Loạt chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 5/2025

Từ tháng 5/2025, hàng loạt chính sách mới trong lĩnh vực kinh tế như giới hạn sở hữu cổ phần của NĐTNN tại tổ chức tín dụng Việt Nam, giá dịch vụ quản lý vận hành chung cư tại Hà Nội,... chính thức có hiệu lực.

Giá dịch vụ quản lý vận hành chung cư tại Hà Nội

UBND TP.Hà Nội đã có Quyết định số 33/2025/QĐ-UBND về việc ban hành khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư trên địa bàn, có hiệu lực từ 1/5/2025.

Cụ thể, khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được UBND thành phố quy định như sau: Nhà chung cư không có thang máy có giá dịch vụ tối thiểu là 700 đồng/m2/tháng và tối đa là 5.000 đồng/m2/tháng. Nhà chung cư có thang máy có giá dịch vụ tối thiểu là 1.200 đồng/m2/tháng và tối đa là 16.500 đồng/m2/tháng.

Loạt chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 5/2025- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Khung giá này chưa bao gồm các khoản thu được từ kinh doanh dịch vụ cao cấp, như tắm hơi, bể bơi, truyền hình cáp, intenet hoặc các dịch vụ cao cấp khác.

Nội dung các chi phí cấu thành khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư và phương pháp xác định giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được thực hiện theo quy định tại khoản 3, Điều 59 Nghị định số 95/2024/NĐ-CP ngày 24-7-2024 của Chính phủ.

Đối tượng áp dụng bao gồm Cơ quan quản lý Nhà nước về nhà ở trên địa bàn thành phố; Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà chung cư (Chủ đầu tư), Ban quản trị nhà chung cư, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư; Chủ sở hữu, người sử dụng căn hộ; Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Thương nhân phải báo cáo sản lượng bán xăng dầu

Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 18/2025/TT-BCT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định tại các thông tư quy định về kinh doanh xăng dầu, có hiệu lực từ 2/5/2025.

Theo đó, một trong những nội dung nổi bật của Thông tư này là việc bổ sung quy định về báo cáo sản lượng và tình hình sử dụng kho xăng dầu áp dụng đối với thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu và thương nhân cho thuê kho xăng dầu.

Với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu có kho xăng dầu thuộc sở hữu cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu khác thuê sử dụng, có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng quý tình hình sử dụng kho và cho thuê kho theo mẫu ban hành gửi về Bộ Công Thương và Sở Công Thương tại địa bàn thương nhân cho thuê kho trước ngày 10 của tháng đầu tiên của kỳ kế tiếp.

Định kỳ, trước ngày 29 của tháng cuối quý, thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu báo cáo sản lượng bán xăng dầu trong nước theo từng chủng loại trong kỳ từ ngày 21 tháng trước liền kề tháng đầu tiên của quý đến ngày 20 tháng cuối quý về Bộ Công Thương để tổng hợp tính toán, xác định tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước và nhập khẩu trên công thức giá cơ sở.

Giới hạn sở hữu cổ phần của NĐTNN tại tổ chức tín dụng

Nghị định số 69/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) mua cổ phần của tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 19/5/2025.

Theo đó, quy định mới về hình thức mua cổ phần, NĐTNN chỉ được mua cổ phiếu quỹ trong trường hợp cổ phiếu quỹ đó được TCTD mua trước ngày 1/1/2021.

Tổng mức sở hữu cổ phần không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại các khoản 6, 6a Điều này hoặc trong thời gian thực hiện quy định tại khoản 9 Điều 14 Nghị định này.

Tổng mức sở hữu cổ phần của các NĐTNN không vượt quá 50% vốn điều lệ của một TCTD phi ngân hàng Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này.

Trong trường hợp đặc biệt để bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một TCTD cổ phần yếu kém, gặp khó khăn vượt giới hạn quy định tại các khoản 2, 3, 5 Điều này đối với từng trường hợp cụ thể.

Đồng thời, tổng mức sở hữu cổ phần của các NĐTNN tại ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) được vượt 30% nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt và được thực hiện trong thời hạn của phương án chuyển giao bắt buộc.

Khánh Hân (t/h)

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT