Loạt doanh nghiệp ngành điện báo lỗ từ hàng trăm đến nghìn tỷ đồng

Báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp sản xuất điện cho thấy, trong năm 2022 các doanh nghiệp này kinh doanh đi xuống, thậm chí có những doanh nghiệp lỗ gần nghìn tỷ đồng.

loat-doanh-nghiep-nganh-dien-bao-lo-co-noi-con-am-gan-nghin-ty-dong-antt-1681354180.jpg
Loạt doanh nghiệp ngành điện báo lỗ, có nơi còn âm gần nghìn tỷ đồng. Ảnh minh họa.

Dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ghi nhận, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện đã công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2022. Báo cáo tài chính của các công ty này cho thấy, lĩnh vực kinh doanh điện trong năm 2022 có hướng giảm mạnh so với năm trước.

Đầu tiên có thể nói tới bộ 3 cái tên CTCP Ea Súp 1, CTCP Ea Súp 5 và CTCP Ea Súp 3. Đây là nhóm doanh nghiệp trong hệ sinh thái điện mặt trời của Xuân Thiện Group hoạt động tại tỉnh Đắk Lắk. Đáng chú ý, cả 3 doanh nghiệp này đều thông báo lợi nhuận sau thuế của mình thấp hơn năm trước rất nhiều. Trong đó, Ea Súp 1 và Ea Súp 5 công bố lợi nhuận sau thuế lần lượt chỉ bằng 20% và 1,6% so với kỳ báo cáo trước ở con số 10.6 tỷ đồng và 551 triệu đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của 2 doanh nghiệp trên giảm gấp nhiều lần. Ea Súp 1 chỉ còn 1,32% so với 5,55% ở kỳ trước, tương tự Ea Súp 5 có chỉ số ROE cũng giảm mạnh từ 3,11% kỳ trước đến nay còn 0,05%.

Còn tại Ea Súp 3, vượt qua cả 2 người anh em của mình, công ty này thậm chí còn ghi nhận trong báo cáo về tình hình tài chính có lợi nhuận sau thuế là số âm. Cụ thể, nếu như kỳ báo cáo trước Ea Súp 3 lãi ròng 31,4 tỷ đồng thì sang kỳ báo cáo năm 2022, con số đó đã tụt xuống mức lỗ gần 3 tỷ đồng. Đương nhiên đi kèm với đó, tỷ suất ROE cũng ghi nhận ở mức âm 0,05% giảm 12 lần so với kỳ báo cáo trước.

Một doanh nghiệp khác trong ngành điện và ở tỉnh Đắk Lắk là CTCP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 thậm chí xuất hiện mức lỗ sau thuế kỷ lục. Doanh nghiệp này có lợi nhuận sau thuế âm tới 858,9 tỷ đồng, trong kỳ trước ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế đạt mức 1,4 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp giảm mạnh gần 1.000 tỷ đồng, tương đương giảm 23% so với năm 2021. 

CTCP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 đang có nợ phải trả gần 12.123 tỷ đồng, gấp 4,12 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, dư nợ trái phiếu lên tới 9.798 tỷ đồng gấp 3,33 lần vốn chủ sở hữu. Trước đó chỉ trong năm 2021, theo thông tin từ HNX, doanh nghiệp này đã huy động thành công 9 lô trái phiếu với tổng giá trị lên tới 10.000 tỷ đồng. Công ty này từng phải thế chấp toàn bộ máy móc, thiết bị thuộc Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam tại xã Ea Nam, xã Ea Khal, xã Dlie Yang, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk cho khoản tín dụng của mình.

Tuy nhiên, bên cạnh "bức tranh u ám" từ những doanh nghiệp điện tới từ miền trung, có 2 doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực tại miền bắc công bố tình hình kinh doanh trong 1 tháng trở lại đây có phần tích cực hơn.

Đơn cử một cái tên đến từ Hà Nội, Tổng công ty Điện lực TKV-CTCP ghi nhận mức lãi ròng của công ty mẹ tăng gần 40% so với cùng kỳ, đạt mức 776 tỷ đồng. Thế nhưng trong báo cáo hợp nhất, lợi nhuận sau thuế của Điện lực TKV lại thấp hơn so với cùng kỳ khi đạt mức 778 tỷ trong năm 2022, năm 2021 đạt 907 tỷ đồng.

Trong báo cáo hợp nhất, vốn chủ sở hữu tăng mạnh từ 7.783 tỷ đồng lên 8.121 tỷ đồng. Nợ phải trả và dư nợ trái phiếu của công ty này đều có xu hướng giảm so với kỳ trước khi tỷ số trên vốn chủ sở hữu lần lượt chỉ còn 1,05% và 0,03% trong khi cùng kỳ lần lượt là 1,41% và 0,04%.

Bên cạnh đó, CTCP Năng lượng Bắc Hà trong năm 2022 cũng có lợi nhuận sau thuế tăng tích cực, tăng trưởng 37% so với cùng kỳ, đạt mức 111,9 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng thêm 64 tỷ đồng so với cùng kỳ lên tới 720 tỷ đồng.

Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã công bố lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng trong năm 2022. Theo đó, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện các năm 2021 là 419.031 tỷ đồng; năm 2022 là 493.265 tỷ đồng (bao gồm tất cả các khâu). Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,90 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020; giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng /kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.

Thế nhưng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2022 là 1.882,73 đồng/kWh, tăng 1,46% so với năm 2021. Điều đó phần nào khiến cho kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294,15 tỷ đồng.

Nhờ thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058,36 tỉ đồng đã giúp giảm lỗ cho EVN còn 26.235,78 tỷ đồng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT