Lỗ trăm tỷ khi đầu tư cổ phiếu API, IDJ, Chứng khoán Apec vẫn báo lãi trong quý II/2023

Mặc dù tạm lỗ 105 tỷ đồng khi đầu tư vào cổ phiếu API và 36,6 tỷ đồng tại cổ phiếu IDJ; Chứng khoán Apec vẫn báo lãi ròng hơn 16 tỷ đồng trong quý II/2023 sau khi thực hiện bán ra gần hết lượng cổ phiếu HPG, CEO và BCG nắm giữ trong danh mục tự doanh.

lo-tram-ty-khi-dau-tu-co-phieu-api-idj-chung-khoan-apec-van-co-lai-trong-quy-ii2023-antt-2-1690020819.JPG
Ông Nguyễn Đỗ Lăng tại ĐHĐCĐ thường niên APS năm 2023.

Công ty CP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (Chứng khoán Apec, MCK: APS, sàn HNX) vừa công bố BCTC quý II/2023 với nhiều chỉ số tích cực.

Cụ thể, doanh thu hoạt động tăng 316% so với cùng kỳ năm ngoái lên 233 tỷ đồng nhờ khoản lãi từ tài sản FVTPL cao gấp 14 lần, đạt 226 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc đánh giá lại danh mục tự doanh. 

Ở chiều ngược lại, lãi từ cho vay và phải thu cùng doanh thu môi giới đều giảm so với quý II/2022. Chi phí hoạt động giảm 58%, xuống mức 209 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí, APS báo lãi sau thuế hơn 16 tỷ đồng quý II/2023, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ lên tới gần 363 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Chứng khoán Apec bao doanh thu hoạt động đạt 360,4 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái; lãi sau thuế ghi nhận hơn 46 tỷ đồng.

Trong năm 2023, APS đặt mục tiêu 855 tỷ đồng doanh thu và 230 tỷ đồng lãi sau thuế. Như vậy, doanh nghiệp này đã thực hiện được 42% doanh thu và 20% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm sau 6 tháng.

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của APS ghi nhận ở mức gần 1.023 tỷ đồng, tăng gần 5% so với hồi đầu năm và chủ yếu là tài sản ngắn hạn với hơn 966 tỷ đồng. Cho vay hoạt động margin giảm 37% xuống còn 103,4 tỷ đồng, mức thấp kể từ quý II/2021 đến nay.

Đáng chú ý, trong danh mục cổ phiếu đầu tư của APS không còn các mã HPG, CEO và BCG.

Như vậy, doanh nghiệp này đã bán toàn bộ 104,4 tỷ đồng cổ phiếu CEO và 25,5 tỷ đồng cổ phiếu HPG mà APS nắm giữ trong danh mục đầu tư.

Ở chiều ngược lại, APS đã thực hiện mua vào hàng loạt cổ phiếu CTI, DPG, MST, VSC, CRE, DXS, HCD, TCD, TNH, DTD.

Hiện, hai mã API và IDJ mà APS nắm giữ có giá gốc lần lượt là 188,8 tỷ đồng và 169,8 tỷ đồng. Tuy nhiên giá trị hợp lý của cổ phiếu API chỉ là 83,7 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 105 tỷ đồng và giá trị hợp lý tại cổ phiếu IDJ là 133 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 36,6 tỷ đồng.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp "họ" Apec rớt thảm sau khi loạt lãnh đạo chủ chốt vướng vòng lao lý.

Cụ thể, cuối tháng 6/2023, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội quyết định khởi tố vụ án hình sự “Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty cổ phần Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương, Công ty cổ phần Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương và Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam".

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng khởi tố ông Nguyễn Đỗ Lăng- người đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc tại APS cùng loạt cá nhân có liên quan về tội Thao túng thị trường chứng khoán.

Trước thông tin trên, cả 3 công ty đều đưa ra lời khẳng định không phải chủ thể có liên quan và/hoặc có những hoạt động liên quan đến vụ việc này.

Ngoài ra, cả ba công ty trên cũng công bố bổ nhiệm nhân sự mới vào ghế nhân sự cấp cao trong ngày 29/6.

Cụ thể, HĐQT APS và IDJ quyết định bãi nhiệm ông Phạm Duy Hưng khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT và bầu ông Vũ Trọng Quân - Thành viên HĐQT đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT từ ngày 29/06.

Ngoài ra, HĐQT APS cũng bầu ông Nguyễn Quang Huy - Thành viên HĐQT là người phụ trách công bố thông tin và bà Lã Thị Quy phụ trách kế toán APS từ ngày 29/06.

Còn tại API, HĐQT đã bãi nhiệm bà Nguyễn Thị Thanh khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT, bầu ông Nguyễn Văn Ly - Thành viên HĐQT đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT đồng thời là người phụ trách công bố thông tin.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT