Loạt 'đại bàng' muốn hạ cánh tại tỉnh đất chật người đông vừa gia nhập CLB thu hút FDI tỷ đô
Cuối năm 2023, đầu năm 2024, hàng loạt ông lớn nước ngoài ngỏ ý đầu tư vào tỉnh đất chật người đông này.
Loạt "ông lớn" ngỏ ý đầu tư
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Bình, trong tháng 1/2024, tỉnh đã chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 8 dự án với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm hơn 2.900 tỷ đồng, vốn đầu tư FDI đạt trên 101 triệu USD.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, hàng loạt ông lớn nước ngoài "ngỏ ý" đầu tư vào tỉnh đất chật người đông này. Hồi đầu tháng 2, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã có buổi làm việc với Trung tâm quảng bá Kyushu, Nhật Bản về cơ hội hợp tác đầu tư trên địa bàn tỉnh. Kyushu là đơn vị kết nối xúc tiến đầu tư cho các doanh nghiệp khu vực Kyushu ở miền Nam Nhật Bản vào Việt Nam.
Hiện nay, Trung tâm đang hỗ trợ 3 doanh nghiệp của Nhật Bản có nhu cầu tìm hiểu cơ hội hợp tác tại Thái Bình gồm Tập đoàn Kamichiku chuyên về chăn nuôi và chế biến thực phẩm, CTCP Medmain chuyên về lĩnh vực hỗ trợ dịch vụ y tế và CTCP Nichibe Shokai chuyên về lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa.
Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp của Nhật Bản mong muốn nghiên cứu đầu tư dự án, thành lập pháp nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Thái Bình trong một số lĩnh vực thế mạnh của doanh nghiệp như chăn nuôi, chế biến thực phẩm xuất khẩu, cung cấp dịch vụ y tế công nghệ AI...
Trước đó, hồi tháng 1, Tập đoàn Heraeus (Đức) đã làm việc với Thái Bình và cho biết, qua khảo sát doanh nghiệp đánh giá tỉnh có nhiều yếu tố thuận lợi như vị trí địa lý, mặt bằng công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực, cơ chế hỗ trợ và sự đồng hành, giúp đỡ của chính quyền. Thái Bình có hệ sinh thái tốt để Heraeus nghiên cứu đầu tư nhà máy sản xuất công nghệ cao tại Việt Nam.
Haraeus chuyên nghiên cứu, sản xuất các thiết bị vi điện tử, cơ khí siêu chính xác để cung cấp cho lĩnh vực y tế, phẫu thuật, chỉnh hình. Chiến lược của Heraeus là tiếp tục mở rộng địa bàn đầu tư và có định hướng đưa dự án mới tới Việt Nam.
Cũng trong tháng 1, Thái Bình đã làm việc với một doanh nghiệp nước ngoài khác là Tập đoàn BYD. Tập đoàn này được thành lập năm 1995, có trụ sở đặt tại Thâm Quyến, là một trong những doanh nghiệp sản xuất ô tô điện thuộc top đầu ở Trung Quốc. Theo đó, BYD đang muốn mở rộng thị trường, nghiên cứu đầu tư dự án tại Việt Nam, trong đó Thái Bình là một trong những địa điểm nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu để thực hiện dự án đầu tư.
Trước đó, tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản tổ chức tại Tokyo sáng 16/12/2023, ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình cho liên danh 3 nhà đầu tư: Công ty Tokyo gas, Công ty Điện lực Kyuden của Nhật Bản và Tập đoàn Trường Thành Việt Nam. Đây là dự án có quy mô lớn, với công suất 1.500 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD.
Ngay sau sự kiện, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã liên tiếp có các buổi thăm, làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Marubeni, Tập đoàn Tokyo Gas. Đáng chú ý, Tập đoàn Marubeni - một trong những tập đoàn thương mại đầu tư đa ngành lớn nhất Nhật Bản và Tập đoàn T&T Việt Nam đã ký thỏa thuận về phát triển điện gió ngoài khơi của tỉnh Thái Bình. Trước đó, Marubeni đã tham gia tổng thầu EPC cho 11 dự án tại Việt Nam bao gồm nhiệt điện Thái Bình 1. Lần này, đại diện doanh nghiệp từ Nhật Bản cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện dự án và mong sẽ nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ từ lãnh đạo tỉnh để hiện thực hóa dự án.
Vào đầu tháng 12/2023, tại hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Thái Bình - Hàn Quốc, tỉnh Thái Bình đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Hitejinro đầu tư dự án tại khu công nghiệp Liên Hà Thái (Thái Thụy), tổng vốn đầu tư 100 triệu USD; Công ty HuM&C đầu tư dự án tại khu công nghiệp Tiền Hải (Tiền Hải), tổng vốn đầu tư 6 triệu USD; Công ty TNHH SH TECH đầu tư dự án tại cụm công nghiệp Vũ Hội (Vũ Thư), tổng vốn đầu tư 3,5 triệu USD.
Tỉnh "đất chật người đông" lần đầu gia nhập nhóm tỷ đô về thu hút vốn FDI
Với quy mô 67,71km2, Thái Bình có diện tích nhỏ thứ 10 cả nước, chiếm 0,5% diện tích Việt Nam. Tuy nhiên về dân số, Thái Bình xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; chiếm 1,9% dân số cả nước và có mật độ dân số gấp 4 lần trung bình cả nước.
Những năm qua, Thái Bình được đánh giá là tỉnh năng động, có nhiều tiềm năng khác biệt, có lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư,… Năm 2023, Thái Bình chứng kiến làn sóng thu hút đầu tư chưa từng có trong lịch sử với tổng vốn đăng ký của các dự án đạt hơn 98.200 tỷ đồng, gấp 4,6 lần so với năm 2022. Trong đó thu hút vốn FDI đạt cao nhất từ trước đến nay, xếp trong tốp 5 toàn quốc với tổng nguồn vốn đạt gần 3 tỷ USD. Với mức này, Thái Bình lần đầu gia nhập nhóm tỷ đô về thu hút vốn FDI.
Với hệ thống giao thông kết nối thuận lợi, Thái Bình đã xây dựng 10 khu công nghiệp, 49 cụm công nghiệp. Đặc biệt là Khu kinh tế Thái Bình có diện tích trên 30.500ha gồm 22 khu công nghiệp cùng với các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ và của tỉnh luôn sẵn sàng chào đón nhà đầu tư. Một số KCN lớn như Khu công nghiệp Liên Hà Thái, Khu công nghiệp Hải Long, Khu công nghiệp VSIP Thái Bình... đã và đang trở thành "cứ điểm" thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đáng chú ý, theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh sẽ tập trung đầu tư và phát triển mạnh hệ thống cụm công nghiệp, khu du lịch và xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm logistics của vùng đồng bằng sông Hồng.
Cụ thể, tỉnh sẽ phát triển 67 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 4.198ha, phân bố tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Hình thành một số cụm công nghiệp chuyên ngành và cụm công nghiệp sản xuất theo hướng liên kết ngành, liên kết vùng trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, hình thành khu nghiên cứu đào tạo tại huyện Quỳnh Phụ có quy mô khoảng 1.000ha theo hướng trở thành một trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học của vùng và cả nước.
Đến năm 2030, Thái Bình phấn đấu thành lập ít nhất 6 trung tâm dịch vụ logistics tại thành phố Thái Bình và các huyện: Thái Thụy, Tiền Hải, Hưng Hà, Kiến Xương, Quỳnh Phụ phục vụ phát triển kinh tế.