Lilama3, Sữa Hà Nội, Geleximco,...cùng loạt doanh nghiệp đình đám 'có tên' trong danh sách nợ BHXH

Trong danh sách mà BHXH TP.Hà Nội công bố, nhiều "ông lớn" trên địa bàn nợ số tiền lớn như: Lilama3, Sữa Hà Nội, Sông Đà 6, Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Vinaconex, Tập đoàn Geleximco,...

lilama3-sua-ha-noi-geleximcocung-loat-doanh-nghiep-dinh-dam-co-ten-trong-danh-sach-no-bhxh-antt-1689925984.PNG
Trong danh sách mà BHXH TP.Hà Nội công bố, nhiều "ông lớn" trên địa bàn nợ BHXH,BHYT,BHTN số tiền lớn. Ảnh minh họa

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, 6 tháng đầu năm 2023, công tác thanh tra, kiểm tra được cơ quan BHXH tích cực, chủ động phối hợp với thanh tra ngành Lao động, ngành Y tế, Công an và các đơn vị liên quan đẩy mạnh. 

Từ đầu năm đến nay, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.Hà Nội đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra TP, Cục Thuế TP và các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện hơn 1.800 cuộc thanh tra, kiểm tra. Trong đó, thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch 1.246 cuộc (đạt 32%); thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với 555 đơn vị.

Kết quả, sau thanh tra, kiểm tra, số tiền các đơn vị đã nộp để khắc phục nợ tiền đóng BHXH, Bảo hiểm Y tế (BHYT), Bảo hiểm tự nguyện (BHTN) là 178,6 tỷ đồng (đạt 79,6%); yêu cầu đóng và truy đóng BHXH, BHYT, BHTN cho 160 lao động chưa tham gia, đóng thiếu thời gian với tổng số tiền đề nghị truy đóng là 3,6 tỷ đồng và 32 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền đề nghị truy đóng là 165,6 triệu đồng; yêu cầu truy giảm BHXH, BHTN cho 10 lao động đóng sai đối tượng, sai thời gian với số tiền đề nghị truy giảm là 192,5 triệu đồng.

Qua công tác thanh tra chuyên ngành, phối hợp thanh tra liên ngành. BHXH TP, các sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã đã phát hiện, xử phạt và kiến nghị UBND TP xử phạt hành chính hành vi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN theo thẩm quyền đối với 36 đơn vị đóng trên địa bàn, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là gần 3,6 tỷ đồng.

Theo Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT TP.Hà Nội: Tổng số tiền thu BHXH, BHYT, BHTN 6 tháng đầu năm trên địa bàn TP là 28.481 tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch. Tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT là 5.253,2 tỷ đồng, chiếm 8,17% tổng số phải thu (giảm 0,37% so với cùng kỳ năm 2022); số tiền chậm đóng BHXH phải tính lãi là 1.752,5 tỷ đồng, chiếm 2,73% tổng số phải thu (giảm 0,64% so với cùng kỳ năm 2022).

Trong đó, số tiền chậm đóng của các đơn vị ngừng giao dịch là 1.654,8 tỷ đồng, chiếm 31,5% tổng số tiền chậm đóng; chậm đóng ngân sách Nhà nước là 50 tỷ đồng, chiếm 0,95% tổng số tiền chậm đóng; chậm đóng dưới 12 tháng là 1.823,2 tỷ đồng, chiếm 34,7% tổng số tiền chậm đóng; chậm đóng từ 12 tháng trở lên là 1.725,2 tỷ đồng, chiếm 32,85% tổng số tiền chậm đóng.

Theo danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, BHYT,BHTN từ 1 tháng trở lên trên địa bàn TP.Hà Nội tháng 6/2023 (số liệu tính đến hết ngày 30/6/2023 theo C12-TS lấy ngày 5/7/2023), toàn TP có 48.435 doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 1 tháng đến 187 tháng.

Công ty CP LISOHAKA (Tầng 4 tòa nhà GAMI 11 Phạm Hùng, Nam Từ liêm, Hà Nội) là doanh nghiệp có số tháng chậm đóng nhiều nhất (187 tháng).

Số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN dao động từ 144.000 đồng đến gần 55 tỷ đồng.

Trong danh sách mà BHXH TP.Hà Nội công bố, nhiều "ông lớn" trên địa bàn nợ số tiền lớn như: Công ty cổ phần anh ngữ APAX (54,9 tỷ đồng) Công ty Cổ phần Lilama3 (43,66 tỷ đồng); Công ty Cổ Phần Cầu 12 (gần 31 tỷ đồng); Công ty cổ phần sữa Hà Nội (19,7 tỷ đồng); Công ty CP Sông Đà 6 (20,8 tỷ đồng); Công ty TNHH khoa học Hợp Lực (32,5 tỷ đồng); Công ty CP 116 Cienco (19,3 tỷ đồng); Công ty CP đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Vinaconex (4 tỷ đồng); Tập đoàn Geleximco -CTCP (gần 1,2 tỷ đồng);..

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT