Loạt doanh nghiệp bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Nhiều doanh nghiệp mới công bố BCTC bán niên 2024 đã soát xét, tuy nhiên bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.

Đầu tư LDG

CTCP Đầu tư LDG (MCK: LDG, sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024 (đã kiểm toán) với doanh thu thuần bán niên 2024 vẫn giữ nguyên sau soát xét, ở mức âm 149 tỷ đồng.

Khấu trừ các khoản thuế, phí, LDG lỗ ròng 396,16 tỷ đồng, trong khi ở báo cáo tự lập là lỗ 296,11 tỷ đồng.

LDG cho biết thêm, nguyên nhân tăng lỗ tại báo cáo tài chính riêng là do đơn vị kiểm toán hiện hành đã thực hiện điều chỉnh trích lập bổ sung thêm dự phòng phải thu khó đòi và dự phòng đầu tư tài chính so với báo cáo tài chính riêng quý II/2024.

Đối với việc kiểm toán nhấn mạnh về Dự án Khu dân cư Tân Thịnh với số dư tại thời điểm 30/6/2024 là 516,86 tỷ đồng, LDG cam kết hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản và xây dựng căn cứ theo kết luận thanh tra ngày 23/3/2023 về việc thanh tra toàn diện dự án Khu dân cư Tân Thịnh để tiếp tục triển khai hoàn thành dự án.

Cũng liên quan đến dự án Tân Thịnh, ông Nguyễn Khánh Hưng- cựu Chủ tịch HĐQT Đầu tư LDG đang bị khởi tố và tạm giam để phục vụ việc điều tra về hành vi "lừa dối khách hàng". Đến ngày 11/4/2024, Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục khởi tố ông Nguyễn Quốc Vy Liêm- cựu Phó Tổng Giám đốc LDG, cũng về hành vi trên.

"Đến ngày lập Báo cáo tài chính hợp nhất, Đầu tư LDG vẫn đang chờ kết luận của cơ quan chức năng và chưa có cơ sở để đánh giá các ảnh hưởng (nếu có) của vụ việc trên đến hoạt động kinh doanh của Đầu tư LDG", đơn vị kiểm toán nhấn mạnh.

Tuy nhiên, phía LDG cho biết vụ việc trên không làm thay đổi/ảnh hưởng đến kế hoạch, chiến lược, hoạt động kinh doanh và đầu tư của công ty. LDG cam kết nỗ lực tối đa để ổn định mọi hoạt động kinh doanh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, cổ đông, đối tác...

Cũng tại BCTC kiểm toán vừa công bố, đơn vị kiểm toán cho biết cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Đầu tư LDG.

LDG cho biết đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, kế hoạch để giải quyết các vấn đề về dòng tiền.

Loạt doanh nghiệp bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Xây dựng Hòa Bình

CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (MCK: HBC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2024 với doanh thu đạt 3.812 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khấu trừ thuế phí, HBC đạt lợi nhuận sau thuế 830 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ còn lỗ 713 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tại BCTC hợp nhất đã soát xét còn cao hơn mức 741 tỷ đồng tại báo cáo tự lập.

Lãi lớn trong nửa đầu năm nhưng tại thời điểm 30/6/2024, Xây dựng Hòa Bình vẫn còn khoản lỗ lũy kế 2.403 tỷ đồng. Cùng với một số khoản nợ quá hạn, kiểm toán viên của Công ty TNHH Kiểm toán AFC Việt Nam đưa ra nhận định: "Những dấu hiệu này cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Xây dựng Hoà Bình".

Đáng chú ý, theo quyết định của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), cổ phiếu HBC bị huỷ niêm yết bắt buộc từ ngày 6/9 tới đây. Hơn 347,2 triệu cổ phiếu HBC sẽ đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM từ ngày 10/9.

Lý do hủy niêm yết là do Xây dựng Hòa Bình có tổng lỗ luỹ kế tại thời điểm cuối năm 2023 vượt quá số vốn điều lệ thực góp, thuộc trường hợp chứng khoán bị huỷ niêm yết bắt buộc theo quy định.

HAGL

Mới đây Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, MCK: HAG) đã công bố BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2024.

Theo đơn vị kiểm toán Ernst & Young Việt Nam, khoản lỗ lũy kế 957 tỷ đồng và tại ngày 30/6/2024, đồng thời, nợ ngắn hạn của công ty vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền hơn 350 tỷ đồng là vấn đề cần chú ý.

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng nợ phải trả của HAGL là 12.750 tỷ đồng, giảm 1.475 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn là hơn 9.058 tỷ đồng, lớn hơn tài sản ngắn hạn (8.707 tỷ đồng). Cơ cấu nợ phải trả bao gồm dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn là 3.951 tỷ đồng và dài hạn là 2.981 tỷ đồng, tổng cộng gần 7.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, HAGL cũng đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng trái phiếu và chưa thanh toán các khoản nợ gốc, lãi của các khoản vay trái phiếu đến hạn. Đến 30/6, công ty chưa thanh toán hơn 789 tỷ đồng nợ gốc, 7,7 tỷ đồng lãi vay, và khoảng 3.277 tỷ đồng lãi trái phiếu đến hạn, do chưa thu được khoản nợ từ HNG.

Do đó, kiểm toán nhấn mạnh "sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu, có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn".

Giải trình về những vấn đề được kiểm toán nhấn mạnh, HAGL cho rằng công ty đã HAGL đã lập kế hoạch kinh doanh cho 12 tháng tiếp.

Kế hoạch này gồm dòng tiền dự kiến được tạo ra từ việc thanh lý một phần khoản đầu tư tài chính, thanh lý tài sản, thu hồi các khoản cho vay từ đối tác, vay vốn từ ngân hàng và khai thác dòng tiền từ các dự án đang triển khai. HAGL kỳ vọng các biện pháp này sẽ giúp công ty trả các khoản nợ đến hạn và tiếp tục hoạt động trong 12 tháng tiếp theo.

"Hoạt động kinh doanh từ heo và chuối đang tiếp tục tạo ra nguồn tiền lớn trong năm 2024", văn bản của HAGL nêu.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT