Loạt doanh nhân nhóm Đông Âu: Nguyễn Đăng Quang- Từ Tiến sĩ vật lý hạt nhân đến ông chủ tập đoàn hàng tiêu dùng

Từng theo lĩnh vực vật lý với học vị tiến sĩ Vật lý hạt nhân (Belarus), doanh nhân Nguyễn Đăng Quang trở thành một trong những doanh nhân đình đám "nhóm Đông Âu" khi vô cùng thành công trong lĩnh vực tài chính và hàng tiêu dùng.

"Hệ sinh thái" khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng

Nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang sinh ngày 23/08/1963 tại Quảng Trị. Nhờ vào thành tích học tập xuất sắc, ông Quang đã có cơ hội ra nước ngoài du học và theo đuổi con đường học vấn. Ông tốt nghiệp học vị Thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Kinh tế Nga Plekhanov. Ngoài ra, ông còn có học vị Tiến sĩ vật lý hạt nhân tại Đại học Vật lý ứng dụng - Viện Hàn lâm khoa học Belarus.

loat-doanh-nhan-nhom-dong-au-nguyen-dang-quang-tu-tien-si-vat-ly-hat-nhan-den-ong-chu-tap-doan-hang-tieu-dung-antt-1695811047.PNG
Chủ tịch Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang.

Trong thời gian học tập ở nước ngoài, ông Quang khởi nghiệp từ một công ty nhỏ chuyên sản xuất mì ăn liền cho cộng đồng người Việt tại Nga. Dưới sự lãnh đạo của doanh nhân Nguyễn Đăng Quang, công ty đã phát triển theo cấp số nhân, lớn mạnh hơn qua từng ngày.

Sau một thời gian bán lẻ mỳ gói, ông Quang đã quyết định xây dựng nhà máy sản xuất Masan với công suất 30 triệu gói mỳ mỗi tháng. Thành công với mỳ gói, ông Quang tiếp tục dấn thân vào ngành hàng tiêu dùng với đậu nành, cá và tương ớt. Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang của Tập đoàn Masan được giới truyền thông gọi là “người dạy người Nga dùng mì gói và tương ớt”.

Việc quyết định đưa Masan Food về Việt Nam khi đang rất thành công ở Nga được cho là một quyết định đầy “táo bạo” của ông Quang vào năm 2001. Khi về Việt Nam, ông Quang thành công hơn với việc xây dựng được một "đế chế" hàng tiêu dùng nhanh với nhiều sản phẩm từ mì gói, tương ớt, nước tương, nước mắm. 

Nhiều mặt hàng của Masan trở thành sản phẩm quen thuộc trong các món ăn của gia đình Việt như: Tương ớt Chinsu, Nước mắm Nam ngư, Mì Omachi, Mì Kokomi, Xúc Xích Ponnie, Vinacafe, bia Sư tử trắng,…

Bắt đầu từ một công ty nhỏ chuyên sản xuất mỳ gói phục vụ cộng đồng người Việt tại Nga, Masan dưới sự dẫn dắt của ông Nguyễn Đăng Quang và các cộng sự ngày một phát triển lớn mạnh, trở thành “ông trùm” đế chế hàng tiêu dùng tại Việt Nam.

Trong kinh doanh, ông Quang luôn theo đuổi một lý tưởng là đưa thương hiệu của mình trở thành một niềm tự hào của đất nước. Vì vậy, không chỉ phát triển ở thị trường trong nước, Masan còn tấn công sang các thị trường trong khu vực với việc bắt tay với đối tác chiến lược với Singha (Singha Asia Holding Pte Ltd) của Thái Lan năm 2015, đồng thời tung ra sản phẩm nước mắm với tên gọi "Chin-Su Yod Thong" cho thị trường này.

Thành công trong việc sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng, Masan tiếp tục tiến vào thị trường bán lẻ Việt Nam thông qua thương vụ với Vingroup.

Cụ thể, ngày 18/2/2020, sau khi sáp nhập hệ thống siêu thị Vinmart từ Vingroup, ông Nguyễn Đăng Quang trực tiếp đảm nhận vị trí chủ tịch HĐQT của cả 2 công ty là VCM và VinCommerce.

Theo thỏa thuận sáp nhập giữa Massan và Vingroup, tập đoàn của ông Quang nhận 83,74% cổ phần phổ thông của VCM. Ngoài ra, Masan sẽ phát hành quyền chọn được nhận cổ phần tại một công ty con mới thành lập cho Vingroup. Công ty mới này sẽ sở hữu cổ phần và vận hành VCM và Công ty TNHH MasanConsumerHoldings.

Với thương vụ này, "hệ sinh thái" của Massan Group khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng với nền tảng sản xuất FMCG gồm các công ty con Masan Consumer Holdings (mì gói, gia vị), Masan MEATLife (chăn nuôi, chế biến thịt) và hệ thống bán lẻ WinCommerce (WCM).

Tham vọng đa ngành

Theo BCQT 6 tháng đầu năm 2023 của Công ty CP Tập đoàn Masan (MCK: MSN), tính đến ngày 30/6/2023, ông Nguyễn Đăng Quang đang sở hữu số cổ phiếu không đáng kể. Tuy nhiên, vợ ông là bà Nguyễn Hoàng Yến- Thành viên HĐQT MSN nắm giữ gần 50,9 triệu cổ phiếu MSN, tương đương 3,58%. Bên cạnh đó, Công ty CP Masan- doanh nghiệp do ông Nguyễn Đăng Quang là Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc đang sở hữu tới 446,3 triệu cổ phiếu MSN, tương đương 31,35% vốn doanh nghiệp.

Ngoài Masan, ông Nguyễn Đăng Quang cũng đóng góp một phần không nhỏ trong sự phát triển của Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, MCK: TCB). Hiện, ông Quang đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch thứ nhất HĐQT của ngân hàng này.

Theo BCQT 6 tháng đầu năm 2023, ông Quang sở hữu 9,4 triệu cổ phiếu TCB, tương ứng gần 0,27% vốn ngân hàng này. Trong khi đó, Công ty CP Tập đoàn Masan nắm giữ tới 524,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 14,9% vốn tại TCB. 

Sở hữu khối tài sản khổng lồ từ các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hàng đầu, ông Quang trở thành tỷ phú Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú USD theo ghi nhận từ Forbes.

Trong danh sách tỷ phú thế giới năm 2023 của Forbes, Chủ tịch HĐQT Masan Nguyễn Đăng Quang xuất hiện trong danh sách năm thứ 3 liên tiếp với tài sản khoảng 1,3 tỷ USD (tính tới thời điểm công bố).

Ngoài ngành tài chính, hàng tiêu dùng, bán lẻ, ít người biết được, Chủ tịch Masan còn "lấn sân" sang mảng khai thác khoáng sản thông qua Masan Resources.

Từ năm 2010, ông Quang chính thức trở thành Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Khai thác chế biến Khoáng sản Núi Pháo (Công ty Núi Pháo) - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Khai thác chế biến Khoáng sản lớn nhất tỉnh Thái Nguyên.

Sau khi trở thành công ty con của Công ty Cổ phần Tài nguyên Masan (Masan Resources), tháng 8/2018, Công ty Núi Pháo đã mua lại 49% cổ phần của H.C.Starck Gmbh tại Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo – H.C.Starck với giá trị 29,1 triệu USD.

Được thành lập vào năm 2013, Nui Phao - H.C.Starck chế biến sâu tinh quặng vonfram (sản phẩm của Núi Pháo) thành các sản phẩm giá trị gia tăng hóa chất công nghiệp vonfram.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT