Loạt doanh nghiệp niêm yết tham vọng lấn sân sang bất động sản

Bất chấp những dự báo kém khả quan về sự phục hồi của thị trường địa ốc trong năm 2024, nhiều doanh nghiệp niêm yết vẫn quyết định lấn sân sang lĩnh vực bất động sản.

Nổi bật là Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG, sàn HoSE) hồi cuối tháng 12/2023 thông qua nghị quyết góp vốn với tỷ lệ 40% để thành lập CTCP Hoa Sen Sài Gòn. 60% vốn còn lại từ các cổ đông sáng lập khác.

Hoa Sen Sài Gòn được giới thiệu sẽ hướng tới việc đầu tư các bất động sản trị giá 1.000 - 3.000 tỷ đồng để phát triển dự án văn phòng - trung tâm thương mại - nhà ở. Từ đó, có thể sử dụng làm văn phòng cho HSG hoặc cho thuê cũng như chuyển nhượng.

Theo công bố, “ông lớn” ngành tôn mạ này sẽ bắt đầu góp vốn vào Hoa Sen Sài Gòn từ tháng 1/2024 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Nếu các cổ đông khác chưa kịp thu xếp vốn để đầu tư cho dự án, HSG sẽ tạm ứng kinh phí và/hoặc bảo lãnh cho các khoản vay của cổ đông ở ngân hàng.

loat-doanh-nghiep-niem-yet-tham-vong-lan-san-sang-bat-dong-san-1707883049.jpg
Tôn Hoa Sen góp vốn thành lập công ty bất động sản

"Sau khi góp vốn thành lập công ty mới, nếu diễn biến thị trường thay đổi hoặc Tập đoàn có nhu cầu thu hồi vốn đầu tư thì Hoa Sen sẽ chuyển nhượng lại phần vốn góp của mình cho các cổ đông hiện hữu của CTCP Hoa Sen Sài Gòn, với giá trị chuyển nhượng bằng giá trị ban đầu, cộng với khoản lãi tính theo lãi suất bình quân liên ngân hàng tại thời điểm chuyển nhượng" - HSG cho biết trong nghị quyết.

Ngay cả "vua tôm” Minh Phú (mã MPC) cũng gây bất ngờ khi tuyên bố lấn sân sang mảng bất động sản. Tại ĐHĐCĐ bất thường cuối tháng 12/2023 đã bổ sung ngành nghề “kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê” vào danh sách các ngành nghề kinh doanh của mình.

Trước đó vào tháng 11/2023, MPC đã phê duyệt thực hiện dự án nhà ở xã hội 17,67ha tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Trong đó phần lớn là đất ở 9.47ha, đất chung cư và NOXH 7,58ha, đất giao thông bộ 4,91ha. 

Tổng vốn đầu tư gần 633 tỷ đồng, trong đó gồm hơn 619 tỷ đồng chi phí thực hiện, còn lại là chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng. Quy mô dân số 3.200 - 3.800 người.

Dự án có thời gian hoạt động 49 năm, tiến độ thực hiện tối đa 60 tháng. MPC cho biết, mục tiêu đầu tư nhằm khai thác quỹ đất để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh dự án NOXH theo quy hoạch được phê duyệt; tạo thêm quỹ NOXH để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng chính sách hỗ trợ về NOXH tại Cà Mau theo quy định pháp luật.

Hay như CTCP TCO Holdings (mã: TCO) là doanh nghiệp vận tải cũng muốn lấn sân bất động sản. Cụ thể, ĐHĐCĐ bất thường ngày 18/11/2023 của TCO đã thông qua việc tái cấu trúc toàn diện, gồm việc đổi tên và chuyển hướng hoạt động. Qua đó, doanh nghiệp sẽ tập trung phát triển 3 lĩnh vực gồm: vận tải, logistics; nông nghiệp, thực phẩm và các ngành phụ trợ; đặc biệt là bất động sản và đầu tư.

Đối với bất động sản và đầu tư, TCO định hướng mở rộng sang phát triển bất động sản công nghiệp và bất động sản nông nghiệp và thực hiện các thương vụ M&A có tiềm năng. 

Bước triển khai đầu tiên trong định hướng chuyển đổi ngành nghề của công ty này là ngày 6/12/2023, HĐQT TCO quyết định thành lập 3 công ty con với tỷ lệ sở hữu 99,95%, lần lượt là CTCP TCO Agri (vốn điều lệ 101,71 tỷ đồng) với hoạt động chính là bán buôn gạo, nông sản; CTCP TCO Real Estate (98,72 tỷ đồng) chuyên kinh doanh bất động sản; CTCP TCO Logistics (116,72 tỷ đồng) chuyên logistics.

Mặt khác, một số doanh nghiệp chuyên thi công, lắp đặt công trình cũng muốn tận dụng sức mạnh để chuyển hướng kinh doanh bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng. Điển hình như CTCP Đầu tư và Công nghệ HVC (mã: HVH) cuối tháng 11/2023 đã thông báo góp vốn thành lập Công ty TNHH Đầu tư HVC và Hồ Gươm Hòa Bình.

Công ty mới có vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Trong đó, HVH góp 105 tỷ đồng, chiếm 70%; còn lại thuộc CTCP Tập đoàn Hồ Gươm. Đây sẽ công ty kinh doanh bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT