Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Loạt chính sách kinh tế có hiệu lực từ tháng 2/2024

Phạm Thị Tâm

Một số chính sách liên quan đến lĩnh vực kinh tế như: phương pháp tính khoản thu trái pháp luật về chứng khoán, hướng dẫn thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu một số mặt hàng... sẽ chính thức có hiệu lực trong tháng 2/2024.

Hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2024

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 76/2023/TT-BTC ngày 29/12/2023 quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 12/2/2024 và áp dụng đối với năm ngân sách 2024.

Theo Thông tư, việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP) được thực hiện theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật NSNN.

Tiếp tục thực hiện điều tiết NSTW hưởng 100% đối với số thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số, dịch vụ xuyên biên giới và các dịch vụ khác do nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Thực hiện phân chia nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, phân chia thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu giữa NSTW và NSĐP theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 10/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô (sau khi trừ chi phí tổ chức thu) nộp NSTW 100% và thực hiện phân chia 65% số thu cho NSTW và bố trí dự toán NSTW bổ sung có mục tiêu cho NSĐP tương ứng 35% số thu để thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ.

Nguồn thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý được sử dụng cho chi đầu tư phát triển thuộc đối tượng đầu tư của NSĐP.

Nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết trong dự toán NSĐP được sử dụng theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 10/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, cũng theo thông tư này, năm 2024 thực hiện ổn định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa NSTW và NSĐP; đối với số bổ sung cân đối ngân sách (nếu có), NSTW bổ sung tăng thêm 2% so với mức bổ sung cân đối ngân sách năm 2023 đã được Quốc hội quyết định; bổ sung cho NSĐP để thực hiện tiền lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg, số 1602/QĐ-TTG ngày 10/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

loat-chinh-sach-kinh-te-co-hieu-luc-tu-thang-22024-antt-1706512020.PNG
Ảnh minh họa

Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối, trứng gia cầm năm 2024

Bộ Công thương ban hành Thông tư số 37/2023/TT-BCT ngày 22/12/2023 quy định hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng muối, trứng gia cầm năm 2024.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 6/2/2024 đến hết ngày 31/12/2024.

Thông tư quy định, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng trứng gia cầm (trứng thương phẩm không có phôi) năm 2024, gồm trứng gà; trứng vịt, ngan và loại khác là 68.670 tá.

Hạn ngạch mặt hàng muối - mã số hàng hóa 2501 (gồm cả muối ăn và muối đã bị làm biến tính và natri clorua tinh khiết, có hoặc không ở trong dung dịch nước hoặc có chứa chất chống đóng bánh hoặc chất làm tăng độ chẩy; nước biển) là 88.000 tấn.

Ngoài ra, Thông tư số 37/2023/TT-BCT cũng quy định phương thức phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng muối, trứng gia cầm năm 2024. Theo đó, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng muối, trứng gia cầm năm 2024 được thực hiện theo phương thức phân giao quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và Thông tư số 12/2018/TT-BCT ngày 15/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.

Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng muối được phân giao cho thương nhân trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thuốc, sản phẩm y tế và làm nguyên liệu sản xuất hóa chất.

Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng trứng gia cầm được phân giao cho thương nhân có nhu cầu nhập khẩu.

Bộ Công Thương trao đổi với Bộ NN&PTNT để xác định thời điểm phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng muối, trứng gia cầm năm 2024.

Phương pháp tính khoản thu trái pháp luật về chứng khoán

Thông tư 73/2023/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành có hiệu lực từ ngày 5/2/2024 thay đổi một số quy định về phương pháp tính khoản thu trái pháp luật, số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Cụ thể, khoản thu trái pháp luật đối với trường hợp trong thời kỳ thao túng thị trường chứng khoán có điều chỉnh về giá chứng khoán được tính bằng tổng khoản thu trái pháp luật trong các giai đoạn trước thời điểm điều chỉnh về giá (ngày giao dịch không hưởng quyền) và khoản thu trái pháp luật trong giai đoạn sau khi điều chỉnh về giá.

Khoản thu trái pháp luật trong giai đoạn trước thời điểm điều chỉnh về giá và khoản thu trái pháp luật trong giai đoạn sau khi điều chỉnh về giá được tính theo công thức quy định tại khoản này.

Đối với trường hợp tổng khối lượng chứng khoán bán ra lớn hơn tổng khối lượng chứng khoán mua vào trong giai đoạn sau khi điều chỉnh giá, giá của khối lượng chứng khoán chênh lệch là giá mua bình quân trong giai đoạn trước ngày giao dịch không hưởng quyền được điều chỉnh giá theo công thức:

P’=(P+Pa*a-C)/(1+a+b)

Trong đó:

P’: giá của khối lượng chứng khoán chênh lệch.

P: giá mua bình quân cổ phiếu trong giai đoạn trước ngày giao dịch không hưởng quyền.

Pa: giá cổ phiếu phát hành thêm cho quyền mua ưu đãi.

a: tỷ lệ cổ phiếu phát hành thêm cho quyền mua ưu đãi.

b: tỷ lệ chia cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

C: cổ tức bằng tiền.

Sửa quy định về kinh doanh thuốc lá

Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 43/2023/TT-BCT ngày 28/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2018/TT-BCT quy định một số điều của các nghị định liên quan đến kinh doanh thuốc lá.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 12/2/2024.

Thông tư 43 sửa đổi khoản 1, khoản 9 Điều 13 về biểu mẫu, chế độ báo cáo đối với doanh nghiệp kinh doanh thuốc lá:

Định kỳ 6 tháng, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá, nhập khẩu thuốc lá phải gửi báo cáo về Bộ Công thương về hoạt động sản xuất sản phẩm thuốc lá và nhập khẩu sản phẩm thuốc lá (trước ngày 10/1 hàng năm đối với báo cáo cả năm và trước ngày 10/7 hàng năm đối với báo cáo 6 tháng đầu năm).

Định kỳ 6 tháng nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá phải gửi báo cáo thống kê sản lượng, loại sản phẩm thuốc lá kinh doanh (theo hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ) của đơn vị mình về Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương và sở công thương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính (trước ngày 10/1 hàng năm đối với báo cáo cả năm và trước ngày 10/7 hàng năm đối với báo cáo 6 tháng đầu năm).

Bạch Hiền (t/h)