Loạt ngân hàng chuẩn bị họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024

Mới bước sang tháng 2/2024, một số ngân hàng đã thông báo chốt quyền cổ đông tham dự, thậm chí là chốt ngày tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ), nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh 2024.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã ACB, sàn HoSE) là một trong những ngân hàng sớm nhất chốt ngày tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào ngày 4/4 tới. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự họp ĐHĐCĐ là ngày 1/3. Hiện ACB chưa công bố tài liệu chuẩn bị cho cuộc họp.

Năm 2023, ACB đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận  trước thuế vượt 20.000 tỷ đồng - xếp thứ 7 toàn ngành. Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của ngân hàng đạt 719.000 tỷ đồng, tăng 18,2% so với đầu năm. Trong đó, quy mô tín dụng của ACB đạt gần 488.000, tăng 17,9%. 

loat-ngan-hang-chuan-bi-hop-dai-hoi-dong-co-dong-thuong-nien-2024-1707278265.jpg
ĐHĐCĐ năm 2023 của ACB

Dù lợi nhuận tăng trưởng nhưng chất lượng tài sản của ngân hàng này lại kém khả quan. Tổng nợ xấu của ACB ghi nhận 5.887 tỷ đồng, tăng 93% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 2,1 lần, nợ nghi ngờ tăng 2,3 lần và nợ có khả năng mất vốn cũng tăng 1,8 lần và chiếm tới 66% tổng nợ xấu. Qua đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay bị đẩy từ 0,74% lên 1,22% vào cuối năm 2023.

Tiếp đến, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - mã: MBB, sàn HoSE) cũng đã thông báo tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 vào ngày 19/4. Trước đó, vào ngày 18/1/2024, MB đã chốt danh sách cổ đông có quyền tham dự ĐHĐCĐ 2024 vào ngày 18/1/2024. Cũng trong ngày 18/1, nhà băng này đã chốt cổ đông có quyền đề cử tham gia Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Cuộc họp tới, lãnh đạo ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua một số tờ trình gồm: Báo cáo của HĐQT, BKS về tổng kết nhiệm kỳ 2019 - 2024 và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2024 - 2029; Báo cáo của BĐH về kết quả hoạt động năm 2023 và kế hoạch hoạt động năm 2024; Thông qua Báo cáo tài chính đã được kiểm toán và phương án phân phối lợi nhuận năm 2023; Thông qua Phương án sử dụng vốn chủ sở hữu năm 2024, Phương án tăng vốn điều lệ năm 2024...

Trong năm 2023, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MB đạt hơn 26.306 tỷ đồng, tăng trưởng 15,7% so với năm 2022. 

Một ngân hàng khác cũng dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 trong tháng 4 tới là Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB, mã MSB). Cụ thể, ngày đăng ký cuối cùng để hưởng quyền tham dự đại hội là 8/3/2024. Đại hội dự kiến tổ chức vào ngày 10/4 tại số 54A Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội.

Một trong những nội dung được nhắc đến trong đại hội là thông qua việc tiến hành thủ tục thông báo đề cử, ứng cử để bổ sung HĐQT ngân hàng MSB nhiệm kỳ VII (2022-2026). Số lượng thành viên được nhắc đến là 2 thành viên HĐQT.

Về tình hình kinh doanh năm 2023, MSB lãi trước thuế gần 5.830 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với năm trước và thực hiện được 93% mục tiêu 6.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm vừa qua. Thu nhập lãi thuần đạt 9.188 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái.

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của MSB đạt 267.005 tỷ đồng, mở rộng 25% so với đầu năm. Trong đó cho vay khách hàng tăng 24% so với cùng kỳ, đạt 149.145 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu tính đến 31/12/2023 của MSB ghi nhận 4.280 tỷ đồng, cao gấp đôi đầu năm. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,71% đầu năm lên 2,87%.

Ngoài ra, một số ngân hàng chưa chốt ngày tổ chức đại hội. Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB, mã: VIB) có lẽ sẽ là ngân hàng tổ chức ĐHĐCĐ thường niên sớm nhất vào tháng 3/2024 nhưng chưa chốt ngày cụ thể. VIB thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 vào ngày 26/2/2024. 

Đại hội cổ đông thường niên năm 2024 của VIB dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 3/2024 tại TP HCM. Hiện ngân hàng này chưa công bố thêm các thông tin liên quan đến đại hội.

Về tình hình kinh doanh, năm 2023, thu nhập lãi thuần của VIB đạt 17.360 tỷ đồng, tăng 16%, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 15.549 tỷ đồng, tăng 31% so với thực hiện năm 2022. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cả năm tăng gấp 3,7 lần, lên mức 4.846 tỷ đồng khiến cho lợi nhuận trước thuế tăng rất nhẹ đạt 10.703 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của VIB mở rộng thêm 19,5% so đầu năm, lên mức 409.880 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng chiếm 266.345 tỷ đồng, tăng 14,8%. Khoản chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán cũng tăng 51% lên 60.956 tỷ đồng.

Về chất lượng tài sản, tổng nợ xấu tại thời điểm 31/12/2023 ở mức 8.417 tỷ đồng, tăng 48% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 63%, nợ nghi ngờ tăng gấp đôi còn nợ có khả năng mất vốn giảm nhẹ. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu của VIB bị đẩy từ mức 2,45% lên tới 3,14%.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, mã LPB, sàn HoSE) mới đây phê duyệt kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên vào tháng 4/2024. 

Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông, nhóm cổ đông đề cử ứng viên bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ IV và tham dự họp đại hội là ngày 15/2 tới đây. Các thông tin chi tiết về việc họp Đại hội hiện chưa được ngân hàng LPBank công bố.

Kết thúc năm 2023, LPBank thu về 7.039 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 117% kế hoạch năm, tăng trưởng 24% so với 2022. LPBank hoàn thành mục tiêu kinh doanh được đại hội đồng cổ đông thông qua với mức tăng trưởng tín dụng đạt 16,83%, huy động tăng 13,7%.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Ngân hàng LPBank đạt 382.863 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng 17%, đạt 275.430 tỷ đồng và tiền gửi khách hàng tăng 10%, đạt 237.391 tỷ đồng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT