Loạt doanh nhân nhóm Đông Âu: Trịnh Thanh Huy- Từ đế chế Masan đến loạt doanh nghiệp thua lỗ, phá sản

Sau khi từ Đông Âu trở về Việt Nam, doanh nhân Trịnh Thanh Huy đầu tư vào một số doanh nghiệp bất động sản, thi công xây dựng,… nhưng đều rơi vào khó khăn và phá sản.

Khởi nghiệp từ Đông Âu

Ông Trịnh Thanh Huy vốn không phải là cái tên xa lạ trong giới doanh nhân Việt Nam. Ông Huy (SN 1970), từng học tại Học viện kỹ thuật quân sự tại Việt Nam và Nga. 

Ông là người cùng ông Nguyễn Đăng Quang, ông Hồ Hùng Anh xây dựng Tập đoàn Masan tại Nga (sau này là Masan tại Việt Nam) và kinh doanh mỳ ăn liền và thức ăn nhanh tại Nga trong giai đoạn 1994 - 1999. Ông Huy từng giữ chức Phó Chủ tịch Tập đoàn Masan từ năm 1997 đến năm 2002.

Sau khi trở về Việt Nam, trong khi ông Quang và ông Hùng Anh tiếp tục tập trung vào Masan và Techcombank thì ông Huy lại chuyển hướng đầu tư một số doanh nghiệp bất động sản, thi công xây dựng.

Ông Trịnh Thanh Huy từng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Bình Thiên An, doanh nghiệp nổi tiếng với dự án Đảo Kim Cương và Metropolis Thảo Điền tại TP.HCM.

Sau thời gian lãnh đạo Bình Thiên An, ông Huy đã "ra riêng" và tham gia thành lập nên HB Group và từng là Phó Chủ tịch của Tập đoàn này. HB Group thành lập năm 2000 với ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng và bất động sản. 

loat-doanh-nhan-nhom-dong-au-trinh-thanh-huy-tu-de-che-masan-den-loat-doanh-nghiep-thua-lo-pha-san-antt-2-1696305385.PNG
Trở về Việt Nam, doanh nhân Trịnh Thanh Huy đầu tư vào nhiều doanh nghiệp nhưng đều rơi vào khó khăn và phá sản. Ảnh minh họa

Đồng thời ông Huy còn thực hiện nhiều thương vụ M&A với các công ty như Vinafco, Công ty cổ phần Beton 6; Công ty cổ phần xây dựng Công nghiệp (Descon),...

Loạt công ty thua lỗ, phá sản

Descon niêm yết vào cuối năm 2007 và đến năm 2010 lọt vào “tầm ngắm” của nhóm cổ đông liên quan đến ông Trịnh Thanh Huy và Bình Thiên An.

Tuy nhiên, cuộc chiến giữa 2 nhóm cổ đông cũ và mới tại Descon đã không giúp cho doanh nghiệp này tiếp tục phát triển mà ngày càng vướng vào những sự việc tai tiếng. 

Cuối năm 2011, Descon bất ngờ bị hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng quy định về công bố thông tin.

Descon sau đó rơi vào chuỗi ngày bi thảm với những cáo buộc sai phạm đến từ Ban kiểm soát Descon và một nhóm cổ đông.

Tại thời điểm cuối tháng 12/2017, vốn điều lệ của Descon là 356 tỷ đồng; trong đó cổ đông lớn là ông Trịnh Thanh Huy góp vào 200 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ 56,2%.

Đến ngày 31/10/2018, TAND TP.HCM đã có quyết định mở thủ tục phá sản đối với Descon, căn cứ theo đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty TNHH Siam City Cement (Việt Nam).

Sau khi xem xét các giấy tờ, tài liệu liên quan đến yêu cầu mở thủ tục phá sản, TAND TP.HCM xét thấy có căn cứ cho thấy Descon mất khả năng thanh toán đối với khoản nợ phải trả cho Siam City Cement Việt Nam.

Một công ty khác được ông Trịnh Thanh Huy và bên liên quan mua lại đang ở trong tình cảnh rất bết bát là Công ty cổ phần Beton 6 (MCK: BT6). Đây là doanh nghiệp mà ông Huy đang giữ chức Chủ tịch HĐQT.

Được thành lập từ năm 1958, Beton 6 là công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn cung ứng cho các công trình cầu đường, gần như chiếm lĩnh thị trường này ở trước giai đoạn cổ phần hóa (năm 2000).

Năm 2008, nhóm nhà đầu tư chiến lược HB Group tham gia vào Beton 6, thực thi nhiều kế hoạch cải tổ, bao gồm mở rộng sang lĩnh vực xây lắp, nhưng không thành công.

Kể từ đó đến nay, Beton 6 kinh doanh bết bát với doanh thu khiêm tốn. Theo Nghị quyết số 2009/2023/NQ-ĐHĐCĐ-BT6, trong năm 2022, doanh thu của BT6 ở mức 12,58 tỷ đồng, chỉ đạt 31,45% so với kế hoạch đề ra, giảm 72,98% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ở mức âm 48,9 tỷ đồng, tuy nhiên, con số này đã cải thiện đáng kể so với mức lỗ 82,1 tỷ đồng trong năm 2021. 

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của doanh nghiệp là 583,4 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. 

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT