Lộ diện công ty bảo hiểm nhân thọ lãi lớn nhất nửa đầu năm: Kinh doanh bảo hiểm thua lỗ, lợi nhuận đầu tư cổ phiếu gấp 17 lần cùng kỳ 2023
Mặc dù sụt giảm so với cùng kỳ 2023, nhưng lợi nhuận bán niên của doanh nghiệp này vẫn cao hơn Bảo Việt Nhân Thọ, Prudential, Dai-ichi Life,...
Công ty TNHH Manulife Việt Nam (Manulife) mới đây đã công bố báo cáo tài chính bán niên 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 2.127 tỷ đồng, giảm 12,6% so với cùng kỳ.
Mặc dù lợi nhuận đi lùi nhưng Manulife vẫn là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lãi lớn nhất trong nửa đầu năm 2024, cao hơn cả "ông lớn" Bảo Việt Nhân Thọ (776 tỷ đồng) hay Prudential (1.092 tỷ đồng), Dai-ichi Life (1.362 tỷ đồng).
Trong 6 tháng đầu năm, mảng kinh doanh bảo hiểm của Manulife lỗ 1.329 tỷ đồng, trái ngược với mức lãi 1.302 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do doanh thu thuần giảm mạnh 24% trong khi chi phí gần như không dổi.
Cụ thể, Manulife ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 8.634 tỷ đồng, giảm 24,4% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu phí các mảng chủ chốt như bảo hiểm liên kết đầu tư và bảo hiểm hỗn hợp, sức khỏe đều giảm mạnh so với cùng kỳ 2023.
Là trụ cột "gồng gánh" lợi nhuận, hoạt động tài chính tiếp tục diễn biến tích cực khi ghi nhận khoản lãi thuần 3.142 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với nửa đầu năm 2023. Trong đó, doanh thu hoạt động tài chính của Manulife đạt hơn 3.903 tỷ đồng, tăng 53,5% chủ yếu nhờ lãi từ mua bán cổ phiếu cao gấp gần 17 lần cùng kỳ năm trước (1.359 tỷ đồng) và lãi tiền gửi ngân hàng tăng 81,7% (819 tỷ đồng).
Đến cuối tháng 6, quy mô đầu tư tài chính của Manulife ở mức 106.422 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm và chiếm 83,6% tổng tài sản. Trong đó, quy mô đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 29,6%, lên mức 38.251 tỷ đồng và đầu tư tài chính dài hạn tăng 0,9%, đạt 68,171 tỷ đồng.
Đi sâu vào danh mục đầu tư ngắn hạn, Manulife nắm giữ số cổ phiếu niêm yết và cổ phiếu UPCoM có giá trị gần 10.407 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty có hơn 24.261 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn và 1.353 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp
Về danh mục đầu tư dài hạn, cấu phần lớn nhất là trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương với 57.288 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng nắm giữ 10.328 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh lợi nhuận của mảng tài chính, Manulife cũng ghi nhận khoản lãi 2.555 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh khác, tăng 64,7% so với cùng kỳ. Theo thuyết minh báo cáo, lợi nhuận mảng này tăng mạnh nhờ lãi phân bổ và thu nhập khác trích từ giá trị tài khoản chủ hợp đồng.
Trong nửa đầu năm, Manulife đã tích cực cắt giảm chi phí bán hàng và chi phí doanh nghiệp xuống còn 849 tỷ đồng và 1.392 tỷ đồng. Trong đó, chi phí khen thưởng và hỗ trợ đại lý của Manulife giảm gần một nửa, còn 368 tỷ đồng; chi phí thi đua, hội nghị giảm 65,4%, còn 112 tỷ đồng.
Việc chủ động cắt giảm chi phí và gia tăng được lợi nhuận từ mảng tài chính và hoạt động khác đã giúp Manulife tiếp tục dẫn đầu lơi toàn ngành bảo hiểm nhân thọ trong nửa đầu năm 2024 dù gặp nhiều khó khăn ở mảng kinh doanh bảo hiểm. Dù vậy, do khoản lỗ khủng trong năm 2021, Manulife vẫn lỗ lũy kế 778 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2024.
Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Manulife là 127.300 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cuối năm 2023. Hiện, Manulife đứng thứ ba trong ngành bảo hiểm nhân thọ về quy mô tài sản, chỉ sau Prudential và Bảo Việt Nhân thọ.
Vốn điều lệ của Manulife đạt 22.220 tỷ đồng, cao nhất toàn ngành và cao hơn vốn chủ sở hữu (21.855 tỷ đồng).