Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Loạt doanh nghiệp là 'đại gia' tiền mặt, 'ôm' hàng nghìn tỷ gửi ngân hàng

Phạm Thị Tâm

Nhiều doanh nghiệp hiện đang sở hữu lượng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng lên đến cả tỷ USD, mang về nguồn lãi không hề nhỏ.

loat-doanh-nghiep-la-dai-gia-tien-mat-om-hang-cnghin-ty-gui-ngan-hang-antt-1690969974.PNG
Nhiều doanh nghiệp hiện đang sở hữu lượng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng lên đến cả tỷ USD. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa có "động lực" để bứt phá trở lại, nhiều doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt tương đối "khủng" lựa chọn phương án gửi ngân hàng và nhận về nguồn lãi không hề nhỏ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG), doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần xấp xỉ 29.500 tỷ đồng, nhưng chỉ lãi ròng vỏn vẹn 17,4 tỷ đồng - mức lợi nhuận thấp nhất từ trước đến nay của "ông lớn" ngành bán lẻ này.

Tuy nhiên, tính tới cuối tháng 6/2023, lượng tiền mặt và gửi ngân hàng của doanh nghiệp này tăng mạnh lên mức 24.400 tỷ đồng. Đây là giai đoạn doanh nghiệp bán lẻ điện máy giữ lượng tiền mặt nhiều kỷ lục.

Trong số đó, MWG mang gần 20.980 tỷ đồng đi gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn để hưởng lãi suất, tăng gấp đôi so với đầu năm.

Trong nửa đầu năm 2023, Thế Giới Di Động có doanh thu hoạt động tài chính ở mức gần 945 tỷ đồng, gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước; trong đó phần lớn đến từ tiền lãi gửi ngân hàng.

Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (MCK: BSR) cũng là doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt gửi ngân hàng lớn với 29.229 tỷ đồng, tăng 17% so với thời điểm đầu năm và chiếm hơn 39% tổng tài sản.

Trong nửa đầu năm 2023, số tiền gửi này đã mang về cho Lọc hóa dầu Bình Sơn hơn 762 tỷ đồng, tương ứng mỗi ngày nhận gần 3 tỷ đồng tiền lãi.

Lãi từ tiền gửi ngân hàng là một trong những yếu tố giúp cho Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM, MCK: VEA) sụt giảm doanh thu nhưng vẫn có mức lợi nhuận quý II/2023 tăng so với cùng kỳ năm trước.

Theo BCTC hợp nhất quý II/2023, VEAM báo doanh thu thuần ở mức 974 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 1.808 tỷ đồng, tăng nhẹ 4%.

Đáng chú ý, trong kỳ, doanh thu tài chính (chủ yếu lãi tiền gửi ngân hàng) của VEAM đạt 295 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, lợi nhuận của VEAM chủ yếu đến từ công ty liên doanh, liên kết khi đem về 1.570 tỷ đồng.

Tính tới cuối quý II/2023, VEAM có tổng cộng 15.280 tỷ đồng tiền và tiền gửi ngân hàng, trong đó tiền gửi có kỳ hạn và dài hạn là 14.993 tỷ đồng, tăng hơn 2.400 tỷ đồng so với đầu năm.

Tổng tiền mặt và gửi ngân hàng tới cuối quý II/2023 của Tập đoàn FPT lên tới 26.688 tỷ đồng, chiếm khoảng 44% tổng tài sản; tăng gấp rưỡi so với cuối quý trước đó. Lượng tiền này mang về cho FPT hơn 753 tỷ đồng tiền lãi trong nửa đầu năm.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác cũng ghi nhận khối lượng tiền mặt, tiền gửi tăng mạnh trong nửa đầu năm, như Tổng Công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (17.815 tỷ đồng), Công ty CP Hàng không VietJet (2.165 tỷ đồng); Tập đoàn Hòa Phát - HPG (36.100 tỷ đồng), Sabeco (22.381 tỷ đồng); Vinamilk (20.650 tỷ đồng); ...

Bạch Hiền (t/h)