Loạt dự án BOT được Bộ GTVT đề xuất 'giải cứu', HHV đang kinh doanh ra sao?

Không đảm bảo phương án tài chính ban đầu dẫn tới hụt doanh thu, hầm đường bộ Đèo Cả và cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn là hai dự án của Tập đoàn Đèo Cả đang được Bộ GTVT đề xuất chi hàng nghìn tỷ đồng ngân sách Nhà nước "giải cứu". Trong khi công ty mẹ là Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả - HHV vẫn báo lãi lớn trong năm 2023.

Đề xuất chi 2.280 tỷ đồng hoàn vốn dự án hầm đường bộ Đèo Cả

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có tờ trình Chính phủ đề xuất giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT. 

Trong đó Bộ này đề xuất Nhà nước bố trí thanh toán 6.813 tỷ đồng để chấm dứt hợp đồng với 5 dự án BOT, bố trí 1.557 tỷ đồng để sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước tham gia vào 2 dự án BOT và bố trí 2.280 tỷ đồng vốn nhà nước để thay thế cơ chế hoàn vốn cho 1 dự án BOT.

Đáng chú ý, Bộ này đề xuất thay thế cơ chế hoàn vốn cho dự án BOT Xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả từ nguồn thu trên đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan sang hỗ trợ bằng vốn nhà nước.

Bộ GTVT cho biết, tuyến đường bộ cao tốc đoạn La Sơn - Túy Loan được đầu tư theo hình thức BT, quy mô đầu tư phân kỳ 2 làn xe, hướng tuyến song song với Quốc lộ 1 đoạn qua đèo Hải Vân.

Sau khi đầu tư bổ sung hạng mục hầm Cù Mông và mở rộng hầm Hải Vân vào dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả, để bảo đảm hiệu quả tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thành lập trạm thu phí trên tuyến La Sơn - Túy Loan để thu phí hoàn vốn cho dự án xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả. Dự kiến thời gian thu phí hoàn vốn cho Dự án khoảng 28 năm 4 tháng. 

“Triển khai Nghị quyết số 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kết quả rà soát, đánh giá cho thấy, việc đặt trạm thu phí trên tuyến La Sơn - Túy Loan (đầu tư bằng ngân sách nhà nước) để hoàn vốn cho dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả sẽ bất cập do “đầu tư một nơi, thu phí một nơi”, có thể gây phản ứng của người tham gia giao thông”, Bộ GTVT thông tin.

vo-phuong-an-tai-chinh-loat-du-an-bot-cua-deo-ca-duoc-bo-gtvt-de-xuat-giai-cuu-2-1711204196.jpg
Bộ GTVT đề xuất chi 2.280 tỷ đồng để hoàn vốn cho dự án hầm đường bộ Đèo Cả

Căn cứ vào đề xuất của Bộ Tài chính, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ không sử dụng trạm thu phí La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả. Thay vào đó, bổ sung vốn nhà nước (khoảng 2.280 tỷ đồng) để hỗ trợ cho dự án.

Cùng với đó, Bộ GTVT đề xuất để Bộ này phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Đề án thu phí trình cấp có thẩm quyền thông qua để thu hồi vốn nộp ngân sách nhà nước đối với tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan.

Theo Bộ GTVT, hiện nay, vốn tham gia của nhà nước trong dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm cả hầm Cổ Mã, hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân) là 5.048 tỷ đồng/19.530 tỷ đồng, chiếm khoảng 25,8% tổng vốn đầu tư.

Trường hợp bổ sung vốn nhà nước khoảng 2.280 tỷ đồng để thay thế quyền thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan, tổng vốn nhà nước tham gia dự án khoảng 7.328 tỷ đồng, chiếm khoảng 37,5% tổng vốn đầu tư, không vượt mức tối đa 50% tổng mức đầu tư như quy định tại Luật PPP.

Đồng thời, Bộ này kiến nghị xem xét, cân đối từ nguồn vượt thu ngân sách nhà nước năm 2022 và từ các nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm trong giai đoạn 2021 - 2025 để thanh toán chi phí hợp lý cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.

Nguồn vốn nhà nước sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua kiến nghị sử dụng để hoàn trả phần vốn đã ứng trước (từ ngân hàng cung cấp tín dụng) để thanh toán chi phí xây dựng các công trình hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân (tương tự việc giải ngân vốn nhà nước thanh toán phần vốn ứng trước thực hiện công tác GPMB, tái định cư đã thực hiện tại các dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, thanh toán phần ứng vốn xây dựng công trình hạng mục hầm Cổ Mã thuộc dự án).

Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả - Quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân do Công ty CP Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 21.612 tỷ đồng. 

Dự án được triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP); trong đó, phần vốn nhà nước tham gia vào dự án là 5.048 tỷ đồng, chiếm 23,35% tổng vốn đầu tư. Còn lại 16.564 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư.

Để bảo đảm hiệu quả tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản cho phép thu phí tại các trạm Ninh An, Bàn Thạch, Đèo Cả, Cù Mông, Nam Hải Vân, La Sơn - Túy Loan và trạm Phước Tượng - Phú Gia để hoàn vốn cho dự án.

Đến nay, toàn bộ các công trình thuộc dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, tạo điều kiện lưu thông thuận lợi, an toàn và thúc đẩy phát triển KT-XH các tỉnh duyên hải miền Trung.

Tuy nhiên, Dự án hầm đường bộ Đèo Cả gặp khó khăn do chậm bố trí 1.180 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước; cơ chế trạm thu phí tại trạm La Sơn-Túy Loan chưa được giải quyết dứt điểm, đã ảnh hưởng đến nguồn kinh phí vận hành, bảo trì các công trình hầm và phương án trả nợ ngân hàng theo hợp đồng đã ký kết.

Đại diện Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, số tiền 1.180 tỷ đồng hơn 5 năm qua chưa được giải ngân gây thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư. Từ năm 2017-2023, dự án phát sinh lãi vay do chưa được giải ngân nguồn vốn 1.180 tỷ đồng là 628 tỷ đồng. Từ năm 2024 trở đi với lãi suất nhận nợ ngân hàng 10,5%/năm thì mỗi năm lãi vay sẽ phát sinh thêm 125 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, doanh thu hoàn vốn dự án còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không còn 2 trạm thu phí La Sơn-Túy Loan và Nam Hải Vân. Do vậy, từ năm 2018 - 2023, dự án thất thu khoảng 485 tỷ đồng và dự kiến từ năm 2024-2045, dự án sẽ thất thu khoảng 9.574 tỷ đồng.

Đề xuất hỗ trợ 5.600 tỷ đồng cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Đầu tháng 3/2024, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có Tờ trình số 23/TTr – UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương để đảm bảo phương án tài chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại Dự án BOT đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 - Km106+500, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn (gọi tắt là dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn).

Tại tờ trình này, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Thủ tướng xem xét, đồng ý chủ trương hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương khoảng 5.600 tỷ đồng (không quá 50% theo giá trị kiểm toán, quyết toán của Dự án) để bù đắp dòng tiền thâm hụt trong thời gian thu phí hoàn vốn đảm bảo phương án tài chính và đảm bảo vận hành, khai thác ổn định của dự án.

vo-phuong-an-tai-chinh-loat-du-an-bot-cua-deo-ca-duoc-bo-gtvt-de-xuat-giai-cuu-1711204196.jpg
Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chỉ đạt 32% doanh thu theo kế hoạch.

Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2167/TTg-KTN ngày 30/10/2014.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT phê duyệt Dự án tại Quyết định số 1249/QĐ-BGTVT ngày 9/4/2015. UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận bàn giao quyền và nghĩa vụ của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT từ ngày 25/5/2018.

Dự án có tổng mức đầu tư 12.188 tỷ đồng, nguồn vốn của nhà đầu tư, vốn huy động tín dụng từ ngân hàng Vietinbank, không có hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước. 
Đến nay, toàn bộ các công trình thuộc Dự án đã hoàn thành, đảm bảo tiến độ, chất lượng, được chủ đầu tư, cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu, Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng chấp thuận kết quả nghiệm thu.

Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, trong quá trình thực hiện, vận hành dự án có một số thay đổi (giảm 1 trạm thu phí, miễn giảm một số đối tượng thu phí, tăng trưởng lưu lượng xe thấp hơn dự báo ban đầu, bổ sung quy mô dự án...) ảnh hưởng tới phương án tài chính của dự án. Các khó khăn, vướng mắc này của Dự án đã được Kiểm toán nhà nước chỉ ra tại Thông báo số 09/TB-KTNN2 ngày 16/1/2020.

Cụ thể, theo phương án tài chính ban đầu, dự án được thu phí hoàn vốn tại 2 trạm trên Quốc lộ 1 (tại Km 24+800 và Km93+160) và các trạm trên tuyến cao tốc, dự kiến doanh thu của Dự án là 93 tỷ đồng/tháng.

Trong quá trình triển khai do các yếu tố khách quan dẫn đến doanh thu thu phí hiện nay của Dự án chỉ còn khoảng 30 tỷ đồng/tháng, đạt khoảng 32% phương án tài chính ban đầu, dẫn đến thâm hụt dòng tiền hoàn vốn của Dự án, không đủ chi trả gốc và lãi phát sinh đối với ngân hàng cho vay vốn.

Bên cạnh đó, việc chưa hoàn thành Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT để kết nối đồng bộ thông tuyến đến TP. Lạng Sơn và cửa khẩu Hữu Nghị theo kế hoạch; mặt khác việc ảnh hưởng của dịch COVID-19, chính sách biên mậu của Trung Quốc đối với các cửa khẩu dẫn đến tốc độ tăng trưởng lưu lượng và phân bổ lưu lượng phương tiện trên tuyến cao tốc không đảm bảo như dự báo trong phương án tài chính được phê duyệt.

UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, các nguyên nhân trên đã làm thay đổi các thông số đầu vào của dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trả nợ và vận hành dự án.

Thời gian vừa qua, doanh nghiệp dự án là CTCP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn (công ty con của Tập đoàn Đèo Cả) đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn xem xét hỗ trợ bù đắp từ ngân sách nhà nước để dự án vận hành khai thác bình thường. Tuy nhiên đối với đề nghị hỗ trợ ngân sách nhà nước khoảng 5.600 tỷ đồng, tương ứng khoảng 49% tổng vốn đầu tư theo giá trị dự kiến quyết toán (khoảng 11.356 tỷ đồng), vượt quá khả năng ngân sách của địa phương.

Mặt khác hiện tỉnh cũng đang phải bố trí khoảng 2.500 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương để hỗ trợ cho Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng. Các khó khăn, vướng mắc nêu trên đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trả nợ, hiệu quả kinh tế - xã hội, kéo dài thời gian thu phí.

Đèo Cả vẫn lãi lớn từ trạm thu phí

Cả hai dự án hầm đường bộ Đèo Cả và cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đều được thực hiện bởi Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã HHV, sàn HoSE), là công ty con của CTCP Tập đoàn Đèo Cả của Chủ tịch Hồ Minh Hoàng.

Dù hụt doanh thu ở hai dự án nói trên nhưng thực tế HHV vẫn lãi lớn trong năm 2023. Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, HHV ghi nhận doanh thu đạt 861,3 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên giá vốn tăng cao đã khiến lãi gộp của doanh nghiệp giảm 11%, về còn 233 tỷ đồng.

Khấu trừ thuế phí, HHV báo lãi sau thuế quý IV/2023 ở mức 52,5 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế năm 2023, HHV mang về 2.687 tỷ đồng doanh thu, tăng 28%. Trong cơ cấu doanh thu, các trạm thu phí BOT chiếm tỷ trọng lớn nhất với 1.573 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước (chiếm 58,5% tổng doanh thu); doanh thu hoạt động xây lắp 1.047 tỷ đồng…

Như vậy, năm 2023, trung bình mỗi ngày Hạ tầng Giao thông Đèo Cả thu về 4,3 tỷ đồng từ các trạm thu phí BOT.

Kết quả, HHV báo lãi sau thuế cả năm đạt 362 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng năm ngoái. Với kết quả kinh doanh này, doanh nghiệp của Chủ tịch Hồ Minh Hoàng đã hoàn thành 107% kế hoạch lợi nhuận đặt ra hồi đầu năm.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT