Loạt dự án khủng 'về tay' Tập đoàn Đèo Cả trong năm 2023
Trong năm 2023, liên danh có sự tham gia của Đèo Cả liên tiếp trúng thầu nhiều dự án, trong đó có danh mục 400km đường cao tốc được nghiên cứu, đề xuất đầu tư trong giai đoạn 2023-2025.
Bên cạnh các dự án đang thi công, trong năm 2023 liên danh có sự tham gia của Đèo Cả cũng liên tục trúng các gói thầu thi công với giá trị khủng. Được biết, danh mục đầu tư của Đèo Cả trong giai đoạn 2020 - 2025 có tổng giá trị thực hiện vượt mốc 100.000 tỷ đồng, cao gần gấp đôi giai đoạn 2012 - 2020.
Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang
Tháng 10/2023, liên danh Tập đoàn Đèo Cả và CTCP Xây dựng cầu 75 vừa được chọn là nhà thầu thực hiện gói thầu 24 dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang trị giá 736 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, đã được khởi công ngày 21/10 và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) - đoạn qua tỉnh Tuyên Quang có chiều dài toàn tuyến 77km, điểm đầu tại nút giao đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ với QL2D, thuộc địa phận xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang; điểm cuối tại Km77+00, khớp nối với Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang.
Cao tốc Hữu nghị - Chi Lăng
Tháng 12/2023, dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vừa được UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt là 11.179 tỷ đồng, hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Trong đó, vốn nhà đầu tư thu xếp khoảng 6.179 tỷ đồng (chiếm 55,27% tổng mức đầu tư). Vốn nhà nước khoảng 5.000 tỷ đồng (chiếm 44,73%), trong đó vốn ngân sách trung ương 2.500 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 2.500 tỷ đồng.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 59,87 km, bao gồm tuyến cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng dài khoảng 43,43km và tuyến Cửa khẩu Tân Thanh nối với Cửa khẩu Cốc Nam dài 16,44km.
Dự án sẽ xây tổng cộng 5 trạm thu phí, gồm 2 trạm thu phí đặt trên tuyến chính của cao tốc và 3 trạm thu phí đặt trên tuyến nhánh tại các nút giao và điểm ra vào cao tốc. Ngoài ra, dự án có 6 nút giao, 1 cầu vượt, 68 hầm chui dân sinh và 39 công trình cầu trên tuyến chính.
Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Cũng trong tháng 12 này, Tập đoàn Đèo Cả góp mặt trong liên danh cùng với ICV Việt Nam - HHV - Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình 568 được UBND tỉnh Cao Bằng chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án PPP cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, giai đoạn 1 trị giá 14.167 tỷ đồng.
Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có tổng chiều dài 115km, tốc độ thiết kế 80km/h. Dự án có điểm đầu tại Km0+00 – nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn và điểm cuối tại Km115+00 – cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
Dự án được phân kỳ đầu tư theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ nay đến 2024, đầu tư khoảng 93km với quy mô nền đường 17m từ tỉnh Lạng Sơn đến huyện Quảng Hòa (Cao Bằng). Gia đoạn 1 dự kiến hoàn thành năm 2026, thời gian hoàn vốn dự kiến là 24 năm 10 tháng. Giai đoạn 2 sau năm 2025 sẽ đầu tư tiếp khoảng 22 km đến cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc
Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài 66 km, đi qua hai tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng. Đây là dự án đầu tiên thực hiện theo phương thức đối tác công tư sau khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) được áp dụng. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ 17.200 tỷ đồng (vốn nhà nước tham gia dự án 6.500 tỷ đồng, trong đó ngân sách T.Ư 2.000 tỷ đồng và ngân sách tỉnh Lâm Đồng 4.500 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 1.605 tỷ đồng và 9.095 tỷ đồng từ các nguồn huy động).
Dự án có điểm đầu tại Km59+594 giao với Quốc lộ 20 tại Km 69+400 trên địa bàn xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai và điểm cuối tuyến tại Km126+360, giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, nằm trong quy hoạch đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương.
HHV và Tập đoàn Đèo Cả tham gia nghiên cứu, đề xuất dự án từ năm 2020. Sau khi lỡ hẹn vào tháng 9/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc sẽ được khởi công vào cuối năm 2023, chậm nhất là tháng 2/2024.
Được biết, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Tân Phú - Bảo Lộc nằm trong danh mục 400km đường cao tốc được HHV đề xuất đầu tư trong giai đoạn 2023-2025. Trong danh mục còn có dự án Hữu Nghị - Chi Lăng (ở Lạng Sơn), TP.HCM - Chơn Thành, Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương…
Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau
Dự án tuyến đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thuộc hệ thống đường cao tốc phía Nam, là một trong 2 tuyến trục dọc trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cao tốc này dài 110 km, các tuyến nối khoảng 25 km, rộng 17 m, 4 làn, tổng vốn đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng. Công trình khởi công đầu năm nay, là tuyến kết nối 2 cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.
Ngoài lĩnh vực chủ đạo là thi công xây lắp đường bộ, Đèo Cả đang tham vọng lấn sân sang các lĩnh vực khác. Cụ thể, hồi tháng 4/2023, Tập đoàn Đèo Cả đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp để bắt tay nghiên cứu đầu tư trạm dừng nghỉ tại các công trình dự án mà Đèo Cả thi công, xây dựng và quản lý vận hành, tham gia đấu thầu thực hiện các trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam và các tuyến cao tốc, quốc lộ khác.
Tiếp đến, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra hồi tháng 6, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho biết giai đoạn 2023 - 2025, doanh nghiệp này tập trung hoạt động chủ đạo là thi công xây lắp, tiếp cận và tham gia đấu thầu các dự án sân bay, đường sắt và một số đường cao tốc ở nhiều địa phương khác nhau… Tổng mức đầu tư các dự án khoảng 26.000 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến tham gia khoảng 11.500 tỷ đồng giá trị hợp đồng xây lắp triển khai từ cuối năm 2023 đến năm 2025.
Riêng HHV đang nghiên cứu phát triển dự án mới đầy tham vọng, với tổng mức đầu tư lên tới 138.958 tỷ đồng, bao gồm: 4 dự án đường cao tốc (tổng mức đầu tư là 79.250 tỷ đồng) và dự án đường sắt Metro 2 giai đoạn 3 của TP.HCM (tổng mức đầu tư là 59.708 tỷ đồng).