Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Loạt dự án của Tập đoàn Bảo Việt bị 'điểm tên' trong danh sách chậm triển khai tại Hà Nội

Phạm Thị Tâm

Trong danh sách dự án chậm triển khai mà UBND TP.Hà Nội công bố, nhiều dự án của Tập đoàn Bảo Việt cũng được "nhắc tên".

UBND TP.Hà Nội vừa có báo gửi HĐND TP về kết quả thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP.Hà Nội.

Theo đó, tính đến ngày 15/6/2024 (dự kiến kết quả thực hiện đến hết tháng 6/2024): 705 dự án (chiếm 99% tổng số 712 dự án) với tổng diện tích 11.345 ha đất đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và chỉ đạo xử lý, giao các đơn vị tiếp tục giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa đất vào sử dụng.

tap-doan-bao-viet-bi-diem-ten-trong-danh-sach-loat-du-an-cham-trien-khai-tai-ha-noi-antt-3-1719820769.png
 

Trong số 712 dự án nói trên, có 135 dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất (134 dự án được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai, tiếp tục giám sát theo quy định của pháp luật; 1 dự án đang tiếp tục được rà soát để xem xét phương án xử lý theo quy định); 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (196 dự án được đưa ra khỏi danh sách hoặc đã chỉ đạo xử lý, tiếp tục giám sát thực hiện theo quy định của pháp luật; 208 dự án đã có chỉ đạo thực hiện, tiếp tục giám sát, đôn đốc và tổ chức hậu kiểm sau thời gian gia hạn 24 tháng) và 173 dự án do UBND các quận, huyện, thị xã đề xuất mới, tiếp tục kiến nghị xử lý (80 dự án được đưa ra khỏi danh sách hoặc đã chỉ đạo xử lý, tiếp tục giám sát thực hiện theo quy định của pháp luật; 93 dự án đã có chỉ đạo thực hiện, tiếp tục giám sát, đôn đốc và tổ chức hậu kiểm sau thời gian gia hạn 24 tháng).

Đáng chú ý, trong danh sách của UBND TP.Hà Nội, nhiều dự án của Tập đoàn Bảo Việt cũng được "nhắc tên".

Dự án Tháp Tài chính Quốc tế (IFT)

Đầu tiên phải kể đến Dự án Tháp Tài chính Quốc tế (IFT) của Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ (doanh nghiệp do Tập đoàn Bảo Việt sở hữu 100% vốn).

Theo danh sách 712 dự án chậm triển khai mà UBND TP.Hà Nội công bố, dự án này nằm trong số các dự án đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm; UBND TP giao các Sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện giám sát, tiếp tục đôn đốc thực hiện đối với từng dự án.

Cụ thể, sau khi tiếp nhận Kết luận Thanh tra số 3672/KLTT-STNMT-TTR ngày 25/5/2023, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản số 320/TB-VP ngày 10/7/2023. Tại văn bản này, UBND TP.Hà Nội giao Sở Tài chính tham mưu UBND TP có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị có ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất và việc gia hạn sử dụng đất 24 tháng đối với Dự án theo quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai năm 2013.

Về nguồn gốc dự án này, ngày 29/12/2005, UBND TP.Hà Nội có Quyết định 8506/QĐ-UB phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất khi giao khu đất này cho Công ty Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở.

Để thực hiện dự án, năm 2009, Bảo Việt Nhân thọ cùng Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thành lập Công ty TNHH đầu tư SCIC - Bảo Việt (nay là Công ty CP Đầu tư Bảo Việt - SCIC) với tỷ lệ vốn của Tập đoàn Bảo Việt và SCIC là 50 : 50.

tap-doan-bao-viet-bi-diem-ten-trong-danh-sach-loat-du-an-cham-trien-khai-tai-ha-noi-antt-1719820800.png
Tính đến ngày 31/3/2024, tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn Bảo Việt tại liên doanh Bảo Việt - SCIC là 50%. Nguồn: BCTC hợp nhất quý I/2024 của Tập đoàn Bảo Việt

Tại Báo cáo tài chính quý I/2024 của Tập đoàn Bảo Việt, vốn điều lệ của liên danh Bảo Việt - SCIC là 140 tỷ đồng; trong đó, Bảo Việt vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu 50%, tương ứng khoản góp vốn 70 tỷ đồng. Cũng theo báo cáo này, Bảo Việt đã "rót" 169,6 tỷ đồng vào Dự án Tháp Tài chính Quốc tế.

Được biết, dự án có quy mô gần 13.160m2, sở hữu vị trí đẹp tại 220 Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) với tổng vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng. Thời điểm ra mắt, dự án được kỳ vọng là tòa văn phòng hạng A, tiêu chuẩn quốc tế, biểu tượng của quận Cầu Giấy.

Tuy nhiên, hàng thập kỷ qua, dự án Tháp Tài chính IFT của Bảo Việt đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống để cỏ mọc um tùm.

Dự án nhà cao tầng để bán tại Văn Điển

Dự án nhà cao tầng để bán tại thị trấn Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội) là cũng là một dự án của Tập đoàn Bảo Việt "có tên" trong danh sách 712 dự án chậm triển khai mà UBND TP.Hà Nội công bố.

Dự án đã được UBND TP.Hà Nội tiến hành thanh tra và ban hành Kết luận thanh tra số 727/KL-STNMT-TTr ngày 8/4/2019 và kết luận số 2126/KLTT-STNMT-TTr ngày 7/4/2022. Theo các kết luận này, dự án chưa được đầu tư xây dựng, tiến độ đã hết. Sau đó, dự án cũng đã được kéo dài thời gian gia hạn tại Quyết định số 4369/QĐ-UBND ngày 31/8/2023 do bất khả kháng.

Ngày 11/10/2023, UBND TP.Hà Nội có thông báo số 471/TB-VP, giao Sở TN&MT tiếp tục kiểm tra, giám sát; trường hợp hết thời gian gia hạn mà chưa đưa đất vào sử dụng thì lập hồ sơ thu hồi đất, báo cáo UBND TP theo quy định.

Được biết, dự án này có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, quy mô xây dựng 32.973m2, gồm 29 tầng nổi và 02 tầng hầm bố cục thành 3 phần, đế, thân và mái. Trong đó tầng hầm 1 và 2 bố trí khu để xe và các phòng kỹ thuật. Từ tầng 3 đến tầng 29 bố trí 24.368 căn hộ với tổng diện tích sàn xây dựng 32.966m2.

Dự án Khu chung cư, biệt thự, nhà vườn du lịch Quang Minh

Một dự án khác có sự tham gia của Tập đoàn Bảo Việt nhưng cũng nằm trong danh sách 712 dự án chậm triển khai mà UBND TP.Hà Nội công bố là dự án Khu chung cư, biệt thự, nhà vườn, du lịch Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội).

Đơn vị thực hiện dự án là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Long Việt. Doanh nghiệp này được thành lập từ tháng 7/2008, Bảo Việt sở hữu 45% vốn.

Trong Quý II/2020, Tập đoàn Bảo Việt đã công bố thông tin về phương án chuyển nhượng toàn bộ cổ phần mà tập đoàn đang nắm giữ tại Long Việt. Tuy nhiên, theo BCTC hợp nhất quý I/2024 của Tập đoàn Bảo Việt, tính đến ngày 31/3/2024, Bảo Việt vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu 45% vốn Long Việt.

Ngoài những dự đã nói ở trên thì một dự án khác có sự tham gia của Tập đoàn Bảo Việt là dự án Seven Star trên khu đất vàng D27 Cầu Giấy cũng nằm đắp chiếu hơn chục năm qua.

Dự án Tổ hợp Seven Star là tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp được xây dựng trên lô đất D27 thuộc khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.

tap-doan-bao-viet-bi-diem-ten-trong-danh-sach-loat-du-an-cham-trien-khai-tai-ha-noi-antt-4-1719820896.png
Dự án Seven Star nằm tại vị trí “vàng” giữa trung tâm quận Cầu Giấy. Ảnh: Hữu Thắng

Nằm vị trí “vàng” giữa trung tâm quận Cầu Giấy, dự án Seven Star được UBND TP.Hà Nội chỉ định cho liên danh thực hiện theo hình thức BT từ năm 2011 do liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Bảo Việt, Công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long và Công ty Cổ phần đầu tư C.E.O (CEO Group) làm chủ đầu tư.

Mục đích của dự án là xây văn phòng cho các Hiệp hội Hà Nội theo hình thức BT. Tổng mức đầu tư dự án là gần 4.437 tỷ đồng; trong đó, tổng mức đầu tư dự án BT là 1.090,527 tỷ đồng, tổng mức đầu tư các dự án đối ứng là: 3.346,262 tỷ đồng.

Thế nhưng, nhiều năm trôi qua, dự án vẫn đắp chiếu, bỏ hoang. Dự án chậm tiến độ nhiều năm tạo “tiền đề” hàng loạt công trình sai mục đích như bãi rửa xe, gara ôtô, buôn bán sắt vụn, sân bóng đá... khiến khung cảnh vô cùng nhếch nhác.

Bạch Hiền