Loạt công ty chứng khoán lãi đậm từ cho vay margin

Đã hơn 1 năm thị trường mới lại ghi nhận 6 công ty chứng khoán có dư nợ cho vay margin trên 10.000 tỷ đồng tính đến quý III/2023. Top 3 dẫn đầu là Mirae Asset Việt Nam, SSI và TCBS.

Trước khi có nhịp giảm điểm sâu từ đầu tháng 10 tới nay, thị trường chứng khoán có giai đoạn tăng trưởng tích cực cả về điểm số và thanh khoản trong nửa đầu quý III/2023. Dư nợ cho vay ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán cũng tăng mạnh theo nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư, đem lại nguồn thu lớn cho các tổ chức trung gian trên thị trường.

Dù thị trường có thời điểm rung lắc mạnh nhưng lượng dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán tại thời điểm cuối quý III vẫn ghi nhận mức tăng ấn tượng.

Thống kê tính tới cuối quý III/2023, 71 công ty chứng khoán trên thị trường có dư nợ margin đạt 166.993 tỷ đồng, tăng 16.400 tỷ đồng so với cuối quý II, tương đương tăng 11%. So với đầu năm, các công ty chứng khoán cho vay thêm gần 44.500 tỷ đồng, tương đương tăng 36%.

nhung-cong-ty-chung-khoan-lai-dam-tu-cho-vay-margin-trong-quy-iii-2023-1698982414.jpg
Tổng dư nợ cho vay margin tại 71 công ty chứng khoán đạt dư nợ margin đạt 166.993 tỷ đồng tính đến cuối quý III/2023.

Đây cũng là lần đầu tiên sau hơn một năm (từ quý I/2022), thị trường ghi nhận trở lại 6 công ty chứng khoán có dư nợ cho vay trên 10.000 tỷ đồng. VNDirect và HSC đã trở lại danh sách, trong khi Mirae Asset, SSI, TCBS và VPS tiếp tục duy trì mức dư nợ cho vay vạn tỷ.

Cụ thể, top 3 công ty chứng khoán có dư nợ margin lớn nhất tính tới cuối quý III là Mirae Asset Việt Nam với hơn 15.300 tỷ đồng, SSI với 15.200 tỷ đồng và TCBS với 12.800 tỷ đồng. Trong top 10, công ty có dư nợ margin thấp nhất là VCBS chỉ với 5.100 tỷ đồng.

Trong top 10 công ty chứng khoán có dư nợ cho vay lớn nhất thị trường, đa phần các công ty chứng khoán đều ghi nhận dư nợ cho vay tăng trưởng so với cuối quý II. Ngoại trừ Chứng khoán KIS ghi nhận sụt giảm nhẹ, toàn bộ các tên tuổi còn lại đều đã mở rộng quy mô hoạt động cho vay trong quý vừa qua.

Trong đó, VPS, SSI, TCBS, HSC, VNDirect và MBS ghi nhận dư nợ cho vay tăng trên 3.000 tỷ đồng. VPS dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng với gần 4.600 tỷ đồng, tăng 74% so với đầu năm, nâng tổng giá trị margin của công ty này tại thời điểm cuối quý III lên 10.725 tỷ đồng. Tiếp theo là SSI, tăng hơn 4.200 tỷ đồng, tăng 38% so với đầu năm. TCBS tăng hơn 2.600 tỷ đồng để lên mức 12.827 tỷ đồng. 

Top 10 thị phần môi giới cũng ghi nhận lãi từ cho vay và phải thu tăng trưởng tích cực trong quý III. Điển hình như SSI với khoảng 15.000 tỷ đồng cho vay margin, công ty thu về lãi cho vay và phải thu trong kỳ đạt 430,7 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. TCBS thu về 424 tỷ đồng lãi từ các khoản cho vay và phải thu, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá từ các công ty chứng khoán, lãi suất cho vay giảm là một trong những yếu tố thúc đẩy nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính của nhà đầu tư chứng khoán. Cùng với mặt bằng lãi suất cho vay tại ngân hàng đi xuống, các công ty chứng khoán cũng thực hiện điều chỉnh lãi suất cho vay margin đối với khách hàng, hoặc thực hiện các chương trình thúc đẩy sử dụng margin. 

Mặt khác, dù lãi suất cho vay margin đã được điều chỉnh giảm theo xu hướng chung của mặt bằng lãi suất nhưng tại một số công ty chứng khoán vẫn còn duy trì ở mức cao từ 10 - 14%/năm. Điều này cũng giúp các công ty chứng khoán hưởng lợi lớn từ hoạt động cho vay.

VNDirect dự báo, tổng dư nợ cho vay ký quỹ toàn thị trường có thể đạt 155.000 - 180.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2023, tăng 10 - 30% so với mức 140.000 tỷ đồng vào ở thời điểm 30/6/2023.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT