Loạt chính sách về kinh tế có hiệu lực từ tháng 5/2023

Cấp sổ đỏ; điều kiện tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp…. là những chính sách có hiệu lực từ tháng 5/2023.

loat-chinh-sach-ve-kinh-te-co-hieu-luc-tu-thang-52023-antt-1682905520.JPG
Nhiều chính sách về kinh tế có hiệu lực từ tháng 5/2023. Ảnh minh họa

Quy định mới về tiền lãi danh nghĩa trái phiếu Chính phủ

Ngày 10/2, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 12/2023/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 4/5, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 107/2020/TT-BTC hướng dẫn giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ từ nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước.

Thông tư 12 bổ sung quy định về "Tiền lãi danh nghĩa trái phiếu Chính phủ" (Điều 15a) như sau: Trường hợp Kho bạc Nhà nước nhận được tiền lãi danh nghĩa trái phiếu Chính phủ trong thời gian mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm hoàn trả số tiền lãi danh nghĩa trái phiếu Chính phủ đã nhận được cho các ngân hàng thương mại theo mã trái phiếu Chính phủ mà Kho bạc Nhà nước nhận được tiền lãi danh nghĩa.

Việc hoàn trả tiền lãi danh nghĩa trái phiếu Chính phủ được thực hiện bên ngoài hệ thống giao dịch công cụ nợ của sở giao dịch chứng khoán; thời điểm hoàn trả lãi danh nghĩa do hai bên tự thống nhất nhưng không được muộn hơn 5 ngày làm việc, kể từ ngày thực thanh toán lãi trái phiếu.

Trong trường hợp chuyển tiền lãi danh nghĩa chậm, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm thanh toán tiền phạt chậm thanh toán cho ngân hàng thương mại đối với số ngày chậm thanh toán theo mức lãi suất phạt chậm thanh toán quy định.

Sửa đổi, bổ sung quy định về đấu giá đất

Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai được áp dụng từ ngày 20/5. 

Nghị định bổ sung Điều 17a vào Nghị định số 43/2014/NĐ-CP về đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất. Việc tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện: Thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 Luật Đất đai; đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 3, Điều 58 Luật Đất đai, Khoản 2 và Khoản 3, Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP; phải nộp tiền đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất; không thuộc đối tượng bị cấm tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật; đáp ứng điều kiện quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về kinh doanh bất động sản đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở, dự án kinh doanh bất động sản khác.

Hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện: Thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì phải bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 17a Nghị định 43/2014/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định số 10/2023/NĐ-CP).

Đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất phải đáp ứng quy định tại Khoản 1, Điều 119 Luật Đất đai; đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất; việc đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện đối với từng thửa đất; đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

Kể từ thời điểm công bố kết quả trúng đấu giá thì khoản tiền đặt trước và tiền lãi (nếu có) được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.

Trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại Điểm d, Khoản 5, Điều 68 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì người trúng đấu giá không được nhận lại tiền đặt cọc.

Đối với trường hợp người trúng đấu giá đã nộp nhiều hơn khoản tiền đặt cọc thì được Nhà nước hoàn trả số tiền chênh lệch nhiều hơn so với số tiền đặt cọc theo quy định.

Công trình condotel được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu

Bên cạnh việc đấu giá đất, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP còn sửa đổi bổ sung Khoản 5, Điều 32 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật về du lịch trên đất thương mại, dịch vụ như sau:

Đối với công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật về du lịch trên đất thương mại, dịch vụ nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng, pháp luật về kinh doanh bất động sản thì được chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ; thời hạn sử dụng đất theo quy định tại Khoản 3, Điều 126, Khoản 1, Điều 128 của Luật Đất đai. Chủ sở hữu công trình xây dựng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng được thực hiện theo quy định. Việc thể hiện thông tin về thửa đất trên Giấy chứng nhận phải đúng mục đích và thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Nghị định có những thay đổi liên quan đến việc cấp sổ đỏ và nhiều quy định khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: cho phép cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ đáp ứng đủ điều kiện...

Khi đăng ký biến động đất đai hoặc cấp đổi, cấp lại sổ đỏ tại địa phương đã thành lập văn phòng đăng ký đất đai thì cho phép văn phòng đăng ký đất đai hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp sổ đỏ. Bên cạnh đó, bổ sung điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất với hộ gia đình, cá nhân.

Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp

Thông tư số 16/2023/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành ngày 17/3 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2021/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8/5.

Thông tư số 16/2023/TT-BTC sửa đổi quy định về "Điều chỉnh vốn điều lệ tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ" như sau:

Với doanh nghiệp đang hoạt động, việc điều chỉnh vốn điều lệ thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, khoản 4 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP và khoản 7 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Với các doanh nghiệp không có nhu cầu bổ sung vốn điều lệ hoặc không lập phương án xác định vốn điều lệ và nguồn đầu tư bổ sung vốn điều lệ quy định tại khoản 7 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm rà soát, quyết định và chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện nộp phần chênh lệch giữa nguồn vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ vào ngân sách nhà nước, việc nộp phần chênh lệch này không làm ảnh hưởng đến khả năng thanh toán và nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày cơ quan đại diện chủ sở hữu ban hành quyết định, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp phần chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ của doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước. Khi doanh nghiệp nộp phần chênh lệch giữa nguồn vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ vào ngân sách nhà nước thì đồng thời hạch toán giảm theo từng thành phần vốn tương ứng thuộc nguồn vốn chủ sở hữu.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT