Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Loạt đại gia tiền mặt mang nghìn tỷ đi gửi ngân hàng lấy lãi

Phạm Thị Tâm

Trong khi nhiều doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền thì không ít "đại gia" tiền mặt hiện đang gửi từ vài nghìn đến chục nghìn tỷ đồng tại ngân hàng lấy lãi.

loat-dai-gia-tien-mat-mang-nghin-ty-di-gui-ngan-hang-lay-lai-antt-1684123781.JPG
Không ít doanh nghiệp hiện đang gửi từ vài nghìn đến chục nghìn tỷ đồng tại ngân hàng lấy lãi. Ảnh minh họa

PTSC

Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, MCK: PVS, sàn HNX) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 với doanh thu thuần đạt 3.703 tỷ đồng. 

Khấu trừ đi các khoản chi phí, PVS ghi nhận lãi trước thuế 266,8 tỷ đồng và lãi sau thuế 227,5 tỷ đồng trong quý I/2023, lần lượt giảm 14,3% và 9,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo giải trình của PVS, lợi nhuận quý I/2023 giảm so với quý I/2022 do trong quý đầu năm 2022 có phát sinh thu nhập từ thanh lý tài sản cố định.

Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản giảm nhẹ so với hồi đầu năm, đạt 25.634,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, số tiền mà PTSC đang gửi ở ngân hàng tổng cộng lên tới 10.196 tỷ đồng; trong đó: tiền gửi ngân hàng (bao gồm cả ngoại tệ) có giá trị 3.654 tỷ đồng, các khoản tương đương tiền (được doanh nghiệp giải thích là các khoản tiền gửi bằng VND có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng tại các ngân hàng thương mại với lãi suất bình quân từ 3,1% đến 6,3%/năm) là 1.607 tỷ đồng và 4.925 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn dưới hình thức đầu tư tài chính ngắn hạn (kỳ hạn còn lại không quá 12 tháng tại ngân hàng thương mại với lãi suất là 4,1% đến 10,3%/năm).

Tổng nợ phải trả ở mức 12.494 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn là 8.568 tỷ đồng và nợ dài hạn là 3.926 tỷ đồng.

Hòa Phát

Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (MCK: HPG, sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 với doanh thu 26.865 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ 2022. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 383 tỷ đồng. Lĩnh vực sản xuất thép và sản phẩm liên quan vẫn là chủ lực đóng góp 94% lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn.

Năm 2023, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 150.000 tỷ đồng tăng 6% và lợi nhuận sau thuế dự kiến 8.000 tỷ đồng giảm 5% so với thực hiện năm 2022.

loat-dai-gia-tien-mat-mang-nghin-ty-di-gui-ngan-hang-lay-lai-antt-2-1684123918.JPG
 

Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long mới thực hiện được gần 5% mục tiêu lợi nhuận.

Đáng chú ý, theo báo cáo tài chính quý I/2023, tính đến hết ngày 31/3/2023, khoản tiền và tương đương tiền của HPG lên đến 7.868 tỷ đồng; trong đó, tiền mặt và tiền gửi ngân hàng khoảng gần 2.278 tỷ đồng.

Đặc biệt, khoản tiền đầu tư đến ngày đáo hạn của Hòa Phát lên đến 27.421 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Khoản tiền này là tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại.

Như vậy, tổng cộng, Hòa Phát đang gửi ngân hàng hơn 29.600 tỷ đồng.

MVN

Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (MCK: MVN, UPCoM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 với các chỉ số đều "đi lùi" so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2023, VIMC ghi nhận doanh thu đạt hơn 2.849 tỷ đồng, giảm hơn 12% so với quý I/2022. Lợi nhuận sau thuế ở mức hơn 396 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của VIMC tăng 31%, đạt 114 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là lãi tiền gửi, tiền cho vay.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023, tính tới ngày 31/3/2023, tiền mặt của MVN ở mức hơn 1.364 tỷ đồng, khoản tương đương tiền là hơn 790 tỷ đồng. Các khoản tiền này được MVN gửi kỳ hạn từ 1- 3 tháng tại các ngân hàng thương mại.

Ngoài ra, MVN còn có khoản đầu tư tài chính đến ngày đáo hạn ở mức gần 6.605 tỷ đồng. Theo MVN, khoản tiền này được gửi tại các ngân hàng thương mại với các kỳ hạn từ 6- 12 tháng.

Bạch Hiền (t/h)