Loạt doanh nhân nhóm Đông Âu: Nguyễn Tiến Dũng- Từ ông chủ Gami đến 'cuộc chơi' ngành ngân hàng

Là doanh nhân khởi nghiệp từ Đông Âu, ông Nguyễn Tiến Dũng nhanh chóng thành công với vị trí dẫn đầu trong nhiều ngành, trong đó phải kể đến bất động sản và ngân hàng.

Từ ông chủ Gami đến cuộc chơi ngành ngân hàng

Là một trong những doanh nhân khởi nghiệp từ Đông Âu, trở về đầu tư tại Việt Nam, ông Dũng nhanh chóng thành công với vị trí dẫn đầu trong nhiều ngành.

Đầu tiên phải kể đến "hệ sinh thái" đa ngành Gami Group (số 11 Phạm Hùng, Phường Mỹ Đình 2, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Gami Group là một trong tập đoàn đa ngành do doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng sáng lập năm 1993, được biết đến là một nhà phân phối xe hơi của nhiều thương hiệu đình đám tại Việt Nam như: Mercedes-Benz, Mitsubishi, GM, Ford,…

Theo đăng ký thay đổi hồi tháng 1/2022, vốn điều lệ của doanh nghiệp này ở mức 422,26 tỷ đồng.

Hiện, Gami Group đang hoạt động chính trong ba lĩnh vực: thương mại, bất động sản và tài chính. Trong đó, thông qua Gami Land và một số công ty con, Gami Group được coi là một "tay chơi" có tiếng trong mảng bất động sản khi sở hữu quỹ đất trải dài tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như: Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Phú Yên,...với tổng quỹ đất lên đến cả nghìn ha.

loat-doanh-nhan-nhom-dong-au-nguyen-tien-dung-tu-ong-chu-gami-den-cuoc-choi-nganh-ngan-hang-antt-2-1695039673.PNG
Thông qua Gami Land và một số công ty con, Gami Group được coi là một "tay chơi" có tiếng trong mảng bất động sản. Ảnh minh họa

Một số dự án tiêu biểu của nhóm Gami có thể kể đến là: Trung tâm thương mại Cantavil Building (TP.HCM), Khu đô thị cảng Tuần Châu (Quảng Ninh), dự án khu đô thị và dịch vụ Tây Quốc Oai (Hà Nội), Công viên chủ đề theme park Hội An (Quảng Nam), dự án Gami Ecocharm (Đà Nẵng), Trung tâm thương mại và nhà ở biệt thự Đồng Mạ (Phú Thọ),...

Là người sáng lập và giữ chức Chủ tịch HĐQT Gami Group, tuy nhiên, sau đó, ông Dũng đã rời ghế nóng doanh nghiệp này.

Ngoài Gami Group, tên tuổi của doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng còn gắn liền với không ít ngân hàng TMCP.

Trước hết phải kể đến Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB)- tiền thân là Ngân hàng Sông Kiên, sau đó, đổi tên thành Ngân hàng TMCP Nam Việt - Navibank.

Thời điểm Navibank bị buộc phải tái cơ cấu do là 1 trong 9 ngân hàng yếu kém, ngân hàng này được cho là "đổi chủ" khi nhóm cổ đông liên quan đến doanh nhân Đặng Thành Tâm rút lui, thay vào đó là nhóm nhà đầu tư mới liên quan đến ông Nguyễn Tiến Dũng. 

Ông Dũng chính thức "bước chân" vào NCB với vai trò Chủ tịch HĐQT và đảm nhiệm vị trí này cho đến cuối tháng 7/2021. Theo BCQT 6 tháng đầu năm 2023 của NCB, ông Dũng là Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng này. 

Ngoài NCB, vị doanh nhân "nhóm Đông Âu này" từng nắm Quyền Tổng Giám đốc VPBank; Ban Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) Chi nhánh Hà Nội và Hải Phòng.

“Cuộc chơi” kín tiếng tại Chứng khoán Everest

loat-doanh-nhan-nhom-dong-au-nguyen-tien-dung-tu-ong-chu-gami-den-cuoc-choi-nganh-ngan-hang-antt-2-1695039673.PNG
Chứng khoán Everest đóng vai trò dàn xếp các thương vụ trái phiếu cho nhóm doanh nghiệp nhà Gami. 

Tên tuổi của doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng trong ngành tài chính không chỉ dừng lại ở các ngân hàng mà còn thể hiện tại Công ty CP Chứng khoán Everest (MCK: EVS).

Theo tìm hiểu, Chủ tịch HĐQT EVS hiện tại là ông Nguyễn Hải Châu- người có mối liên hệ mật thiết với Gami Group và ông Nguyễn Tiến Dũng khi có thời gian dài công tác tại một ngân hàng và được "giới chủ" Gami Group giao cho nhiệm vụ quản trị, điều hành tại một số công ty thành viên của tập đoàn như: Công ty CP Công nghiệp chế tạo ô tô Quốc Dân, Công ty CP Xuất nhập khẩu Khoáng sản, Công ty CP G-Automobile...

Năm 2018, ông Châu tham gia HĐQT Chứng khoán Everest, ngay khi nhóm Gami hoàn tất "thâu tóm" từ Tập đoàn Đại Dương.

Tham gia vào "hệ sinh thái" của Gami Group, Chứng khoán Everest đóng vai trò dàn xếp các thương vụ cho nhóm doanh nghiệp nhà Gami.

Trong đó phải kể đến lô trái phiếu 600 tỷ đồng của Công ty CP Đầu tư Địa ốc Mai Viên hồi năm 2021. Đây là lô trái phiếu có kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 11,5%/năm. Trái chủ là 250 nhà đầu tư chuyên nghiệp trong nước.

Tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với lô đất tại địa chỉ số 3-3A-3B-5 Sương Nguyệt Ánh, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM (Khách sạn Fuision Suites Sài Gòn) thuộc sở hữu của CTCP Khách sạn Fusion Suites Sài Gòn (Fusion Suites Sài Gòn).

Nguồn tiền huy động được từ trái phiếu được công ty sử dụng để góp vốn hợp tác đầu tư cùng CTCP Đại Lâm xây dựng dự án Khu du lịch sinh thái Thác Bạc Long Cung (xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình).

Ở thương vụ này, Chứng khoán Everest là tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu.

Ít người biết rằng, Địa ốc Mai Viên là doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" Gami Group. Bà Nguyễn Thảo Phương (SN 1989)- Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Địa ốc Mai Viên, từng phụ trách chi nhánh Hội An của Công ty CP Quản lý Công viên Chủ đề Gami.

Tháng 1/2021, bà Nguyễn Thảo Phương thay ông Phạm Thanh Tùng (SN 1980) trở thành Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật cho CTCP Khách sạn Fusion Suites Sài Gòn. Pháp nhân này là chủ sở hữu khách sạn Fusion Suites Sài Gòn- tài sản được sử dụng để bảo đảm cho lô trái phiếu 600 tỷ đồng của Địa ốc Mai Viên.

Tháng 10/2021, Fusion Suites Sài Gòn đã chi 320 tỷ đồng để nắm giữ 20 triệu cổ phiếu Chứng khoán Everest. Theo BCQT nửa đầu năm 2023, hiện, doanh nghiệp này vẫn đang là cổ đông lớn sở hữu 19,42% vốn của EVS.

Chứng khoán Everest cũng được cho là có liên quan đến lô trái phiếu 900 tỷ đồng hồi năm 2021 của Công ty CP Đầu tư sản xuất và Thương mại Tiến Trường (Công ty Tiến Trường).

Công ty Tiến Trường thành lập ngày 15/8/2012, trụ sở chính tại phố Thúy Lĩnh (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là bà Lê Hồng Nhung (SN 1983). Bà Nhung còn được biết đến là nhân sự cao cấp tại doanh nghiệp thuộc "nhóm Gami".

Trên website của mình, Tiến Trường giới thiệu là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Thủy Tú (còn biết đến với tên gọi Gami Eco Charm), tọa lạc tại phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng), với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng.

Tháng 3/2023, công ty này đã có nghị quyết thông qua việc mua lại trước hạn trái phiếu TITCH2124001. Để có tiền mua lại trái phiếu trước hạn, Tiến Trường sẽ bán toàn bộ tài sản đảm bảo cho việc phát hành lô trái phiếu trên và tiền huy động vốn từ CTCP đầu tư địa ốc Mai Viên để thanh toán cho những người sở hữu trái phiếu (trừ CTCP Chứng khoán Everest và CTCP đầu tư Toàn Xuân Thịnh).

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT