Loạt doanh nghiệp của các đại gia nức tiếng bị ngân hàng siết nợ
Trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp liên quan đến các đại gia nổi tiếng đã bị ngân hàng bán nợ, phát mại tài sản thế chấp.
Công ty Lắp máy Miền Nam (Đại gia Huy "máy nổ")
Agribank Chi nhánh Nam Đà Nẵng mới đây đã thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lắp máy Miền Nam (Công ty Lắp máy Miền Nam).
Toàn bộ khoản nợ có giá trị ghi sổ tại thời điểm 29/6/2023 được quy đổi theo tỷ giá 23.690 VND/USD là hơn 355 tỷ đồng. Theo thông tin chúng tôi có được, khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lắp máy Miền Nam tại Agribank đã rơi vào nhóm nợ xấu.
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất rộng hơn 2.293 m2 tại địa chỉ 404 Điện Biên Phủ, tổ 6, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Đây là khu nhà cổ trị giá hơn 650 tỷ đồng nổi tiếng tại TP Đà Nẵng với tên gọi Không Gian Xưa.
Ngoài ra, tài sản thế chấp còn có nhiều động sản và bất động sản của Công ty Lắp máy Miền Nam.
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lắp máy Miền Nam được thành lập vào tháng 6/2001, có địa chỉ tại đường số 10, KCN Hòa Khánh, phường Hoà Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Ngành nghề kinh doanh chính là lắp đặt máy móc và thiết bị công nghiệp. Tại thời điểm đăng ký thay đổi hồi tháng 7/2016, doanh nghiệp có vốn điều lệ hơn 328 tỷ đồng, trong đó ông Lê Bá Huy (giám đốc kiêm người đại diện pháp luật) sở hữu gần 99,2%, còn lại là ông Mai Tiến Dũng sở hữu.
Ông Lê Bá Huy, được biết đến với biệt danh Huy "máy nổ" bởi ông này khởi nghiệp và thành danh bắt đầu từ nghề buôn bán máy nổ. Thành công trong lĩnh vực lắp máy tạo nền tảng vững chắc để doanh nhân này "lấn sân" sang các ngành nghề kinh doanh khác. Trong giai đoạn 2004-2007, ông cho làm khách sạn Samdi Hotel và nhà hàng cùng tên, chính thức cho ra mắt thương hiệu SamdiGroup - hoạt động đa ngành trong các lĩnh nhà hàng-khách sạn và du lịch văn hóa.
Marina Hotel (Chủ tịch Lã Quang Bình)
VietinBank và Agribank trong thời gian gần đây cũng liên tục rao bán các khoản nợ "khủng" của Công ty cổ phần Khách sạn Bến Du Thuyền (Marina Hotel) – chủ đầu tư dự án Trung tâm Bến du thuyền Hoàng Gia (Swisstouches La Luna Resort) tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của doanh nghiệp này là quyền sử dụng đất và tài sản đấu giá gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc Dự án "Trung tâm Bến Du Thuyền Hoàng Gia" tại Khu đô thị Vĩnh Hòa, phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang.
Công ty Marina Hotel được thành lập tháng 11/2016 do ông Lã Quang Bình – một trong những đại gia có tiếng trong lĩnh vực bất động sản - đảm nhiệm đảm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT. Marina Hotel được biết đến là doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: bất động sản, dịch vụ du lịch, bưu chính viễn thông, thương mại điện tử, xây dựng công trình điện tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Các dự án, công trình được Marina Hotel xây dựng, vận hành và quản lý trong lĩnh vực khách sạn, nghỉ dưỡng gồm: Cao ốc Peridot (TP HCM), khu khách sạn du lịch nghỉ dưỡng Điện lực (Ninh Thuận), Công viên nước Cần Thơ, Khu dân cư Hoàng Tâm 1 (Cà Mau)…
Ngoài Marina Hotel, ông Lã Quang Bình còn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn LALUNA hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản. Ông Bình cũng đảm nhận vị trí lãnh đạo cao nhất tại CTCP Giải pháp thanh toán Điện lực và Viễn thông (ECPay) được thành lập theo Nghị quyết 292/NQ-HĐQT của tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) ngày 7/5/2010 với nhiệm vụ ban đầu là xây dựng và quản lý cổng thanh toán tiền điện tập trung của EVN.
Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị phối hợp rà soát tài sản của các tổ chức, cá nhân liên quan phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ án hình sự " Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự " xảy ra tại 2 chi nhánh ngân hàng ở thành phố Hà Nội. Trong các cá nhân và tổ chức này có ông Lã Quang Bình.
Tập đoàn FLC (Cựu Chủ tịch Trinh Văn Quyết)
Mới đây, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã thông báo đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC để thu hồi nợ. Theo đó, ngân hàng này rao bán 84 căn biệt thự thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái FLC, phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn, Thanh Hóa (Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn - FLC Sầm Sơn Golf Links).
Toàn bộ 84 căn biệt thự nói trên sẽ được bán chung, không bán riêng lẻ. Giá khởi điểm gần 550 tỷ đồng, thấp hơn so với giá khởi điểm 610 tỷ đồng được đưa ra vào đầu tháng 9.
Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa có quy mô 300 ha và tổng mức đầu tư 12.088 tỷ đồng. Dự án do CTCP Tập đoàn FLC phát triển, được khởi công vào tháng 5/2014 và chính thức vận hành vào tháng 7/2015.
Về Tập đoàn FLC, đây là một doanh nghiệp bất động sản lớn tại Việt Nam gắn liền với tên tuổi ông Trịnh Văn Quyết. Ông Quyết từng là một trong những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Ngày 29/3/2022, cựu chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt với cáo buộc "thao túng" và "che giấu thông tin chứng khoán". Trong vụ án này, ông và đồng phạm bị cáo buộc thao túng 5 mã chứng khoán (ROS, AMD, HAI, GAB, FLC, ART) thu lời 732 tỷ đồng và chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng bằng chiêu tăng vốn điều lệ khống.
Tân Hoàng Minh (Chủ tịch Đỗ Anh Dũng)
Những tháng gần đây, Agribank cũng liên tục rao bán các khoản nợ liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Trong đó, Agribank chi nhánh Tràng An đăng bán các khoản nợ của 7 doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tân Hoàng Minh với tổng dư nợ gần 500 tỷ đồng. Nhiều khoản nợ trong số này đã được rao bán tới lần thứ 4, thứ 5.
Các khoản nợ này có tài sản đảm bảo là các bất động sản thuộc Khu du lịch Thiên Bảo Phú Quốc và Khu du lịch phức hợp Hoàng Hải. Đây là Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng này do Tập đoàn Tân Hoàng Minh là chủ đầu tư, được khởi công chính thức vào cuối 2021 với tổng mức đầu tư 24.000 tỷ đồng.
Tân Hoàng Minh là một tập đoàn danh tiếng trong lĩnh vực bất động sản Việt Nam, do ông Đỗ Anh Dũng sáng lập và giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Ngày 5/4/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Đỗ Anh Dũng. Ông Dũng bị điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mới đây ngày 22/11, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố ông Đỗ Anh Dũng (chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Con trai ông Dũng là Đỗ Hoàng Việt (Phó Tổng giám đốc Tân Hoàng Minh) và 13 người khác cũng bị truy tố cùng tội danh trên.
Cơ quan truy tố cáo buộc ông Dũng cùng các đồng phạm bàn bạc, lên kế hoạch, thực hiện các phương án gian dối trong phát hành trái phiếu và chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của các nhà đầu tư lên đến hơn 8.600 tỷ đồng của 6.630 khách hàng. Theo cáo trạng, số tiền huy động được từ việc gian dối phát hành trái phiếu đã bị chủ tịch Tân Hoàng Minh sử dụng gần hết không đúng mục đích, như dùng hơn 5.100 tỷ đồng trả cho nhà đầu tư đến hạn trước,...
Trong quá trình điều tra đến nay, ông Dũng đã nộp lại và Bộ Công an thu hồi tổng cộng hơn 8.600 tỷ đồng, khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án. Chủ tịch Tân Hoàng Minh được cơ quan tố tụng đánh giá đã thành khẩn khai báo, khai nhận hành vi phạm tội, có đơn đề nghị và tích cực phối hợp khắc phục hậu quả trong vụ án.
Công ty Võ Thị Thu Hà (đại gia buôn gạo Võ Thị Thu Hà)
VietinBank đang tiến hành các thủ tục để đấu giá công khai khoản nợ của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà (Công ty Võ Thị Thu Hà) để thu hồi nợ. Tổng giá trị khoản nợ tạm tính đến hết ngày 31/10/2023 là hơn 1.494 tỷ đồng (trong đó dư nợ gốc 567,4 tỷ đồng, nợ lãi trong hạn 623,8 tỷ đồng, lãi phạt quá hạn 303 tỷ đồng).
Đảm bảo cho nghĩa vụ nợ hiện tại là các tài sản theo các Hợp đồng thế chấp còn hiệu lực gồm: 5 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Khu phố 1, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; 4 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại phường Tân An, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; 4 kho, công trình xây dựng, máy móc thiết bị tại tỉnh Đồng Tháp; hàng hóa thế chấp theo các hợp đồng thế chấp dựa trên hợp đồng mua bán, hóa đơn, phiếu nhập kho.
Công ty Võ Thị Thu Hà được bà Võ Thị Thu Hà thành lập năm 2011, từng là điểm sáng trong mô hình phát triển cánh đồng liên kết. Giai đoạn 2011-2015, doanh nghiệp này cùng lúc liên kết với hàng chục HTX ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong việc tiêu thụ nông sản cho nông dân. Công ty còn hỗ trợ 20% chi phí về giống và vật tư nông nghiệp cho người nông dân thông qua các HTX.
Công ty này cũng trực tiếp thu mua tại đồng ruộng, cân lúa và thanh toán tiền mặt cho bà con nông dân và phối hợp với các HTX hỗ trợ và định hướng cho bà con nông dân đi lên sản xuất lớn, ổn định, nâng cao chuỗi giá trị của lúa gạo, giảm chi phí trung gian.
Với những hoạt động trên, doanh nghiệp này từng được biết đến là cơ sở cung ứng và xuất khẩu gạo được coi là đình đám nhất ở khu vực ở thời điểm đó.
Tuy nhiên, sau đó bà Võ Thị Thu Hà (Giám đốc công ty) đã bị khởi tố và bắt giữ vào tháng 7/2016 do liên quan đến vụ án ở Công ty lương thực Hậu Giang (Hậu Giang food), thuộc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2).