Lộ diện các "tay to" ôm lượng lớn cổ phiếu MB, VPBank, OCB: VPBank có 13 cổ đông sở hữu trên 1% vốn, một doanh nghiệp bảo hiểm nắm hơn 1% vốn điều lệ MB

Mới đây, VPBank, OCB và MB công bố danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ.

Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), tính đến 19/7, có 13 cá nhân và 4 cổ đông tổ chức sở hữu gần 5,1 tỷ cổ phiếu, tương đương 64,2% vốn điều lệ. 

Trong đó, danh sách cổ đông cá nhân bao gồm nhóm liên quan tới ông Ngô Chí Dũng (Chủ tịch VPBank, nắm 328,5 triệu cổ phiếu, tương đương 4,141% vốn) là bà Hoàng Anh Minh (vợ ông Dũng, nắm 326,8 triệu cổ phiếu, tương đương 4,118% vốn), bà Vũ Thị Quyên (mẹ ông Dũng, nắm 325,9 triệu cổ phiếu, tương đương 4,107% vốn).

Tổng cộng, ông Dũng và người liên quan sở hữu 33,648% vốn của VPBank. Con số này cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ sở hữu hơn 14% được công bố vào cuối năm 2023, theo báo cáo quản trị ngân hàng.

Tỷ lệ này thay đổi do quy định mới trong Luật các TCTD 2024, người có liên quan của cá nhân theo được mở rộng hơn: "Cá nhân với vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ; anh, chị, em cùng cha khác mẹ; anh, chị, em cùng mẹ khác cha; anh vợ, chị vợ, em vợ, anh chồng, chị chồng, em chồng, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha (sau đây gọi là vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em); ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; bác ruột, cô ruột, dì ruột, chú ruột, cậu ruột và cháu ruột".

Lộ diện các "tay to" ôm lượng lớn cổ phiếu MB, VPBank, OCB: Chủ tịch VPBank và người liên quan sở hữu 1/3 vốn của VPBank, một doanh nghiệp bảo hiểm nắm hơn 1% vốn điều lệ MB- Ảnh 1.

Bên cạnh đó, nhóm liên quan của Phó chủ tịch Bùi Hải Quân cũng sở hữu 5,59% vốn của VPBank. Cụ thể, ông Quân nắm 156,3 triệu cổ phiếu, tương đương 1,97% vốn điều lệ còn bà Kim Ngọc Cẩm Ly (vợ ông Quân) sở hữu 286,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,61% vốn.

Nhóm cổ đông liên quan đến ông Lô Bằng Giang gồm bà Lý Thị Thu Hà (mẹ ông Giang) sở hữu 3,61% vốn tương ứng với 282,1 triệu cổ phiếu; bà Nguyễn Thu Thủy (vợ ông Giang) năm 2,56% vốn tức 203,3 triệu cổ phiếu. Còn ông Giang chưa tới 1% và không xuất hiện trong danh sách.

Trong danh sách VPBank công bố, ông Nguyễn Đức Vinh và người liên quan đang sở hữu 2,88% vốn của đơn vị này. Riêng ông Vinh nắm 104,9 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,32% vốn điều lệ.

Những cá nhân khác không nằm trong HĐQT, Ban Điều hành, Ban Kiểm soát của VPBank vẫn nắm giữ lượng lớn cổ phiếu gồm: bà Trần Ngọc Lan (năm 309,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,9% vốn), ông Trần Ngọc Trung (nắm 305,1 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,85% vốn), ông Lê Việt Anh (nắm 280 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,53% vốn), bà Lê Minh Anh (nắm 214,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,71% vốn), ông Nguyễn Mạnh Cường (nắm 111,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,45% vốn).

Bên cạnh các cổ đông cá nhân, VPBank cũng công bố 4 cổ đông tổ chức gồm Sumitomo Mitsui BankingCorporation (cổ đông chiến lược nắm giữ hơn 15% vốn điều lệ), Công Ty Cổ Phần DIERACORP (nắm giữ 4,3957% vốn điều lệ), quỹ ngoại Composite Capital MasterFund LP (nắm giữ 2,7301% vốn điều lệ), quỹ ngoại Vietnam EnterpriseInvestments Limited (nắm giữ 1,2839% vốn điều lệ).

Lộ diện các "tay to" ôm lượng lớn cổ phiếu MB, VPBank, OCB: Chủ tịch VPBank và người liên quan sở hữu 1/3 vốn của VPBank, một doanh nghiệp bảo hiểm nắm hơn 1% vốn điều lệ MB- Ảnh 2.

Danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ MB trở lên.

Trong đó, Composite Capital Master Fund LP là một quỹ đầu tư có đăng ký trụ sở tại quần đảo Cayman được biết đến thông qua giao dịch mua lại cổ phiếu từ Dragon Capital.

Còn Vietnam EnterpriseInvestments Limited là quỹ đầu tư thuộc Dragon Capital. Ngoài Vietnam EnterpriseInvestments Limited, các cổ đông liên quan đến quỹ này còn sở hữu tổng cộng 173,7 triệu cổ phiếu VPBank, tương đương 2,1889% vốn điều lệ ngân hàng.

Còn tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), căn cứ thông tin cổ đông cung cấp đến ngày 15/7, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam nắm hơn 65,7 triệu cổ phiếu MBB, tương ứng 1,24% vốn điều lệ ngân hàng. Người liên quan của Bảo hiểm Prudential cũng sở hữu gần 1,5% triệu cổ phiếu MBB, tương ứng 0,02% vốn.

Ngoài Prudential Việt Nam, quỹ ngoại Pyn Elite Fund (NON-UCITS) cầm khoảng 86,3 triệu cổ phiếu MBB, tương ứng với 1,63% vốn. Người liên quan của quỹ này không sở hữu bất cứ cổ phiếu MBB nào. Lượng cổ phiếu MB do Pyn Elite Fund nắm giữ có giá trị hơn 2.100 tỷ đồng.

Trước đó, theo thông tin trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, MB còn có 4 cổ đông lớn, sở hữu tổng cộng 44,345% vốn điều lệ (sau phát hành ESOP) gồm: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn Thông quân đội (Viettel nắm 1 tỷ cổ phiếu, tương đương 19%); Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC nắm 9,8% vốn MB, tương ứng 532 triệu cổ phiếu; Tổng Công ty trực thăng Việt Nam (nắm 447 triệu cổ phiếu, tương đương 8,43% vốn); Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (376 triệu cổ phiếu MBB, tương ứng 7,1% vốn điều lệ).

Trong khi đó tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), ngân hàng này công bố có 20 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Trong đó, có 13 cổ đông tổ chức nắm tổng cộng 1,46 tỷ cổ phiếu OCB, tương đương 55,7% vốn của ngân hàng và 7 cổ đông cá nhân sở hữu 24,8% vốn.

Lộ diện các "tay to" ôm lượng lớn cổ phiếu MB, VPBank, OCB: Chủ tịch VPBank và người liên quan sở hữu 1/3 vốn của VPBank, một doanh nghiệp bảo hiểm nắm hơn 1% vốn điều lệ MB- Ảnh 3.

Tổng cộng, 20 cổ đông này nắm 1,66 tỷ cổ phiếu OCB, tương ứng 80,6% vốn điều lệ của ngân hàng.

Đáng chú ý, ngoài các cổ đông là lãnh đạo cấp cao và người liên quan, OCB còn có một cổ đông "bí ẩn" là Nguyễn Đức Toàn. Hiện, ông Toàn sở hữu hơn 74,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,637% vốn điều lệ. Người liên quan đến ông Toàn cũng sở hữu tới hơn 77,7 triệu cổ phiếu OCB, tương đương 3,784% vốn điều lệ. Tổng cộng, nhóm cổ đông này nắm giữ 152,4 triệu cổ phiếu OCB, tương đương 7,421% cổ phần ngân hàng, tính tới ngày công bố thông tin.

Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/7, các ngân hàng phải công khai thông tin cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ ngân hàng. Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi cũng giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%.

Thảo Vân

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT