Loạt đối tượng lừa đảo qua mạng bị bắt: Có đường dây thực hiện tới 2.000 cuộc điện thoại/ngày để tiếp cận, lừa đảo người dân trên cả nước

Thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi. Đặc biệt, tội phạm tấn công vào hệ thống công nghệ thông tin và lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đã gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong xã hội.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh vừa cho biết, đã phá thành công Chuyên án, ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với nhóm 4 đối tượng ở tỉnh Nghệ An và tỉnh Thanh Hóa về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" qua hình thức truy cập trái phép tài khoản của người dùng ứng dụng Binance để chiếm đoạt tài sản.

Theo Công an Bắc Ninh, chủ mưu cầm đầu đường dây này là Nguyễn Đức Hùng, 25 tuổi, ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Cùng thực hiện hành vi với Hùng có Hoàng Đình Tài, 27 tuổi, ở huyện Nghĩa Đàn; Nguyễn Phùng Hoàng, 22 tuổi, ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An và Nguyễn Anh Tuấn, 26 tuổi, ở huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Từ đầu năm 2024 đến nay, với thủ đoạn trên, bước đầu các đối tượng khai nhận đã thực hiện trót lọt hơn 50 vụ, chiếm đoạt khoảng 10 tỷ đồng của nhiều bị hại ở các tỉnh, thành trên toàn quốc, trong đó có 1 bị hại ở tỉnh Bắc Ninh. Số tiền chiếm đoạt được, các các đối tượng đặt cọc mua ô tô, nạp tiền Game và chi tiêu cá nhân .

Loạt đối tượng lừa đảo qua mạng bị bắt: Có đường dây thực hiện tới 2.000 cuộc điện thoại/ngày để tiếp cận, lừa đảo người dân trên cả nước- Ảnh 1.

Các đối tượng lừa đảo trong vụ án. (Nguồn: Công an Bắc Ninh)

Trước đó, ngày 30/5, Công an TP. Thái Bình cũng thông báo đã bắt nhóm đối tượng do Phan Tấn Dũ (sinh năm 2002, trú tại thôn Nhan Biều 1, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) cầm đầu, thuê trọ tại TP. Đà Nẵng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn chiếm đoạt tài khoản zalo và Facebook, trong số này có các bị hại là người Thái Bình. Vì vậy, Công an TP Thái Bình đã xác lập chuyên án để đấu tranh bắt giữ ổ nhóm trên.

Theo kết quả điều tra, từ tháng 9/2023, nhóm đối tượng trên đã tạo các trang web giả mạo cuộc thi, thu hút người tham gia nhằm đánh cắp thông tin cá nhân để chiếm quyền truy cập tài khoản Zalo, Facebook của người dùng.

Sau đó, các đối tượng mạo danh chủ tài khoản nhắn tin cho bạn bè, người thân để vay tiền hoặc nhờ chuyển tiền giúp đến tài khoản ngân hàng có tên trùng với chủ tài khoản để tạo lòng tin. Khi bị hại chuyển tiền, các đối tượng sẽ chiếm đoạt, sử dụng vào mục đích cá nhân.

Sau khi nhận được tiền từ tài khoản ngân hàng của người bị hại chuyển vào tài khoản ngân hàng mà các đối tượng mua, rồi các đối tượng chuyển tiền vào tài khoản game đánh bạc để "rửa" tiền.

Khai nhận với cơ quan điều tra, các đối tượng cho biết đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người trên nhiều tỉnh, thành phố. Các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ tháng 9/2023 đến nay chiếm đoạt được số tiền trên 1 tỷ đồng.

Loạt đối tượng lừa đảo qua mạng bị bắt: Có đường dây thực hiện tới 2.000 cuộc điện thoại/ngày để tiếp cận, lừa đảo người dân trên cả nước- Ảnh 2.

Phan Tấn Dũ và đồng phạm tại cơ quan công an. (Nguồn: Công an Thái Bình)

Tại Cao Bằng, ngày 11/5, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao, Công an tỉnh Cao Bằng và các đơn vị chức năng đã triệt phá nhóm đối tượng có hành vi Lừa đảo trên không gian mạng với thủ đoạn giả danh sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee tại tỉnh Cao Bằng và tỉnh Thái Nguyên.

Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh nhân viên sàn thương mại điện tử Shopee tri ân khách hàng để gọi điện mời khách hàng kết bạn Zalo và hướng dẫn thực hiện các giao dịch, sau đó lừa để chiếm đoạt tiền.

Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Cao Bằng tiến hành giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Tuyết Dâng và khám xét khẩn cấp chỗ ở, và nhà của đối tượng thuê tại địa chỉ số 366, tổ 5, phường Đề Thám, TP Cao Bằng.

Khi lực lượng chức năng tiến hành khám xét, phát hiện tại nhà của Dâng thuê có 12 đối tượng đang kết nối, gọi điện cho nhiều người để thực hiện hành vi phạm tội. Cơ quan điều tra đã thu giữ 17 máy tính xách tay cùng nhiều đồ vật tài liệu có liên quan. Trung bình một ngày các đối tượng gọi từ 1.500 - 2.000 cuộc điện thoại cho người dân tại nhiều địa bàn tỉnh thành trên cả nước để tiếp cận, thực hiện hành vi lừa đảo.

Loạt đối tượng lừa đảo qua mạng bị bắt: Có đường dây thực hiện tới 2.000 cuộc điện thoại/ngày để tiếp cận, lừa đảo người dân trên cả nước- Ảnh 3.

Công an khám xét khẩn cấp nơi làm việc của đối tượng Nguyễn Thị Tuyết Dâng. (Nguồn: Công an Cao Bằng)

Trước đó, 15/3/2024, phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng Công nghệ cao phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Cao Bằng cũng đã phát hiện 5 đối tượng người Trung Quốc đang lưu trú tại tổ 8, phường Sông Bằng, TP Cao Bằng có dấu hiệu nghi vấn sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Theo đó, các đối tượng trên đã sử dụng 35 máy tính chiếm quyền sử dụng tài khoản bằng phương thức dùng mạng xã hội QQ gửi link lây nhiễm mã độc. Công an tỉnh Cao Bằng đã phối hợp trao trả 5 công dân người Trung Quốc cùng toàn bộ đồ vật, tài liệu có liên quan cho Ty Công an Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc để xử lý theo quy định Bộ Luật Hình sự Trung Quốc.

Loạt đối tượng lừa đảo qua mạng bị bắt: Có đường dây thực hiện tới 2.000 cuộc điện thoại/ngày để tiếp cận, lừa đảo người dân trên cả nước- Ảnh 4.

Ty Công an Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tiếp nhận các đối tượng. (Nguồn: Công an Cao Bằng)

Tại Đà Nẵng, ngày 16/5, Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Đà Nẵng đã phát hiện và bắt quả tang nhóm 5 đối tượng trên địa bàn Đà Nẵng tham gia vào đường dây chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia thông qua chơi trò chơi trên mạng Internet.

Các đối tượng gồm: Trần Mỹ Phú An, Bùi Ngọc Hậu, Lý Huỳnh Huy, Dương Văn Tịnh và Trương Thái Huy. Theo điều tra, Tịnh được thuê để quản lý và quán xuyến mọi mặt để 4 đối tượng còn lại thực hiện hành vi truy cập vào mạng máy tính lừa đảo. Thủ đoạn chủ yếu của nhóm này là tạo trang web đánh bạc Cobet.com giả mạo để người chơi nạp tiền rồi chiếm đoạt.

Thời điểm bị bắt quả tang, các đối tượng đang thực hiện việc tìm kiếm người chơi bài trên mạng Internet, gửi đường link và dẫn dụ họ nạp tiền. Các đối tượng thừa nhận đều là bạn bè quen biết trong xã hội, có thời gian hoạt động tại Campuchia, Lào, Philipine. Vì không có việc làm nên nhóm này đã cấu kết với nhau lừa đảo người chơi bài thông qua trang web giả mạo.

Tuy mới hoạt động trong thời gian ngắn nhưng các đối tượng đã chiếm đoạt của hơn 300 bị hại với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng. Vật chứng thu giữ gồm 6 máy vi tính, 2 xe máy và 8 điện thoại di động.

Loạt đối tượng lừa đảo qua mạng bị bắt: Có đường dây thực hiện tới 2.000 cuộc điện thoại/ngày để tiếp cận, lừa đảo người dân trên cả nước- Ảnh 5.

Các đối tượng tại cơ quan công an. (Nguồn: Công an Đà Nẵng)

Tại Hà Nam, ngày 11/5/2024, Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Thanh Liêm cho biết đơn vị đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Hà Nam đấu tranh, triệt phá, bắt giữ 02 đối tượng là Lý Quang Đắc; Đỗ Trọng Chuẩn cùng sinh năm 2006 về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trên không gian mạng.

Loạt đối tượng lừa đảo qua mạng bị bắt: Có đường dây thực hiện tới 2.000 cuộc điện thoại/ngày để tiếp cận, lừa đảo người dân trên cả nước- Ảnh 6.

Cơ quan Công an lấy lời khai hai đối tượng Đắc và Chuẩn. (Nguồn: Công an Hà Nam)

Tại cơ quan Công an, 2 đối tượng khai nhận: Do cần tiền tiêu xài, Đắc, Chuẩn đã lập các tài khoản Facebook, Zalo ảo và sử dụng các sim điện thoại rác đăng bài lên trang mạng xã hội với nội dung hỗ trợ vay vốn lãi xuất thấp, giải ngân nhanh, không cần thế chấp tài sản để tìm kiếm người vay. Khi có người vay liên hệ, chúng đóng giả làm nhân viên ngân hàng để tư vấn, hướng dẫn cho người vay làm hồ sơ và yêu cầu đóng các khoản phí, như: phí làm hồ sơ, bảo hiểm khoản vay... Bị phát hiện lừa đảo, các đối tượng sẽ chặn hết mọi liên lạc để chiếm đoạt tài sản. Từ đầu năm 2023 đến nay, với thủ đoạn trên, nhóm đối tượng này đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng trăm bị hại trên cả nước với số tiền hơn 700 triệu đồng.

Mạnh Đức

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT