.000 tấn/năm và nhựa PVC 150.000 tấn/năm với mức đầu tư 6.000 tỷ đồng. Dự án số 3 là Nhà máy sản xuất Sô Đa công suất 400.000 tấn/năm, với mức đầu tư 3.600 tỷ đồng.

Trọng Hiếu

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT