Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Lập 7 công ty đòi nợ thuê bất chấp thủ đoạn, thu 500 tỷ đồng

Phạm Thị Tâm

Một nhóm đối tượng đã mở 7 công ty tại TP.HCM, sau đó thu mua hơn 330.000 hợp đồng khó đòi với tổng số nợ hàng nghìn tỷ đồng, sau đó dùng mọi thủ đoạn ép người vay phải trả.

lap-7-cong-ty-doi-no-thue-bat-chap-thu-doan-thu-500-ty-dong-antt-1678072833.JPG
Các đối tượng trong đường dây đòi nợ thuê. Ảnh: CQCA

Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an vừa phối hợp với Công an TP.Hà Nội và các đơn vị chức năng vừa triệt phá băng nhóm tội phạm có tổ chức núp bóng doanh nghiệp hoạt động đòi nợ thuê cho ngân hàng, công ty tài chính.

Thông tin ban đầu, các đối tượng lập 7 công ty gồm: Công ty cổ phần đầu tư Omnia, công ty Luật TNHH Kiên Cường, Công ty TNHH Mua Bán Nợ DSP, Công ty cổ phần DV tài chính Thời Đại, Công ty cổ phần dịch vụ tài chính Kiên Long, Công ty cổ phần dịch vụ Bắc Á, Công ty cổ phần dịch vụ tài chính Nam Á. Tất cả có trụ sở tại phường 15, quận 11, TP.HCM.

Công ty TNHH Mua Bán Nợ DSP thường mua các khoản nợ mà khách hàng đã vay của công ty tài chính và một số tổ chức tín dụng khác nhưng không có khả năng trả với giá bằng khoảng 12-15% tổng số tiền khách nợ.

Sau đó, nhân viên bộ phận truy thu có nhiệm vụ gọi điện thoại đòi nợ. Mỗi tháng, một người phải xử lý 500 hợp đồng, phải đòi được 300 triệu đồng và nếu hai tháng liên tiếp không đủ định mức sẽ bị đuổi việc.

Thủ đoạn của nhóm này là sử dụng nhiều số điện thoại khác nhau liên tục gọi điện, nhắn tin chửi bới, đe dọa người thân, đồng nghiệp của khách. Mục đích để tạo sức ép buộc khách hàng trả nợ khoản vay.

Đáng chú ý, nhóm này còn cắt ghép hình ảnh khách hàng, người thân khách hàng vào các hình ảnh đồi trụy, các thông tin không đúng sự thật.

Sau đó tạo lập, dùng các "tài khoản ảo" đăng tải, bình luận lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, tạo sức ép buộc khách hàng phải trả tiền.

Trong trường hợp khách đồng ý trả tiền thì có thể trả tiền trực tiếp tại văn phòng hoặc chuyển khoản vào các tài khoản của công ty. Lúc đó, nhân viên truy thu sẽ gửi thông tin báo lại cho bộ phận kế toán để họ cập nhật vào dữ liệu truy thu của từng cá nhân, từng nhóm. Khi khách hàng trả nợ xong thì công ty sẽ ký thông báo kết thúc khoản nợ gửi cho khách hàng.

Trong đường dây này, Trần Hồng Tiến (49 tuổi, trú tại TP.HCM) là giám đốc điều hành mọi hoạt động của hệ thống công ty đòi nợ.

Các bị can Nguyễn Thị Ái Vân, Huỳnh Thị Phượng, Trần Cẩm Vân phụ trách quản lý nhân viên, làm công tác hành chính nhân sự và tính toán tiền lương...

Quá trình khám xét, cơ quan chức năng thu gần 600 triệu đồng, 100 máy tính, hơn 200 điện thoại và nhiều tài liệu liên quan khác. Dữ liệu từ hệ thống quản trị của các công ty cho thấy từ tháng 7/2018 đến hết năm 2022, nhóm đã thu mua hơn 330.000 hợp đồng vay nợ có tổng tiền hàng nghìn tỷ đồng; đã đòi được khoảng 500 tỷ đồng.

Hiện, Công an TP.Hà Nội đã khởi tố, tạm giam 31 bị can trong đường dây này về hành vi cưỡng đoạt tài sản và đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.

Bạch Hiền (t/h)